Thứ 7, 11/01/2025, 11:58[GMT+7]

Đông Hưng: Nông dân buồn vì dưa, bí mất giá

Thứ 7, 04/11/2023 | 23:10:48
2,226 lượt xem
Những ngày này, nông dân nhiều địa phương trên địa bàn huyện Đông Hưng bắt đầu vào vụ thu hoạch dưa chuột và bí các loại. Năm nay dưa, bí vẫn được mùa song giá thu mua thấp khiến nông dân thấp thỏm, lo lắng.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Huyện đoàn hỗ trợ tiêu thụ bí cho nông dân xã Đông Xá.

Dù đầu mùa có mưa lớn song do trồng sớm, tiêu thoát nước kịp thời, chăm bón theo hướng dẫn của HTX DVNN xã nên 5 sào bí của gia đình bà Nguyễn Thị Chụt, thôn An Nạp, xã An Châu vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, sai quả, nhưng bà vẫn buồn vì giá thu mua bí thấp hơn so với mọi năm. Bà Chụt chia sẻ: Tôi trồng bí nhiều năm rồi, thường trồng sớm để bán được giá hơn. Thường thì đầu vụ giá cao như năm ngoái bán 8.000 đồng/kg, giữa vụ xuống 6.000 đồng/kg, cuối vụ lại tăng lên 9.000 - 10.000 đồng/kg. Thế nhưng năm nay ngay đầu vụ giá bí đã thấp chỉ 3.000 - 4.000 đồng/kg, giảm so với năm ngoái một nửa. Giá rẻ, thu nhập của người trồng bí cũng giảm, mong vào chính vụ giá sẽ tăng cao hơn bõ công chúng tôi trồng, chăm sóc.

Dưa chuột được mùa song người trồng vẫn buồn bởi giá quá thấp.

Không chỉ có bí đỏ rớt giá, giá dưa chuột cũng thấp. Bà Nguyễn Thị Thìn, thôn An Nạp cho biết: Gia đình tôi trồng gần 2 mẫu bí và dưa chuột. Vụ năm ngoái được mùa, được giá cho thu trên 30 triệu đồng. Năm nay đầu vụ đã buồn vì cả bí đỏ và dưa chuột giá bán đều thấp. Cứ giữ giá này đến cuối vụ thì thu nhập của gia đình giảm đi một nửa. Chúng tôi mong chính quyền vào cuộc để hỗ trợ bà con tiêu thụ dưa, bí với giá cao hơn.

Là vùng thâm canh cây vụ đông lớn của huyện Đông Hưng, năm nay xã An Châu trồng trên 170ha, trong đó 150ha cây vụ đông ưa ấm chủ lực là dưa chuột, bí các loại. Từ đầu vụ, diện tích cây vụ đông được quy vùng, thuận tiện cho tưới tiêu nước, điều hành sản xuất. Từ cuối tháng 10, bí và dưa chuột bắt đầu cho thu hoạch, ước đạt 6 - 8 tạ/sào. Tuy nhiên, giá thu mua tại ruộng thấp, dưa chuột 2.000 đồng/kg, bí đỏ 3.000 - 4.000 đồng/kg. 

Ông Đào Ngọc Thuấn, Giám đốc HTX DVNN xã An Châu cho biết: Đến nay, dưa chuột và bí đỏ của bà con trong xã đã thu hoạch được gần 2 tuần, vẫn là một vụ đông được mùa nhưng giá bán đang thấp, thấp so với nhiều năm gần đây khiến bà con xã viên lo lắng. Thời gian thu hoạch của dưa, bí khoảng 30 - 40 ngày. Để gỡ khó cho xã viên, HTX DVNN xã đang tích cực tìm kiếm, liên kết với các đơn vị, thương lái tiêu thụ nông sản, cố gắng được càng nhiều càng tốt với giá cả hợp lý để tăng thu nhập cho bà con.

Hiện nay thương lái đang thu mua dưa chuột với giá 2.000 đồng/kg, bí đỏ 3.000 – 4.000 đồng/kg.

Hiện nay, 110ha bí của nông dân xã Đông Xá cũng đang vào vụ thu hoạch. Bà con tấp nập ra đồng thu bí cân cho thương lái. Bí được mùa nhưng người trồng không vui vì giá rẻ. 

Bà Mai Thị Bé, thôn Tây Bình Cách chia sẻ: Năm ngoái cũng có thời kỳ giá bán bí rẻ, HTX SXKD DVNN xã phải kết nối với một số đơn vị về “giải cứu” cho bà con, sau đó giá bí tăng dần lên. Nhưng năm nay ngay đầu vụ giá thu mua đã thấp. Nhà tôi trồng 3 sào bí đỏ hiện đến kỳ thu hoạch nhưng giá bán rẻ quá, tôi không thu mà để cho già hẳn mới thu hoạch để bán. Đã có đơn vị về hỗ trợ bà con tiêu thụ bí. Mong rằng năm nay sau hỗ trợ tiêu thụ thì giá bí cũng sẽ tăng dần lên như năm ngoái để niềm vui của người trồng bí chúng tôi được trọn vẹn.     

Khi sản xuất vụ đông vẫn mạnh ai người đó làm, thiếu sự liên kết thị trường thì điệp khúc buồn “được mùa mất giá” vẫn tiếp diễn khiến nông dân lao đao trong khâu tiêu thụ nông sản do mình làm ra vì giá cả bấp bênh dẫn tới hiệu quả kinh tế thấp. Để nông dân yên tâm sản xuất vụ đông, vừa qua Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Huyện đoàn Đông Hưng tổ chức lễ phát động hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tại lễ phát động, cán bộ, đoàn viên, thanh niên đã tiêu thụ được 2 tấn bí đỏ cho nông dân xã Đông Xá. HTX SXKD DVNN xã Đông Xá cũng đang tích cực liên kết với các đơn vị tăng sức mua, nâng giá  lên cao hơn hiện nay. Đây là giải pháp cần nhưng chưa phải giải pháp căn cơ, lâu dài cho sản xuất vụ đông bền vững mà huyện cần phải quy hoạch vùng sản xuất theo hướng hàng hóa, hữu cơ, sản phẩm an toàn, xây dựng sản phẩm OCOP; khuyến khích nông dân trồng cây có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ lớn, tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản cho bà con... Người nông dân phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, sản xuất theo nhu cầu thị trường, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện nghiêm quy trình sản xuất để sản phẩm làm ra đáp ứng các tiêu chuẩn OCOP, VietGAP... Khi HTX DVNN làm cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp thì bà con phải tuân thủ hợp đồng để xây dựng mối liên kết bền chặt 2 bên cùng có lợi, không tự ý phá vỡ hợp đồng. Có như vậy, nông sản mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường, từ đó nông dân không còn lo “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, góp phần gia tăng giá trị sản xuất, tăng thu nhập trên một đơn vị canh tác.

Hiếu Nghĩa