Thứ 2, 25/11/2024, 09:31[GMT+7]

Đưa sản phẩm “vượt biên” nhờ ứng dụng thương mại điện tử

Thứ 2, 24/04/2023 | 07:03:09
2,483 lượt xem
Nói đến chuyện nông dân làm giàu từ ứng dụng thương mại điện tử ở Thái Bình thì có rất nhiều mô hình, song thành công và hiệu quả cao phải kể đến hai anh em ông Phạm Văn Lang và Phạm Văn Lữ cùng với thương hiệu máy cấy Văn Lang ở xã Lô Giang, huyện Đông Hưng. Hiện nay, máy cấy Văn Lang không chỉ được nông dân trong cả nước tin dùng mà còn có mặt ở rất nhiều nước trên thế giới.

Công ty TNHH Máy nông nghiệp Văn Lang trình diễn máy cấy và làm video clip quảng bá trên mạng xã hội.

Được hỏi về sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của địa phương, ông Phạm Hùng Vương, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đông Hưng tự hào chia sẻ: Huyện có rất nhiều sản phẩm công nghiệp tiêu biểu nhưng sản phẩm máy cấy của Công ty TNHH Máy nông nghiệp Văn Lang là đặc sắc nhất, biểu trưng cho sự năng động, sáng tạo của người nông dân và mang lại nhiều giá trị, lợi ích cho cộng đồng. Không chỉ có vậy, đây cũng là đơn vị nhạy bén trong việc ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá, kinh doanh rất thành công.

Máy cấy Văn Lang từ lâu được bà con nông dân ưa chuộng bởi có nhiều ưu điểm như năng suất cấy cao, hoạt động phù hợp mọi địa hình, thổ nhưỡng, có thể điều chỉnh mật độ cấy, cấy đều và thẳng hàng. Máy có trọng lượng nhẹ và gọn nên vận chuyển thuận lợi, không tốn nhiên liệu và nhất là việc bảo dưỡng, sửa chữa dễ dàng, bà con có thể tận dụng các linh kiện, phụ tùng của xe đạp, xe máy rất sẵn có trên thị trường để thay thế.

Sản phẩm tốt là một thế mạnh, nhưng ban đầu doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận người tiêu dùng, phát triển thị trường. Ông Phạm Văn Lữ, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH Máy nông nghiệp Văn Lang cho biết: Mất nhiều năm chúng tôi mới nghiên cứu và chế tạo thành công chiếc máy cấy. Song một vài năm đầu, việc bán sản phẩm rất băng bó, khách hàng chủ yếu là bà con trong xã và một số địa phương lân cận. Thấy khâu quảng bá, bán hàng còn hạn chế, chúng tôi nhanh chóng tìm hiểu và ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh. Công ty bố trí nhân sự chụp ảnh, làm video clip, livestream giới thiệu sản phẩm, Công ty hướng dẫn cách sử dụng máy cấy rồi đăng tải lên mạng xã hội như zalo, facebook, youtube. Chỉ sau một năm truyền thông, bán hàng trên mạng, doanh số bán hàng đã đạt trên 1.000 sản phẩm/năm. Khách hàng không chỉ là bà con nông dân mà có cả các cửa hàng, đại lý kinh doanh điện máy ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đặt hàng để phân phối.

Hiệu quả của việc ứng dụng thương mại điện tử ở Công ty TNHH Máy nông nghiệp Văn Lang đó là nhanh chóng tiếp cận khách hàng, mở rộng địa bàn tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, doanh nghiệp còn thu nhận được nhiều thông tin hữu ích của thị trường, nhu cầu và phản hồi của người tiêu dùng thông qua trải nghiệm, tương tác trên mạng xã hội. Đây là những dữ liệu quan trọng giúp Công ty tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, nâng cấp các chức năng, tiện ích của sản phẩm máy cấy đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nông dân.

Với ý tưởng đưa máy cấy lên sàn thương mại điện tử, Công ty TNHH Máy nông nghiệp Văn Lang đã đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý về bản quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và thương hiệu, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất bảo đảm sản lượng đủ lớn... Công ty chủ động liên hệ với các tập đoàn phân phối lớn có sàn thương mại điện tử để đàm phán mở gian hàng, đưa sản phẩm lên mạng bán. Hiện máy cấy Văn Lang đã có mặt trên một số sàn thương mại điện tử lớn và uy tín hàng đầu tại Việt Nam như shopee, lazada, sendo...

Phát triển tốt thị trường trong nước, Công ty TNHH Máy nông nghiệp Văn Lang hướng đến xuất khẩu. Ông Phạm Văn Lữ cho biết thêm: Thương mại điện tử không bị bó hẹp trong một quốc gia, nhưng để tiếp cận với khách hàng nước ngoài thì cần có ngôn ngữ chung. Nghĩ vậy nên chúng tôi tập trung sản xuất các video clip quảng bá, giới thiệu máy cấy Văn Lang bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Sau khi đăng lên youtube và facebook chúng tôi nhận được sự tương tác của đông đảo người dân, doanh nghiệp của các nước quan tâm muốn đặt hàng. Đã có một số tổ chức, cá nhân từ Philippines, Ấn Độ, Indonesia trực tiếp sang đánh giá thực tế nhà xưởng, năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm và quyết định mua máy đem về nước sử dụng hoặc kinh doanh. Không ít khách hàng nước ngoài yêu cầu Công ty gửi video, thông số kỹ thuật của máy cấy qua thư điện tử (email) hoặc trực tiếp tương tác trên facebook để đánh giá và đặt mua. Đến nay, máy cấy Văn Lang đã có mặt trên cánh đồng của 20 nước trên thế giới, trong đó nhiều nước có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp như Peru, Sri Lanka, Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia... Nhờ khai thác tốt thương mại điện tử, mỗi năm Công ty bán ra thị trường trong và ngoài nước khoảng 2.500 chiếc máy cấy các loại, gần như không có sản phẩm tồn kho, doanh thu đạt gần 40 tỷ đồng. Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, với tín hiệu thị trường quốc tế từ đầu năm đến nay đang tốt lên, dự kiến năm 2023 doanh thu sẽ tăng trưởng từ 20% trở lên so với năm 2022.

Ông Phạm Văn Lữ giới thiệu những tính năng ưu việt của máy cấy Văn Lang.

Khắc Duẩn