Thứ 6, 22/11/2024, 12:53[GMT+7]

HSBC: Xuất khẩu bắt đầu cải thiện

Thứ 5, 07/12/2023 | 08:38:50
1,833 lượt xem
Xuất khẩu đã cải thiện từ đầu quý IV, với kim ngạch tăng 6,7% so với cùng kỳ, theo HSBC.

Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Tân Vũ - Hải Phòng tháng 7/2023. Ảnh: Giang Huy

Xuất khẩu được HSBC chỉ ra như một trong ba điểm sáng của kinh tế trong báo cáo mới phát hành. Tháng 11 đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp chứng kiến tăng trưởng xuất khẩu so với cùng kỳ, sau giai đoạn đặc biệt trì trệ.

Ngân hàng HSBC cho rằng, dẫu nguyên nhân một phần do hiệu ứng cơ sở, xuất khẩu điện tử và máy móc đã thúc đẩy những cải thiện này. Tuy dệt may và giày dép còn trì trệ, các nhóm mặt hàng khác như linh kiện liên quan đến máy tính (tăng 20,2%) và máy móc (tăng 5%) có những "dấu hiệu ổn định và đáng khích lệ". Nông sản cũng tăng trưởng mạnh, hỗ trợ cải thiện kết quả xuất khẩu cuối năm tuy còn khiêm tốn.

"Mặc dù vậy, vẫn cần thận trọng về triển vọng thương mại vì nhu cầu hàng hóa ở các đối tác lớn vẫn còn nhiều khó khăn", các chuyên gia của HSBC đánh giá. Thực tế, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tiếp tục giảm còn 47,3 (dưới 50 phản ánh suy giảm sản xuất) trong tháng 11. Cả sản lượng lẫn đơn hàng mới đều thu hẹp.

Trong khi đó, hoạt động trong nước tiếp tục là trụ cột vững chắc. Việc nới lỏng chính sách thị thực từ tháng 8 đã thúc đẩy phục hồi ổn định lượng du khách quốc tế. Riêng tháng 11, Việt Nam đã đón hơn một triệu khách ngoại, tháng thứ năm liên tiếp đạt cột mốc này. Với tổng số 11,2 triệu lượt khách tính từ đầu năm, mục tiêu 12-13 triệu khách năm nay đã đạt được.

Tuy nhiên, du lịch cũng có điểm cần lưu tâm. Phục hồi của khách Trung Quốc chỉ ở mức 30% của năm 2019. Ngoài ra, sự cạnh tranh trong du lịch ở nội khối ASEAN "đang trở nên căng thẳng". Sau khi Thái Lan miễn thị thực cho du khách Trung Quốc và Ấn Độ, Malaysia là nước tiếp theo áp dụng chính sách này.

Cuối cùng, lạm phát nhìn chung duy trì trong mức kiểm soát. Lạm phát toàn phần tháng 11 chỉ tăng 0,2% so với tháng 10, và giảm xuống mức 3,4% so với cùng kỳ 2022. Giá gạo trong nước tiếp tục chịu áp lực từ giá gạo quốc tế tăng lên nhưng giá thịt lợn giảm dư sức bù đắp cho mức tăng giá gạo.

Theo HSBC, các dấu hiệu tích cực như lạm phát có vẻ trong tầm kiểm soát và triển vọng kinh tế, đặc biệt trên phương diện bên ngoài, đang có sự ổn định nhất định. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rủi ro tăng giá đã hoàn toàn biến mất.

Lần điều chỉnh tăng giá điện vừa qua thường sẽ thể hiện trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chậm một tháng. Mặc dù cần lưu tâm đến các rủi ro tăng giá như giá thực phẩm và năng lượng, nhà băng này dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5% trong toàn năm 2024.

Theo vnexpress.net