Thứ 6, 03/05/2024, 16:02[GMT+7]

Thực hiện hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu: Vượt qua khó khăn, hoàn thành đúng thời hạn

Thứ 4, 10/04/2024 | 07:43:30
1,356 lượt xem
Thực hiện Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và chỉ đạo của Bộ Công Thương, đến hết ngày 31/3/2024 các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (KDXD) phải hoàn thành việc thực hiện xuất hóa đơn điện tử (HĐĐT) sau từng lần bán hàng. Mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng đến nay các doanh nghiệp KDXD trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành việc lắp đặt máy móc, thiết bị và xuất HĐĐT theo quy định.

Đến nay, cơ bản các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã thực hiện xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng sau mỗi lần bán hàng.

Sức ép và khó khăn

Từ đầu tháng 3/2024, các doanh nghiệp KDXD trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc và công nghệ cho các cửa hàng xăng dầu để thực hiện xuất HĐĐT sau từng lần bán hàng theo quy định của Chính phủ. Đặc biệt, ngày 18/3, Bộ Công Thương có văn bản chỉ đạo đến hết ngày 31/3 nếu các doanh nghiệp KDXD không thực hiện quy định về HĐĐT sẽ bị xử lý thì nhiều doanh nghiệp cấp tập triển khai. Đến ngày 22/3, trên địa bàn tỉnh đã có 241/259 cửa hàng với 878/928 cột bơm của 114/121 doanh nghiệp KDXD đã hoàn thành việc đầu tư thiết bị, máy móc và thực hiện phát hành HĐĐT sau từng lần bán hàng.

Qua phân tích số liệu, phần lớn các đơn vị hoàn thành việc áp dụng HĐĐT đều là những doanh nghiệp có quy mô kinh doanh lớn từ 5 đến hơn 30 cửa hàng; các doanh nghiệp chưa thực hiện chỉ có quy mô từ 1 - 4 cửa hàng và doanh số bán hàng cũng không lớn. 

Ông Nguyễn Công Đoàn, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Xí nghiệp xây dựng Vũ Chính cho biết: Chúng tôi có 2 cửa hàng KDXD với 7 cột bơm. Bình quân mỗi tháng sản lượng bán của mỗi cửa hàng khoảng 20 - 25m3 xăng dầu. Với mức chiết khấu xăng dầu như hiện nay, lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ đủ trả lương cho nhân viên bán hàng. Để thực hiện HĐĐT theo quy định như hiện nay, chúng tôi phải đầu tư khoảng 150 triệu đồng/cửa hàng để mua sắm máy tính, máy in, dây cáp, phần mềm, thiết bị đo, hộp xử lý dữ liệu rồi tiền mua HĐĐT ban đầu theo các gói từ 40, 50 đến 130 triệu đồng. Nhân viên bán hàng của chúng tôi chủ yếu là lao động phổ thông, nay thực hiện giao dịch HĐĐT đòi hỏi phải được đào tạo thêm kỹ năng, kiến thức sử dụng vi tính, công nghệ thông tin, hoặc phải tuyển thêm nhân sự tạo ra gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Ngay cả những doanh nghiệp có quy mô kinh doanh lớn với 32 cửa hàng như Công ty TNHH Một thành viên Xăng dầu Thái Bình, mặc dù sớm thực hiện HĐĐT nhưng sau 9 tháng đi vào hoạt động, Công ty cũng nhận thấy những khó khăn phát sinh. 

Ông Hoàng Quyết, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Trong quá trình thực hiện, chúng tôi gặp một số khó khăn, ví dụ trước đây mỗi tháng Công ty chỉ xuất khoảng 16.000 hóa đơn, nay phải xuất tới 600.000 HĐĐT, tăng hơn 37 lần so với trước dẫn tới phát sinh thêm chi phí. Có những khách hàng trước đây chỉ nhận 4 - 5 hóa đơn/tháng thì nay nhận tới trên 500 hóa đơn/tháng, khách hàng ban đầu có phản ứng về việc nhận quá nhiều hóa đơn khó quản lý theo dõi tổng hợp.

Trao đổi với lãnh đạo Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Thái Bình - một trong những doanh nghiệp KDXD chiếm thị phần lớn trên địa bàn tỉnh, ông Phùng Thế Vinh, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Hiện nay, hạ tầng công nghệ của doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được số lượng giao dịch lớn và tốc độ cao, vì vậy vào thời điểm giao ca hay điều chỉnh tăng, giảm giá xăng dầu, việc giao dịch HĐĐT tăng đột biến thường xảy ra hệ thống bị quá tải, bị treo. Để có thể hoạt động ổn định, cần có thời gian cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nâng cấp hoàn thiện công nghệ.

Sự đồng hành của các cơ quan chức năng

Hiểu rõ những khó khăn của doanh nghiệp, thời gian qua các sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh như Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Cục Thuế... kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp KDXD thực hiện hiệu quả quy định của pháp luật về HĐĐT. 

Bà Tô Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương đều được Sở Công Thương giao cho Phòng Quản lý thương mại tuyên truyền, phổ biến đầy đủ giúp doanh nghiệp hiểu đúng quy định cũng như lợi ích của việc ứng dụng HĐĐT trong kinh doanh từ đó tự giác, chủ động thực hiện. Chúng tôi tổ chức kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp chậm thực hiện, nắm bắt khó khăn, tư vấn để doanh nghiệp có phương án triển khai phù hợp.

Chia sẻ với doanh nghiệp, ngành thuế cũng vào cuộc kịp thời đồng hành trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức và tư vấn, hướng dẫn thực hiện các giải pháp. 

Ông Phạm Ngọc Chanh, Trưởng phòng Nghiệp vụ dự toán pháp chế, Cục Thuế tỉnh cho biết: Đối với các doanh nghiệp, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh, Cục Thuế tỉnh đã có hàng chục văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để các đối tượng nắm được chính sách từ đó chủ động triển khai thực hiện theo quy định. Trong quá trình thực hiện, một số doanh nghiệp KDXD gặp khó khăn về tìm kiếm, lựa chọn nhà cung cấp công nghệ, Cục Thuế tỉnh tích cực tuyên truyền, giới thiệu địa chỉ các nhà cung cấp giải pháp công nghệ có uy tín, tin cậy giúp các doanh nghiệp đưa ra lựa chọn phù hợp và nhanh chóng triển khai.

Về đích cùng nhiều lợi ích

Theo thông tin từ Cục Thuế tỉnh, đến hết ngày 31/3, cơ bản tất cả các doanh nghiệp KDXD trên địa bàn tỉnh đã thực hiện lắp đặt thiết bị để áp dụng xuất HĐĐT sau từng lần bán hàng tại các cửa hàng tới từng cột bơm; không có doanh nghiệp nào phải xử lý vì chậm triển khai thực hiện. Không chỉ chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, các doanh nghiệp KDXD cũng nhận thấy nhiều lợi ích thiết thực của việc áp dụng HĐĐT.

Ông Hoàng Quyết, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Xăng dầu Thái Bình chia sẻ: Triển khai HĐĐT, chúng tôi nhận thấy rất nhiều tiện lợi như doanh nghiệp kiểm soát được lượng tồn kho, lượng hàng bán ra ở bất cứ thời điểm nào của mỗi cửa hàng từ đó Công ty có kế hoạch điều động nguồn cung kịp thời không để tình trạng thiếu hàng làm gián đoạn hoạt động kinh doanh. Nhờ có hệ thống quản lý HĐĐT, chúng tôi còn cập nhật được công nợ của khách hàng, tình hình bán hàng.

Còn theo ông Phùng Thế Vinh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Thái Bình: Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương, chính sách này của Nhà nước bởi việc thực hiện HĐĐT giúp các doanh nghiệp KDXD cập nhật kịp thời lượng xuất bán của mỗi đơn vị và nộp thuế đúng, đủ, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp đồng thời góp phần làm minh bạch hóa thị trường xăng dầu. Việc đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ để thực hiện HĐĐT cũng tác động tích cực đến hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Xuất HĐĐT cho khách hàng sau từng lần bán xăng dầu được coi là giải pháp quan trọng giúp cơ quan thuế tăng cường kiểm soát việc phát hành hóa đơn và quản lý doanh thu, giám sát chặt chẽ việc kê khai, nộp thuế của các doanh nghiệp KDXD; nó còn là công cụ hữu hiệu ngăn chặn tình trạng gian lận trong KDXD, hạn chế thất thu ngân sách nhà nước và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Việc thực hiện HĐĐT không gây ra ách tắc, bất tiện cho khách hành và cửa hàng xăng dầu.


Khắc Duẩn