Thứ 7, 23/11/2024, 15:36[GMT+7]

Nâng cao chất lượng, xây thương hiệu gạo Việt Nam

Thứ 5, 01/08/2013 | 10:47:03
854 lượt xem
Để gạo Việt Nam thoát khỏi tình trạng khó khăn, nhất là thời điểm thu hoạch rộ, ngoài phương án mua tạm trữ để giải quyết vấn đề trước mắt, các chuyên gia kinh tế cho rằng về lâu dài thì cần phải nâng cao chất lượng hạt gạo, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam và hạ giá thành sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.

Ảnh minh họa

Theo kế hoạch thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ Hè Thu 2013, đến hết ngày 31/7 là hạn chót nhưng lượng thu mua mới được khoảng 80-85%. Đây là lần đầu tiên chỉ tiêu thu mua đã không thực hiện như kế hoạch đề ra.

Theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép kéo dài thời gian thu mua tạm trữ thóc, gạo vụ Hè Thu 2013 đến ngày 15/8 tới với mong muốn ổn định giá gạo vào thời điểm thu hoạch rộ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích lúa vụ Hè Thu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 1.680ha với sản lượng đạt trên 9,3 triệu tấn lúa (hơn 4,6 triệu tấn quy gạo). Thời vụ thu hoạch vụ Hè Thu sẽ kéo dài từ tháng Năm đến tháng Tám hàng năm; trong đó tháng Bảy và tháng Tám là đợt thu hoạch rộ với diện tích 680.000 ha/tháng, tương đương với đó là lượng lúa gạo hàng hóa sẽ được đưa ra thị trường ở thời điểm này.

Đến hết tháng Bảy này, tính toán mới nhất của Cục Trồng trọt hiện ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn khoảng 800.000ha lúa chưa thu hoạch, vì vậy nếu kết thúc thu mua tạm trữ ở thời điểm này là chưa hợp lý cho bà con ở một số vùng lúa thu hoạch muộn hơn.

Theo con số cập nhật mới nhất, hiện một số tỉnh còn diện tích lúa lớn chưa thu hoạch như Long An còn 50%, Kiên Giang 60%, Trà Vinh 70%, Sóc Trăng 64%. Các địa phương đã thu hoạch cơ bản diện tích là Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang... Hiện nay, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa đang ở mức cao hơn so với đầu vụ khoảng 500-700 đồng/kg do các doanh nghiệp vừa triển khai mua tạm trữ và việc mua thương mại cũng đang được thúc đẩy.

Để gạo Việt Nam thoát khỏi tình trạng khó khăn, nhất là thời điểm thu hoạch rộ, ngoài phương án mua tạm trữ để giải quyết vấn đề trước mắt, các chuyên gia kinh tế cho rằng về lâu dài thì cần phải nâng cao chất lượng hạt gạo, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam và hạ giá thành sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.

Trong cuộc họp bàn về tình hình thu mua và xuất khẩu gạo tháng Bảy vừa qua, ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty Angimex (An Giang) cho rằng, thay vì việc trồng quá nhiều giống lúa như hiện nay, các địa phương cần điều chỉnh lịch thời vụ, tập trung vài giống chủ lực cho xuất khẩu như loại gạo thơm. Ngành nông nghiệp nhanh chóng đặt hàng các viện nghiên cứu giống lúa đặc thù Việt Nam, có thể trồng trên diện rộng và ổn định lâu dài để có lượng gạo hàng hóa lớn đồng đều về chất lượng, tiến tới việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Bàn về vấn đề này, ông Lê Thanh Tùng, Cục Trồng trọt, cho rằng các địa phương chỉ có thể vận động, khuyến khích người dân trồng các loại lúa chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường chứ không thể bắt ép người dân được. Trong khi đó, doanh nghiệp chỉ cần thông qua việc đặt hàng với địa phương trồng các giống lúa và cam kết thu mua, chắc chắn người dân sẽ đáp ứng yêu cầu ngay.

Tuy nhiên, đến thời điểm này các làm đó vẫn chưa được các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tính đến nhiều mà việc thu mua chủ yếu dựa vào hàng xáo, sự liên kết giữa người trồng, chế biến và kinh doanh xuất khẩu gạo vẫn còn lỏng lẻo.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, với vị trí là một quốc gia lớn trong xuất khẩu gạo, ngành nông nghiệp Việt Nam không thể để tiếp diễn tình trạng giá thành lúa trong một vụ lại chênh lệch lên đến cả ngàn đồng/kg như hiện nay ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ có giảm giá thành sản phẩm, người nông dân mới có lãi lớn vì giá bán phải phụ thuộc vào mặt bằng thị trường thế giới, không thể nói do giá thành cao nên phải bán giá cao.

Để rút ngắn khoảng cách giá thành sản xuất, các chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng các địa phương phải hướng dẫn nông dân ứng dụng các biện pháp kỹ thuật trong trồng lúa, sử dụng vật tư nông nghiệp hợp lý để hạ giá thành sản phẩm, đồng thời cần ổn định giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Theo VFA, hiện nay gạo thơm vẫn được giá và xuất khẩu tăng mạnh, chiếm 12,6%, tăng đến 77,8% so với 6 tháng đầu năm ngoái. Nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng, chất lượng gạo thơm hiện nay đang lẫn lộn giữa các giống gạo thơm, thơm nhẹ, hạt dài như Jasmine, nàng Hoa, OM4900, 4218, 2517, VD, ST nên chất lượng chưa ổn định. Điều này cho thấy, Việt Namon> đang có sự phân khúc rõ nét giữa gạo chất lượng cao với gạo chất lượng thấp, trong đó gạo chất lượng gạo đang được thị trường ưa chuộng và đã thâm nhập vào một số thị trường khó tính như Nhật Bản.

Nguồn TTXVN

  • Từ khóa