Chủ nhật, 24/11/2024, 23:47[GMT+7]

Lợi ích thiết thực của trạm biến áp không người trực

Thứ 6, 11/08/2023 | 08:32:17
3,007 lượt xem
Những năm qua, Công ty Điện lực Thái Bình đã triển khai chuyển đổi số tại các trạm biến áp (TBA) 110kV nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động, độ an toàn, tin cậy của thiết bị trong vận hành, cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn tỉnh.

Các trạm biến áp 110kV xây mới giúp cấp điện ổn định, an toàn trên địa bàn tỉnh.

Dự án đường dây và TBA 110kV Thái Hưng (Thái Thụy) khởi công tháng 6/2022, đóng điện ngày 10/3/2023. Dự án đầu tư xây dựng mới đường dây 110kV trên không, 4 mạch, chiều dài 7,1km; xây dựng mới TBA 110kV quy mô 2 máy biến áp, công suất 40MVA (giai đoạn này lắp đặt 1 MBA). TBA 110kV Thái Hưng được trang bị hệ thống thu thập, giám sát, đo đếm và điều khiển xa và hệ thống camera giám sát, phòng cháy, chữa cháy tự động... kết nối với trung tâm điều khiển xa, vận hành theo tiêu chí không người trực. Sau khi vận hành TBA bước đầu phát huy hiệu quả, bảo đảm xử lý nhanh các sự cố lưới điện, cấp điện liên tục, hiệu quả, an toàn và tin cậy cho các phụ tải trên địa bàn huyện Thái Thụy và các vùng lân cận.

Với TBA 110kV Châu Giang (Đông Hưng), sau 5 tháng thi công đã hoàn thành với 0,82km đường dây 110kV trên không, mạch kép, dây dẫn AC300. Trạm có quy mô 2 máy biến áp với công suất 40MVA, tổng mức đầu tư 61 tỷ đồng. Sau khi trạm đi vào hoạt động có sự chuyển biến trong việc thay đổi phương thức quản lý, vận hành hệ thống điện, nâng cao rõ rệt chất lượng quản lý kỹ thuật và năng suất lao động, tinh gọn bộ máy quản lý một cách hiệu quả và đồng bộ. Anh Nguyễn Văn Dũng, công nhân TBA 110kV Châu Giang cho biết: Theo phương thức quản lý truyền thống, tại mỗi TBA thường phải vận hành chế độ trực 3 ca 4 kíp và cần ít nhất 6 - 8 công nhân. Tổ chức quản lý trạm những năm trước gây lãng phí không nhỏ nguồn nhân lực mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn khi thực hiện thao tác trực tiếp với các thiết bị. Với mục tiêu đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để từng bước tự động hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành điện, do đó việc chuyển đổi số tại TBA đã giải phóng toàn bộ kíp trực, loại bỏ việc ghi chép, nhập thủ công toàn bộ các thông số của các thiết bị trạm. Ông Chu Bạch Dương, Đội trưởng Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế, Công ty Điện lực Thái Bình cho biết: Thời gian qua, Công ty Điện lực Thái Bình đã chú trọng chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực như nâng cấp hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, triển khai các ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin vào tất cả các hoạt động điều hành hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là chuyển đổi số tại các TBA 110kV được vận hành theo cơ chế không người trực. Tính đến tháng 7/2023, Công ty Điện lực Thái Bình đã chuyển đổi, xây mới 12 TBA không người trực. Hiện nay không còn công nhân trực vận hành tại trạm, các thao tác đóng cắt, điều khiển thiết bị trạm được tiến hành điều khiển xa, giải phóng toàn bộ kíp trực. Các thao tác đối với hệ thống thiết bị, việc thu thập thông số kỹ thuật đều được thực hiện tự động. Hệ thống SCADA thực hiện thu thập số liệu, mọi hoạt động đóng cắt, vận hành lưới, giám sát quá trình hoạt động, thu thập dữ liệu của TBA đều được điều khiển từ xa, giám sát qua hệ thống camera từ trung tâm điều khiển xa.

Việc phát triển mô hình TBA không người trực nằm trong lộ trình xây dựng lưới điện thông minh của ngành điện hướng tới mục tiêu hiện đại hóa, tự động hóa lưới điện trên địa bàn tỉnh. Qua đánh giá thực tế, TBA không người trực đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực như giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị, rút ngắn thời gian xử lý sự cố lưới điện... 

Từ đó đã giảm tối đa nhân lực vận hành, giảm khối lượng công việc mà nhân viên vận hành phải thường xuyên theo dõi, ghi chép và báo cáo, nâng cao năng suất lao động. Hơn nữa, trong điều kiện thời tiết xấu như mưa gió, bão lũ, việc sử dụng hệ thống SCADA để thao tác cắt điện các đường dây, TBA, thực hiện cấp điện trở lại cho khách hàng nhanh hơn, ngăn ngừa nguy cơ sự cố gây mất an toàn cho người và thiết bị. Ngoài ra, khi theo dõi trực tiếp qua hệ thống máy tính, các nhân viên vận hành tại trung tâm điều khiển xa biết được tình hình vận hành tức thời trên lưới điện như điện áp, dòng điện, công suất, từ đó góp phần thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành, giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy để bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục, đáp ứng yêu cầu sử dụng điện ngày càng cao trên địa bàn.

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành tại các TBA 110kV của Công ty Điện lực Thái Bình đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần vận hành an toàn, ổn định lưới điện truyền tải, cung cấp điện liên tục, ổn định phục vụ đời sống nhân dân và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Công nhân ngành điện kiểm tra các thiết bị tại trạm biến áp 110kV bảo đảm hoạt động ổn định.

Mạnh Thắng