Thứ 3, 23/07/2024, 22:37[GMT+7]

Sôi động thị trường điện thoại di động

Thứ 2, 27/05/2013 | 08:26:38
2,332 lượt xem
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, có rất nhiều sản phẩm, dịch vụ ngưng trệ. Ngoài những mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu như: gạo, nước, ga, thực phẩm… thì điện thoại di động (ÐTDÐ) vẫn được khách hàng khá quan tâm. Các nhà sản xuất và kinh doanh ÐTDÐ luôn nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ, thay đổi kiểu dáng để sản phẩm của mình thu hút khách hàng hơn.

Tại các cửa hàng, điện thoại di động vẫn duy trì ổn định lượng khách hàng.

Nằm ngay trung tâm Thành phố Thái Bình, “Thế giới di động” tại số 1 - Quang Trung vẫn tấp nập người ra vào bởi sản phẩm đa dạng, được bày trí bắt mắt. Từ những chiếc Galaxy Note có giá 13,9 triệu đồng đến điện thoại bình dân N1208 với giá 400.000 đồng; từ những smart phone trẻ trung, sành điệu đến dòng máy "cục gạch" giá rẻ, bền như N1202… Ðối diện với Bến xe Hoàng Hà, Siêu thị điện máy HC là “gương mặt” mới kinh doanh đầy đủ các mặt hàng điện máy như tủ lạnh, tivi, máy giặt… Trong đó, ÐTDÐ được xác định là mặt hàng quan trọng trong chiến lược kinh doanh. Anh Ngô Văn Cương - nhân viên bán hàng ÐTDÐ cho biết: "Siêu thị có 10 nhân viên bán ÐTDÐ. So với các mặt hàng như điện lạnh, hàng gia dụng thì điện thoại là mặt hàng bán chạy hơn cả".

 

Dạo qua các siêu thị và cửa hàng như: Ánh Chinh, Nano, Victory, Nhật Minh… chúng tôi cũng thấy được sự tấp nập trong việc mua bán, kinh doanh ÐTDÐ. Không chỉ ở các trung tâm mua sắm, siêu thị điện thoại mà tại các cửa hàng bán lẻ việc mua bán, trao đổi điện thoại cũng khá nhộn nhịp. Tại cửa hàng điện thoại Hoàng Hùng, số 10, Ngô Văn Sở, phường Quang Trung, chúng tôi có dịp quan sát và tận mắt xem đủ loại sản phẩm ÐTDÐ. Từ những chiếc Iphone 5 giá 16,5 triệu đồng đến điện thoại Trung Quốc có giá 300.000 đồng. Các sản phẩm đa dạng với đủ màu sắc, kiểu dáng, thương hiệu: Nokia, Samsung, Sony, LG, Q-mobile, Ktouch, Gionee… Anh Hoàng Văn Hùng, chủ cửa hàng cho biết:  Nắm bắt nhu cầu của khách hàng, chúng tôi luôn nâng cao chất lượng phục vụ, cập nhật các sản phẩm mới với chủng loại đa dạng, mẫu mã phong phú để đáp ứng thị hiếu đa dạng của khách hàng.

 

Từ sau Tết đến nay ÐTDÐ bán có phần chậm hơn, tuy nhiên nhiều hãng cho ra các sản phẩm mới, hợp thời trang, 2 sim 2 sóng cùng với các chương trình khuyến mại hấp dẫn nên lượng bán ra vẫn duy trì ổn định. Trung bình mỗi ngày, anh trao đổi, mua bán khoảng 10 chiếc ÐTDÐ. Anh Hùng chia sẻ thêm: "Anh kinh doanh điện thoại gần chục năm nay, rất ít khi lỗ, chỉ là bán nhanh hay chậm thôi! Bởi vì ÐTDÐ là phương tiện thông tin liên lạc hàng ngày, là nhu cầu thiết yếu của người dân". Tại đây, chúng tôi gặp anh Phan Bá Trường (27 tuổi), anh vừa đổi điện thoại từ Galaxy Y sang dùng HTC One, anh bày tỏ: "Bọn mình thay đổi điện thoại thường xuyên, bán đi đổi lại lỗ nhiều, nhưng mình thích sưu tập và trải nghiệm với các sản phẩm mới".

 

Hiện nay, xu hướng sử dụng điện thoại dòng "smart phone" với đầy đủ các tính năng nghe nhạc, quay phim, truy cập internet… phục vụ nhu cầu giải trí và cập nhật thông tin. Ðối với học sinh trung học thường dùng ÐTDÐ nhắn tin, trao đổi bài vở, tham khảo tài liệu. Gặp em Nguyễn Thị Thắm, học sinh lớp 11 tại cửa hàng ÐTDÐ cuối đường Lê Quý Ðôn, em cho chúng tôi biết: "Em mua điện thoại Gionee giá 400.000 đồng giúp em liên lạc với gia đình, trao đổi bài tập với bạn bè, tham khảo thông tin và nghe nhạc xả stress".

 

Hiện nay, toàn thế giới có khoảng 4 tỷ người sử dụng điện thoại di động. Trong đó có 1,08 tỷ người sử dụng smartphone, còn 3,05 tỷ người sử dụng các loại điện thoại cơ bản (nghe, gọi và nhắn tin). Con số này cho thấy tốc độ và nhu cầu sử dụng ÐTDÐ là rất lớn. Trên thực tế, từ người già, bậc trung niên, thiếu niên đều sử dụng ÐTDÐ, đặc biệt ở độ tuổi từ 18 đến 35. Vì thế nhu cầu mua bán, trao đổi, "lên đời" điện thoại hiện nay vẫn ổn định và sôi động.

Bài, ảnh:  Bích Liễu

 

  • Từ khóa