Thứ 4, 15/01/2025, 15:35[GMT+7]

Gạo Việt "rộng cửa" vào Philippines

Thứ 3, 25/06/2024 | 15:49:58
1,793 lượt xem
Philippines chính thức giảm thuế nhập khẩu gạo xuống còn 15% được xem là cơ hội cho gạo Việt Nam gia tăng xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường còn nhiều dư địa này.

Philippines chính thức giảm thuế nhập khẩu gạo xuống còn 15%. Ảnh minh họa.

Giảm thuế xuống còn 15% đến năm 2028

Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết, ngày 20/6/2024, trên cơ sở thẩm quyền được trao theo quy định của pháp luật và căn cứ đề xuất của các cơ quan liên quan, Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos, JR. đã ban hành Sắc lệnh số 62, theo đó sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng. Đối với mặt hàng gạo, thuế nhập khẩu từ mức 35% sẽ cắt giảm xuống còn 15%, thời gian áp dụng tới năm 2028.

Đây có thể được coi là động thái mới nhất của Chính phủ Philippines nhằm đối phó với tình trạng lạm phát, đặc biệt là giá mặt hàng gạo có xu hướng tăng cao liên tục trên thị trường kể từ đầu năm tới nay.

Trong quý I/2024, tình hình kinh tế Philippines tương đối ổn định, ngoại trừ sự tăng giá của một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là mặt hàng gạo, với mức tăng trong quý I/2024 vào khoảng 24,4%. Giá gạo chiếm mức khoảng 9% trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI – Consumer Price Index) của Philippines.

Thời điểm có hiệu lực của Sắc lệnh số 62 là 30 ngày kể từ ngày đăng công báo, đối với thuế nhập khẩu gạo, thời điểm áp dụng là sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Như vậy, thời điểm áp dụng mức thuế nhập khẩu gạo mới của Philippines dự kiến vào đầu tháng 8 năm 2024.

Cơ hội cho gạo Việt Nam khi Philippines giảm thuế nhập khẩu

Trong những năm qua, Việt Nam luôn là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất, luôn chiếm trên 80% tổng lượng gạo nhập khẩu vào thị trường Philippines. Có một số ý kiến cho rằng việc Philippines cắt giảm thuế nhập khẩu gạo sẽ tạo thêm thuận lợi và gia tăng cơ hội cho gạo Việt Nam tại thị trường Philippines.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, Việt Nam vẫn là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất của Philippines. Kể từ ngày 1/1 đến 23/5, gạo Việt Nam xuất khẩu sang Philippines đạt 1,44 triệu tấn, chiếm 72,9% trong tổng số gạo nhập khẩu của Philippines. Đứng thứ hai là Thái Lan xuất khẩu sang Philippines đạt 300.227 tấn, tiếp theo là Parkistan đạt 144.834 tấn, Myanmar đạt 65.080 tấn. Phần còn lại nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Italy và Tây Ban Nha.

Năm 2023, tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines đạt 3,6 triệu tấn, giảm 5,9% so với mức kỷ lục năm 2022 với 3,82 triệu tấn. Tuy nhiên, trong năm 2024, dự tính tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines đạt khoảng 4 triệu tấn.

Theo thông tin của một số doanh nghiệp, thị trường Philippines khá ưa chuộng các loại gạo ĐT8 và 5451 của Việt Nam do mềm cơm. Hiện nay, gạo của Việt Nam thống lĩnh tại khu vực Metro Manila, khu vực các tỉnh phía Nam do gạo của Việt Nam ngon cơm và giá cả phù hợp. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu lúa, gạo Việt trong giai đoạn nửa cuối năm 2024.

Gạo Việt rộng cửa vào Philippines - Ảnh 1.

Thị trường Philippines khá ưa chuộng các loại gạo ĐT8 và 5451 của Việt Nam do mềm cơm. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam không thể chủ quan, cần không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh giữ vững vị thế số 1 tại thị trường này.

Để xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Philippines bền vững, ông Phùng Văn Thành - Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Philipines khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước ngoài việc tiếp cận xuất khẩu sang thị trường mới phải luôn quan tâm duy trì đảm bảo vị thế số 1 xuất khẩu gạo của Việt Nam tại thị trường Philippines.

Thương vụ Việt Nam tại Philippines lưu ý, hiện nay, Thái Lan cũng đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần xuất khẩu gạo vào Philippines và cạnh tranh với gạo của Việt Nam. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải tiếp tục giữ vững và đảm bảo chất lượng gạo ổn định, không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm gạo xuất khẩu, qua đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu, giữ được giá bán ổn định. Không để xảy ra cạnh tranh về giá giữa các doanh nghiệp.

Theo vtv.vn