Thứ 3, 23/07/2024, 22:32[GMT+7]

Chợ truyền thống: Nâng cấp, nâng hiệu quả

Thứ 4, 22/05/2013 | 14:56:55
938 lượt xem
Với vai trò là kênh phân phối khoảng 40% lượng hàng hóa, nâng cấp chợ truyền thống sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa tại thị trường nội địa.

Chợ truyền thống giúp lưu thông khoảng 40% hàng hóa của thị trường nội địa.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, từ năm 2003 đến cuối năm 2012, cả nước đã cải tạo nâng cấp được 2.984 chợ các loại; Xây mới 2.006 chợ, nâng tổng số chợ cả nước lên 8.547. Số chợ đạt hiệu quả chiếm khoảng 97%. Giá trị hàng hóa dịch vụ thông qua hệ thống chợ chiếm trung bình khoảng 40%, góp phần không nhỏ vào việc tiêu thụ hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân.

 

Ông Nguyễn Hữu Thắng – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) khẳng định: Chợ truyền thống là một mô hình cực kỳ quan trọng đối với thị trường nội địa vì dễ tổ chức, thường gắn liền với các khu dân cư. Ở đâu có chợ, ở đó thu hút được một lượng hàng hóa lớn, kích thích được sản xuất phát triển, từ đó mang lại nguồn thu cho thương nhân và Nhà nước. Ngoài ra, người tiêu dùng khi đến một khu chợ của một địa phương nào thường muốn mua một mặt hàng truyền thống của địa phương đó, cho nên đây cũng chính là một kênh quảng bá, tiêu thụ hàng Việt rất hiệu quả. Giá hàng hóa “mềm” hơn khá nhiều so với các kênh phân phối hiện đại cũng chính là một điểm hút khách của chợ truyền thống.

 

Ngoài hiệu quả kinh tế, chợ truyền thống còn là nơi giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động, đặc biệt là lao động nông thôn. Cũng theo thống kê của Bộ Công Thương, chợ truyền thống hiện đang tạo công ăn việc làm cho khoảng hai triệu thương nhân buôn bán tại chợ. Riêng các chợ ở khu vực nông thôn, số lượng người bán thường xuyên cố định chiếm khoảng 47%.

 

Thời gian qua, công tác quản lý chợ đã có những bước phát triển tốt với hơn 500 mô hình DN quản lý chợ và hợp tác xã; Có 1.366 chợ đạt tiêu chí chợ gắn với phát triển nông thôn mới…Bên cạnh đó, việc kêu gọi đầu tư tư nhân cho các dự án chợ cũng đạt được những hiệu quả khả quan. Đơn cử như ở Thanh Hóa, 75% nguồn vốn xây dựng chợ được lấy từ nguồn vốn tư nhân.

 

Để phát huy hiệu quả chợ truyền thống

 

Bên cạnh những hiệu quả đáng ghi nhận, chợ truyền thống vẫn còn những tồn tại khó khắc phục mà nổi trội nhất là tình trạng xuống cấp của cơ sở hạ tầng với 28% số chợ vẫn ở trong tình trạng lều lán, tạm bợ; thậm chí có tới 15% số chợ còn họp ngoài trời. Đơn cử như Hà Tĩnh có 172 chợ nhưng hầu hết các chợ này đều đang trong tình trạng xuống cấp. Ông Trần Nhật Tân, Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh cho biết: Mạng lưới các chợ trên địa bàn huyện còn bộc lộ những hạn chế, bất cập như cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, ảnh hưởng trực tiếp đến vệ sinh môi trường và an toàn phòng chống cháy nổ trong khu vực.

 

Nạn hàng nhái, hàng giả, mất vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một đặc điểm khá nhức nhối đã tồn tại khá lâu trong các khu chợ truyền thống. Đặc biệt, do nhu cầu khá lớn của người dân nên các chợ tạm, chợ cóc ngoài quy hoạch, không được cấp phép được hình thành ngày một nhiều. Tình trạng cách vài ba nhà dân lại “mọc” lên một khu chợ tạm đã không còn là chuyện hiếm.

 

Để khắc phục những nhược điểm trên, quy hoạch lại nhằm nâng cấp chợ và tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi đầu tư tư nhân chính là những giải pháp sẽ được đẩy mạnh hơn thời gian tới. Cụ thể, với các khu chợ tạm, chợ cóc, chợ nằm ngoài quy hoạch, quan điểm của Bộ Công Thương là sẽ không xóa bỏ những khu vẫn mang lại lợi ích cho người dân mà sẽ xem xét để quy hoạch lại nhằm quản lý chặt chẽ hơn chất lượng, nguồn gốc hàng hóa tại các chợ này. Các khu chợ nằm trong quy hoạch nhưng không mang lại hiệu quả sẽ được đánh giá lại, chuyển đổi để có hướng đi thích hợp với từng vùng và địa phương.

 

Việc nâng cấp và phát triển chợ sẽ tiếp tục được thực hiện bằng hình thức kêu gọi xã hội hóa, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân. Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Chiến – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương chia sẻ: Bộ Công Thương đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét để có thêm những ưu đãi cho các dự án tư nhân đầu tư xây dựng chợ.

 

Cụ thể, hiện nay, có nhiều chợ đang được các nhà đầu tư tư nhân triển khai theo hình thức BOT, BT, BTO, tuy nhiên, các dự án này lại không thuộc danh mục ưu đãi được quy định tại Nghị định 108/2009/NĐ-CP quy định về đầu tư các dự án theo hình thức BOT, BTO và BT. Do đó, Bộ Công Thương đang kiến nghị Thủ tướng để sửa đổi Nghị định nhằm giúp các nhà đầu tư chợ được hưởng những ưu đãi về thuế, tiền thuê mặt bằng… có trong Nghị định này. Ngoài ra, theo quy định của Nghị định 108, các dự án triển khai theo hình thức BOT, BTO, BT đều phải xin ý kiến của Chính phủ, cho nên, Bộ Công Thương cũng đang kiến nghị Thủ tướng giao quyền cho chủ tịch UBND các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương trong việc quyết định những dự án chợ thực hiện theo hình thức BOT, BT, BTO. Việc này sẽ giúp làm giảm thủ tục hành chính và tránh phiền hà cho DN.

 

Các địa phương cũng cam kết sẽ tạo điều kiện tối đa cho các dự án chợ của nhà đầu tư tư nhân. Ông Trần Nhật Tân khẳng định: Thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục có những cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư chợ trên địa bàn, đầu tiên là sẽ hỗ trợ 30% chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Các thủ tục hành chính sẽ được đơn giản hóa hết mức để tạo điều kiện tối đa cho DN.

 

Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định: Để phù hợp với xu thế hiện nay thì chợ truyền thống cần phải được nâng cấp, đồng thời xã hội hóa quản lý chợ truyền thống theo mô hình doanh nghiệp, Hợp tác xã quản lý... Đây là điều kiện cần thiết để đảm bảo hoạt động kinh doanh cũng như tái đầu tư phát triển chợ trong điều kiện hội nhập.

Nguồn nhandan.com

  • Từ khóa