Chủ nhật, 24/11/2024, 16:05[GMT+7]

Chống buôn lậu, gian lận trên môi trường thương mại điện tử

Thứ 2, 20/11/2023 | 21:13:33
1,176 lượt xem
Thương mại điện tử (TMĐT) là xu hướng kinh doanh, tiêu dùng ngày càng được người dân, doanh nghiệp lựa chọn. Lợi ích kinh tế và tính tiện lợi nó mang lại cho người tiêu dùng rất lớn nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro nếu như công tác quản lý, giám sát của cơ quan chức năng không chặt chẽ. Là thành viên Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường TMĐT.

Giao dịch nhận chuyển phát bưu kiện tại Viettel post Thái Bình, Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel.

Thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ với 50 người thuộc đối tượng lao động tự do, giáo viên, công chức, viên chức, công nhân có sử dụng điện thoại thông minh độ tuổi từ 25 - 55 về việc giao dịch hàng hóa trực tuyến, chúng tôi nhận được kết quả 100% đã từng ít nhất một lần mua hàng trên môi trường TMĐT. Phần lớn những người trẻ cho biết thường mua bán trên các nền tảng mạng xã hội như zalo, facebook, tiktok, còn những người trung tuổi thì chủ động lựa chọn mua sắm trên các sàn TMĐT. Ông Nguyễn Văn Tới, 52 tuổi ở xã Đông Hòa, thành phố Thái Bình chia sẻ: Tôi thường đặt mua hàng hóa trên các sàn thương mại như Voso, Postmart, Tiki hoặc một số website của doanh nghiệp vì cảm thấy yên tâm hơn so với mua trên mạng xã hội. Chủ yếu tôi mua hàng theo phương thức nhận hàng, kiểm tra, thanh toán.

Việc giao dịch mua bán trên môi trường TMĐT giờ đây trở thành thói quen của nhiều người đã góp phần đưa kênh thương mại hiện đại này ngày càng trở nên thịnh hành. Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực tuyên truyền, vận động và triển khai hỗ trợ đưa sản phẩm của các hộ sản xuất nông nghiệp, nông sản của các địa phương lên các sàn TMĐT quảng bá, tiêu thụ. Đến nay đã có 121 sản phẩm nông nghiệp, 34 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn TMĐT Postmart.vn.

TMĐT phát triển kéo theo dịch vụ chuyển phát cũng nở rộ. Theo tổng hợp của Phòng Thông tin - Bưu chính (Sở Thông tin và Truyền thông), hiện trên địa bàn tỉnh có 15 doanh nghiệp, tổ chức hoạt động bưu chính. Đây là những đơn vị cung cấp các dịch vụ bưu chính: dịch vụ thư trong nước, quốc tế, gói, kiện hàng hóa trong nước, từ trong nước đi nước ngoài và ngược lại. Hầu hết các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động bưu chính trên địa bàn tỉnh đều tham gia cung cấp dịch vụ phát hàng thu tiền hộ (COD) góp phần tăng doanh thu dịch vụ chuyển phát gói, kiện hàng hóa cho TMĐT. 9 tháng năm 2023 có 6.063.638 đơn hàng COD từ Thái Bình gửi đi tỉnh khác, số tiền thu hộ hơn 1.700 tỷ đồng.

Lượng hàng hóa lưu chuyển trên môi trường TMĐT lớn là tín hiệu đáng mừng cho các nhà sản xuất, kinh doanh cũng như phát triển thương mại, dịch vụ của tỉnh. Tuy nhiên, hàng hóa giao dịch trên môi trường TMĐT được vận chuyển qua dịch vụ bưu chính cũng gây ra những khó khăn cho công tác quản lý, giám sát của cơ quan chức năng và nguy cơ xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Ông Đỗ Như Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Nhằm phòng ngừa, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên môi trường TMĐT, thời gian qua Sở đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên các nền tảng thương mại số. Gần đây nhất, chúng tôi có công văn chỉ đạo về việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật lĩnh vực bưu chính, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động bưu chính trên địa bàn tỉnh bảo đảm an toàn, an ninh trong cung ứng dịch vụ bưu chính, chú trọng kiểm tra nội dung gói, kiện hàng hóa trước khi chấp nhận bưu gửi để phát hiện hàng cấm gửi và xử lý kịp thời khi cần thiết, bảo mật thông tin người sử dụng dịch vụ bưu chính. Các đơn vị bưu chính cũng thực hiện cung cấp đầy đủ thông tin về dịch vụ cho người sử dụng dịch vụ, bao gồm chất lượng, giá cước dịch vụ, nguyên tắc và mức bồi thường thiệt hại, quyền và nghĩa vụ của các bên. Ban hành danh mục vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển và phát qua mạng bưu chính; thực hiện đúng các nội dung đã cam kết với người sử dụng dịch vụ, nhất là về giá cước và chất lượng dịch vụ. Lực lượng chức năng của Sở đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông theo đúng kế hoạch và đột xuất theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, hoạt động TMĐT cũng sẽ nhộn nhịp, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, phòng văn hóa thông tin, đài truyền thanh truyền hình các huyện, thành phố, đài truyền thanh cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, doanh nghiệp, chủ động ngăn chặn các hành vi buôn bán hàng hóa, dịch vụ cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, góp phần giữ ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Khắc Duẩn