Thứ 6, 22/11/2024, 08:41[GMT+7]

'Cháy' vé tàu giường nằm dịp hè

Thứ 2, 24/06/2024 | 10:51:22
1,117 lượt xem
Vé tàu hỏa giường nằm từ Hà Nội, TP HCM đi tới các điểm du lịch như Quảng Bình, Lào Cai, Nha Trang, Phan Thiết gần như hết dù được đặt trước một đến hai tuần.

Toa giường nằm trên đoàn tàu chất lượng cao SE19/20 từ Hà Nội đi Đà Nẵng.

Chị Minh Anh, du khách Hà Nội, tìm vé tàu cho đoàn 7 người đi Quảng Bình ngày 28/6, nhận thấy hầu như không còn vé giường nằm giờ đẹp, chỉ có một số vé lẻ nên đoàn sẽ phải tách ra nhiều khoang. Vé hạng ngồi mềm vẫn còn nhưng thời gian di chuyển khoảng 10 tiếng, gây mệt mỏi nên đây không phải phương án đoàn mong muốn. Chị từng đi du lịch Quảng Bình bằng tàu hai năm trước, đặt chỗ sát ngày "rất thoải mái" nên không nghĩ sẽ khó khăn như năm nay.

Theo khảo sát sáng 22/6, vé giường nằm từ Hà Nội đi Đồng Hới giai đoạn 28/6 hoặc 29/6 gần như hết sạch, các đoàn 4-5 người không thể mua vé cùng khoang. Những khung giờ đẹp có chuyến đã "cháy" vé như SE19 (đi 19h40, đến 6h) hay SE17 (đi 20h25 đến 7h54); SE1 (đi 20h55 đến 6h53) còn 3 chỗ. Tình trạng hết vé, đặc biệt các chuyến giờ đẹp, cho chặng Hà Nội - Đồng Hới kéo dài tới giữa tháng 7.

Chặng Hà Nội - Lào Cai cuối tuần tháng 6 chỉ còn ba chỗ giường nằm trong ngày 22/6; ngày 28/6 và 29/6 đã hết vé. Trong tháng 7, lượng vé cuối tuần cũng còn ít, như ngày 5/7 còn một vé; ngày 6/7 còn 13 vé; ngày 12 và 13/7 không còn vé.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, nói du lịch tàu hỏa ngày càng được ưa chuộng trong bối cảnh giá vé máy bay cao. Trong nhiều năm làm du lịch, ông Đạt "chưa bao giờ thấy tình trạng cháy vé tàu như hiện tại".

Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc Marketing Du Lịch Việt, nhận thấy nhu cầu đi du lịch bằng tàu của du khách hè này tăng 40% so với cùng kỳ. Hiện tại, công ty có hơn 20 chương trình tour đường sắt, chủ yếu đến các điểm du lịch nổi tiếng như Ninh Chữ, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng với khách TP HCM và đến Quảng Bình, Sa Pa với khách Hà Nội. Khách du lịch đường sắt sẽ đặt vé giường nằm, tỷ lệ chiếm 80%, vé ngồi mềm chỉ chiếm 20%.

Trong ngày 21/6, phòng vé của công ty nhận được yêu cầu của đoàn 12 khách đi Nha Trang, khởi hành sáng 25/6 nhưng không thể đặt cùng khoang. Nếu muốn ở chung, khách phải chọn chuyến trưa, đến Nha Trang lúc 21h30. Đại diện đơn vị nhận xét đây là điều "bất ngờ" vì cùng kỳ tháng 6 năm ngoái, đặt vé chung khoang cho nhóm 12 người từ TP HCM đi Nha Trang "không phải chuyện khó".

"Giá vé máy bay cao khiến du khách chuyển dịch sang di chuyển bằng tàu hỏa", ông Vũ nhận xét.

Khảo sát sáng 22/6 cho thấy vé giường nằm từ TP HCM đi Phan Thiết giai đoạn cuối tuần tháng 6 gần như không còn: ngày 28/6 hết vé, ngày 29/6 chỉ còn bốn chỗ trống. Các chuyến đi Nha Trang giai đoạn cuối tháng 6 cũng chỉ còn lác đác vé hạng giường nằm, nhóm đi từ 5 người trở lên không thể mua vé cùng khoang.

Ông Tuấn Minh, chủ một công ty lữ hành ở Hà Nội, nói muốn giữ chỗ làm tour đường sắt hiện phải đặt trước một tháng, khó đảm bảo mọi người đều chung khoang nếu đoàn lớn. Tuy nhiên, trong mùa cao điểm và đối tượng là các đoàn khách đông, các công ty lữ hành có thể yêu cầu đường sắt nối thêm toa phục vụ mà không phát sinh chi phí cho hai bên nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch. Chính sách giữ chỗ với đường sắt cũng linh hoạt hơn, chỉ cần trả trước 15-30 ngày. Với hàng không phải thanh toán trước, chính sách hủy vé nghiêm ngặt.

Hành khách lên tàu tại ga Sài Gòn hồi tháng 4. Ảnh: Quỳnh Trần

Hành khách lên tàu tại ga Sài Gòn hồi tháng 4. Ảnh: Quỳnh Trần

Một ưu điểm khác của đường sắt khiến khách du lịch nhóm nhỏ yêu thích là hầu như không tăng giá và không có "cơ chế dải giá" bậc thang như hàng không, theo đại diện AZA Travel. Ông Đạt nói việc phân bố vé theo dải giá của hàng không chỉ có hãng biết, đôi khi mua muộn đắt gấp đôi mua sớm. Trước dịch, ngành đường sắt gặp quá nhiều khó khăn vì thiếu đổi mới và giá vé máy bay tốt "nhưng tình thế đang thay đổi".

Tuy đường sắt đang ngày càng được ưa chuộng, ông Đạt cho rằng ngành vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện. Bên cạnh đầu tư đóng mới, cải thiện các toa hiện đại hơn, sản phẩm du lịch gắn với đường sắt cần đảm bảo cung cấp "trọn gói từ vận chuyển, nghỉ dưỡng, ăn uống, giải trí" để hài lòng khách.

Theo vnexpress.net