Thứ 6, 22/11/2024, 13:44[GMT+7]

Dự tính xuất 1.500 tấn vải thiều đi Mỹ

Thứ 6, 19/05/2023 | 14:47:30
1,700 lượt xem
Là tỉnh có diện tích trồng vải lớn nhất toàn quốc, năm nay là năm thứ ba liên tiếp Bắc Giang dự báo vải thiều được mùa.

Ảnh minh họa.

Tỉnh Bắc Giang, dự kiến sản lượng vải thiều năm nay trên 180.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải ngắn nên việc liên kết, tìm đầu ra cho vải thiều được chính quyền, nông dân các địa phương trong tỉnh tích cực xúc tiến ngay từ đầu vụ.

Cụ thể, năm nay, Bắc Giang có gần 30.000 ha vải thiều, thời gian thu hoạch dự kiến từ 20/5 - 30/7/2023. Đến nay, toàn tỉnh có 178 mã số vùng trồng phục xuất khẩu với tổng diện tích gần 16,7 nghìn ha.

Trong đó, diện tích và sản lượng vải thiều đủ điều kiện xuất khẩu đi thị trường Mỹ đã được cấp 17 mã số vùng trồng, với diện tích 205 ha, sản lượng ước đạt 1.500 tấn.

Bắc Giang dự tính xuất 1.500 tấn vải thiều đi Mỹ - Ảnh 1.

Bắc Giang dự tính xuất 1.500 tấn vải thiều đi Mỹ. Ảnh minh họa.

Tập trung sản xuất vải đạt tiêu chuẩn xuất Mỹ

Tân Yên là huyện đầu tiên ở Bắc Giang thu hoạch vải chín sớm. Những ngày này nông dân đang tập trung chăm bón, sản xuất vải an toàn, nâng chất lượng để vải lên cùi dày, tăng vị ngọt. Tất cả các quy trình đều phải tuân thủ tiêu chuẩn của phía nhập khẩu đề ra.

Đối với vườn vải được trồng theo quy trình Global gap và đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu đi Mỹ, việc nhổ cỏ hay bắt sâu đục cuống quả vải đều được làm bằng tay. Thuốc bảo vệ thực vật cũng là loại thuốc sinh học được người dân tự làm từ dung dịch tỏi ớt để hạn chế tối đa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên quả.

"Chúng tôi làm thuốc hữu cơ này nó đảm bảo sức khỏe con người. Hôm nay bơm thuốc mai vào vườn lao động bình thường, không mệt mỏi như ngày xưa và chất lượng quả vải đảm bảo cho thị trường", anh Ngô Văn Cường - xã Phúc Hòa, Tân Yên, Bắc Giang cho biết.

Bắc Giang dự tính xuất 1.500 tấn vải thiều đi Mỹ - Ảnh 2.

Năm nay là năm thứ ba liên tiếp Bắc Giang dự báo vải thiều được mùa. Ảnh minh họa.

Để xuất khẩu được vào thị trường Mỹ, quả vải cần đáp ứng nghiêm ngặt tiêu chuẩn về chất lượng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, có yêu cầu phân tích, xét nghiệm bắt buộc gần 900 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật.

Vì vậy, công việc của những cán bộ khuyến nông xã như chị Nguyễn Thị Nhung - cán bộ Khuyến nông xã Phúc Hòa, Tân Yên, Bắc Giang - là thăm vườn hàng ngày cùng nông dân để sớm phát hiện và xử lý sâu bệnh.

"Chúng tôi sẽ xác định thời điểm kể cả phun thuốc hóa học vào thời điểm chuẩn nhất và đảm bảo thời gian cách ly đối với dư lượng", chị Nhung cho hay.

Năm 2022 vải Tân Yên xuất được khoảng 180 tấn sang thị trường cao cấp. Năm nay, kỳ vọng sản lượng xuất khẩu sẽ cao hơn.

Nhờ xuất khẩu sang những thị trường khó tính, giá trị quả vải và thu nhập của người trồng vải đã được nâng lên rõ rệt, từ 110 triệu đồng/ha vào năm 2020 lên thành 320 triệu đồng/ha vào năm 2022.

Kiểm soát chất lượng nông sản xuất khẩu

Với mỗi một vùng trồng xuất khẩu, mã vùng trồng không chỉ là tấm vé thông hành rất quan trọng để nông sản xuất ngoại, mà còn gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, ở các địa phương, việc kiểm soát mã vùng trồng được tổ chức rất nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng nông sản xuất khẩu.

Ngay từ đầu vụ vải, các vùng trồng ở Bắc Giang đã được định vị để thiết lập mã số vùng trồng. Mỗi mã vùng trồng được cấp cho một tổ sản xuất sẽ quy định ở một vị trí nhất định, trong đó thể hiện rõ số hộ dân tham gia, diện tích, quy trình canh tác và sản lượng vùng trồng. Việc làm này giúp cho việc kiểm soát chất lượng nông sản chặt chẽ.

Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bắc Giang cho biết: "Trách nhiệm của địa phương đã thiết lập và lưu giữ hồ sơ đó, do vậy ở địa phương sẽ đưa ra được những quy định, đồng thời thanh kiểm tra, xử lý việc mượn mã số vùng trồng và yêu cầu thu hồi với những mã vùng không đủ điều kiện xuất khẩu".

Bắc Giang dự tính xuất 1.500 tấn vải thiều đi Mỹ - Ảnh 3.

Ngay từ đầu vụ vải, các vùng trồng ở Bắc Giang đã được định vị để thiết lập mã số vùng trồng. Ảnh minh họa

Năm vừa qua huyện Tân Yên cũng thu hồi giấy phép của 11/13 cơ sở đóng gói xuất khẩu không đủ điều kiện nhằm đồng bộ chất lượng, đảm bảo yêu cầu xuất khẩu từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói.

"Đối với các cơ sở được cấp phép đóng gói sản phẩm, chúng tôi kiểm tra các điều kiện, việc ký kết của cơ sở đóng gói với các hộ dân được cấp mã, đảm bảo việc truy xuất các sản phẩm thuận lợi, chính xác, đảm bảo chất lượng của vải chín sớm Tân Yên", ông Ngô Quốc Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, Bắc Giang cho biết.

Hiện toàn tỉnh Bắc Giang có 178 mã số vùng trồng vải, mỗi mã có diện tích tối thiểu 10ha, trồng theo tiêu chuẩn thực hành Viet gap, Global gap và hữu cơ. Việc địa phương được giao quyền thiết lập hồ sơ cấp mã số vùng trồng sẽ giúp đẩy nhanh thời gian cấp mã và tránh tình trạng mượn mã vùng trồng, ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt.

Theo vtv.vn