Thứ 7, 23/11/2024, 19:31[GMT+7]

Ba điểm đáng lưu ý từ con số nhập siêu

Thứ 6, 19/07/2013 | 15:18:52
628 lượt xem
Nhập siêu trong 6 tháng đầu năm 2013 theo số liệu mới nhất đã thấp tương đối xa so với những ước tính trước đây.

XUẤT, NHẬP SIÊU QUA CÁC KỲ TRONG 6 THÁNG (Triệu USD)

Số liệu mới nhất ngày 16/7 của Tổng cục Hải quan cho thấy, so với ước tính cách đây 20 ngày của Tổng cục Thống kê, tuy xuất khẩu và nhập khẩu thấp hơn cả về quy mô, cả về tốc độ, nhưng tháng 6 đã xuất siêu và tính chung 6 tháng nhập siêu đã thấp hơn.

 

Như vậy, nhập siêu trong 6 tháng đầu năm 2013 theo số liệu mới nhất đã thấp tương đối xa so với những ước tính trước đây (kỳ báo cáo 5 tháng ước tính 1.923 triệu USD, kỳ 6 tháng ước tính nhập siêu 1.403 triệu USD). Con số này cho thấy một số điểm đáng lưu ý.

 

Điểm đáng lưu ý đầu tiên là nhập siêu không gia tăng và lớn như ước tính trước đây, thậm chí đã xuất siêu trở lại (tháng 6 xuất siêu 287 triệu USD). Đây là tín hiệu khả quan để có thể yên tâm hơn về việc cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá.

 

Cùng với việc cải thiện của các nguồn ngoại tệ  vào Việt Nam (thực hiện vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, giải ngân vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, lượng kiều hối về thành phố Hồ Chí Minh tăng 3%, khách quốc tế đến Việt Nam so với cùng kỳ năm trước chuyển từ giảm trong 5 tháng đầu năm sang tăng trở lại trong tháng 6 và tính chung 6 tháng, lượng vốn FII cũng có dấu hiệu gia tăng…), tỷ giá sẽ ổn định trở lại một cách bền vững hơn (có chuyên gia còn dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ không sử dụng hết mức tăng 2- 3% như dự kiến trước đây).

 

Điểm đáng lưu ý thứ hai, đây cũng là tín hiệu khả quan để cả năm mức nhập siêu có thể sẽ không lớn như kế hoạch trước đây (8% kim ngạch xuất khẩu, tính ra khoảng 10 tỷ USD) và có thể cũng không lớn như dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong “khung hướng dẫn kế hoạch 2014” (tỷ lệ nhập siêu 7,1%, tính ra mức nhập siêu khoảng 9 tỷ USD). Căn cứ vào kết quả 6 tháng đầu năm và các yếu tố tác động, có chuyên gia đã dự đoán khả năng nhập siêu cả năm 2013 chỉ ở mức 2,5 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu chỉ ở mức dưới 2%.

 

Điểm đáng lưu ý thứ ba là nhập siêu đã chậm lại (tháng 4 nhập siêu khoảng 936 triệu, tháng 5 nhập siêu khoảng 553 triệu USD) và tháng 6 xuất siêu. Tình hình trên có nguyên nhân từ xuất khẩu và có nguyên nhân từ nhập khẩu.

 

Về xuất khẩu, mặc dù tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước có chậm lại (2 tháng tăng 22%, 3 tháng tăng 19,8%, 4 tháng tăng 16%, 5 tháng tăng 16,8%, 6 tháng tăng 15,1%), nhưng đó vẫn là tốc độ tăng thuộc loại cao nhất so với các ngành, lĩnh vực trong cùng thời gian (GDP tăng 4,9%, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tính theo giá thực tế tăng 5,9%, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp- thủy sản tăng 2,4%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,2%, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sau khi loại trừ yếu tố giá tăng 4,9%, luân chuyển hành khách tăng 3,5%, luân chuyển hàng hóa giảm 3,5%, khách quốc tế tăng 2,4%...).

 

Nếu không loại trừ yếu tố giá xuất khẩu giảm (4,21%) thì lượng xuất khẩu tăng khoảng 20%. Nói cách khác, xuất khẩu là lĩnh vực đạt kết quả nổi bật nhất trong các ngành, lĩnh vực của 6 tháng đầu năm. Quy mô và tốc độ tăng của 6 tháng đầu năm là tín hiệu khả quan để cả năm 2013 có thể đạt 130 tỷ USD, tăng 13,5% so với 2012, vượt chỉ tiêu kế hoạch (tương ứng là 126 tỷ USD và tăng 10%).

 

Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở cả khu vực FDI và ở cả khu vực kinh tế trong nước. Tuy nhiên, khu vực FDI (gồm cả dầu thô) so với khu vực kinh tế trong nước đạt cao hơn cả về tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu (66,4% so với 33,6%), cả về tốc độ tăng (23,8% so với 1,1%).

 

Tỷ trọng FDI của một số mặt hàng còn cao hơn nữa. Mới qua 6 tháng, đã có 11 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (điện thoại các loại và linh kiện trên 9,98 tỷ USD; dệt may gần 7,89 tỷ USD; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trên 4,77 tỷ USD; giày dép các loại trên 3,99 tỷ USD; dầu thô trên 3,68 tỷ USD; thủy sản gần 2,82 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng trên 2,65 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng gần 2,57 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ trên 2,45 tỷ USD; cà phê gần 1,71 tỷ USD; gạo trên 1,58 tỷ USD).

 

Kim ngạch xuất khẩu của 11 mặt hàng này đã chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều đó, một mặt cần tập trung vào các mặt hàng trọng điểm có kim ngạch lớn, mặt khác cần mở rộng các mặt hàng khác để khai thác lợi thế.

 

Ngoài ra còn có 11 mặt hàng đạt trên 500 triệu USD và đây là tín hiệu để “câu lạc bộ” các mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên cả năm sẽ vượt hơn 22.

 

Mới qua 6 tháng, đã có 9 địa bàn đạt trên 1 tỷ USD ( TP Hồ Chí Minh gần 14,72 tỷ USD; Bắc Ninh gần 11,29 tỷ USD; Bình Dương gần 6,68 tỷ USD; Đồng Nai gần 5,18 tỷ USD; Hà Nội gần 4,69 tỷ USD; Hải Dương gần 1,53 tỷ USD; Hải Phòng trên 1,45 tỷ USD; Long An trên 1,32 tỷ USD; Bà Rịa- Vũng Tàu gần 1,05 tỷ USD).

 

Với 9 địa bàn trên đã chiếm 77,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ngoài ra có 9 địa bàn khác đạt từ 500 triệu USD trở lên và đó là tín hiệu khả quan để cả năm danh sách “câu lạc bộ” các địa bàn đạt 1 tỷ USD trở lên sẽ hơn gấp đôi 6 tháng đầu năm.

 

Trong 6 tháng đầu năm đã có 45 thị trường đạt trên 100 triệu USD, trong đó có 19 thị trường đạt kim ngạch từ 1 tỷ  USD trở lên. Hoa Kỳ gần 10,89 tỷ USD; Nhật Bản 6,3 tỷ USD; CHND Trung Hoa 6,104 tỷ USD; Hàn Quốc trên 3,04 tỷ USD; Malaysia trên 2,43 tỷ USD; Đức trên 2,35 tỷ USD...

 

Trong 6 tháng đầu năm, có 2/3 tổng số thị trường mà Việt Nam ở vị thế xuất siêu (lớn nhất có Hoa Kỳ 8.275 triệu USD, Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất 1.797 triệu USD, Anh 1.473 triệu USD, Campuchia 1.189 triệu USD, Hồng Kông 1.072 triệu USD, Hà Lan 1.044 triệu USD, Đức 1.010 triệu USD…). Có 1/3 tổng số thị trường mà Việt Nam ở vị thế nhập siêu (lớn nhất là CHND Trung Hoa 10.768 triệu USD, Hàn Quốc 6.859 triệu USD, Đài Loan 3.309 triệu USD, Thái Lan 1.395 triệu USD,…).

 

Về nhập khẩu, tuy tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước có xu hướng cao lên trong mấy tháng đầu năm (2 tháng tăng 14,1%, 3 tháng tăng 17,7%, 4 tháng tăng 16%, 5 tháng tăng 16,8%), nhưng 6 tháng tăng đã chậm lại (15,6%). Điều đó chứng tỏ nhu cầu đầu tư, sản xuất, tiêu dùng vẫn tăng chậm và vẫn còn thấp. Điều đó cũng sẽ tác động đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao hơn của cả năm, khi tăng trưởng 6 tháng đầu năm đã thấp  hơn cùng kỳ năm trước. Đây là một cảnh báo cần thiết.

Nguồn chinhphu.vn

  • Từ khóa