Thứ 4, 24/07/2024, 14:23[GMT+7]

Khai thác hải sản vụ bắc - những tín hiệu đáng mừng.

Thứ 4, 15/09/2010 | 14:13:41
2,114 lượt xem
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.440 tàu, thuyền khai thác thuỷ sản, với tổng công suất 53.555 CV, trong đó Thái Thụy có 417 chiếc, Tiền hải 907 chiếc, Kiến Xương 116 chiếc, giải quyết việc làm cho 12.689 lao động.

Ngành nông nghiệp cần phải xây dựng các mô hình khuyến ngư nhằm hỗ trợ ngư dân đầu tư cải tiến lưới nghề, trang bị phương tiện bảo quản sản phẩm sau thu hoạch sao cho bảo đảm về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mặc dù trong thời điểm khai thác hải sản vụ Bắc 2010, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa gió thất thường không thuận lợi cho các ngư dân ra khơi, đồng thời giá cả thị trường nhiều biến động làm cho chi phí đánh bắt tăng, nhưng bù lại mỗi lần tàu thuyền xuất bến đã đem về đầy ắp tôm, cá.

Do đó, sản lượng khai thác hải sản vụ Bắc đã đạt 15.692 tấn, tăng 9,5%, giá trị đạt 102,39 tỷ đồng, tăng 11,02% so với vụ Bắc năm 2008 - 2009. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.440 tàu, thuyền khai thác thuỷ sản, với tổng công suất 53.555 CV, trong đó Thái Thụy có 417 chiếc, Tiền hải 907 chiếc, Kiến Xương 116 chiếc, giải quyết việc làm cho 12.689 lao động.

Xác định được nguồn lợi mà biển “ bạc” đem lại, nên trong những năm qua các ngư đã không ngừng đầu tư cho phương tiện khai thác hải sản, nhất là việc nâng cấp công suất cho tàu để có thể đánh bắt xa bờ. Theo đó, số tàu khai thác hải sản xa bờ có công suất máy từ 90 CV trở lên hiện có 124 chiếc, chủ yếu dùng lưới kéo đôi, một số ít làm nghề rê trôi khơi.

Chỉ tính riêng đối với khối tàu đánh bắt xa bờ sản lượng khai thác đã đạt 7.150 tấn, tăng 16,22% so với vụ Bắc trước đó. Không cam chịu cảnh “ gà què ăn quẩn cối xay”, quanh năm chỉ biết khai thác vùng biển ven bờ, các ngư dân đã thành lập các đội tàu đánh bắt xa bờ khai thác nghề kéo lưới đôi đến vùng biển Cát Bà (Hải Phòng) và vùng biển xa bờ của tỉnh khai thác.

Năm 2009, riêng đội tàu 34 chiếc công suất từ 300 CV đến dưới 500 CV, bình quân khai thác giá trị đạt 400- 500 triệu đồng, thu nhập của người lao động đạt 1,5 đến 1,7 triệu đồng/ tháng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2008. Một điều may mắn cho các ngư dân ở vụ Bắc là khi bước vào chính vụ (những tháng cuối năm 2009) thời tiết tương đối thuận lợi, giá dầu ổn định nên các tàu đã tích cực bám biển sản xuất.

Các tàu khai thác xa bờ sản lượng trung bình đánh bắt được 15 tấn/ chuyến. Bên cạnh việc đánh bắt xa bờ, các ngư dân còn tập trung khai thác hải sản tầm trung và ven bờ, chủ yếu là tôm, cá, sứa, nhiều loại thuỷ sản khác. Do nguồn vốn đầu tư có hạn nên số phương tiện này còn chiếm tương đối nhiều, tổng có 582 chiếc công suất từ 20 CV đến dưới 90CV.

Tuy nhiên, các tầu đánh bắt tầm trung và ven bờ cũng mang lại nguồn lợi hải sản tương đối lớn, đạt 8.542 tấn, tăng 5,5% so với vụ Bắc năm trước. Một số đội tàu khai thác cho hiệu quả kinh tế cao, như đội tàu của Thái Thượng có 12 đôi trung bình khai thác đạt trên 1 tấn/ ngày, cao điểm 3-4 tấn/ ngày, sản phẩm chủ yếu là cá mai và các loại cá nhỏ khác.

Đối với các tàu khai thác don ven bờ mỗi ngày khai thác được 1,2 tấn đến 1,5 tấn, giá don khoảng 700 đồng/ kg, trừ chi phí mỗi tàu cũng thu được 350- 400 nghìn đồng/ ngày. Đặc biệt đầu năm 2010, biển xuất hiện khá nhiều sứa, nên một số tàu đã chuyển sang khai thác, mỗi ngày bắt được 500- 700 con, giá mỗi con sứa từ 7 nghìn đến 8 nghìn đồng.

Riêng lượng sứa khai thác được trong năm nay ước đạt khoảng 23 nghìn tấn, tương đương với 1.700 tấn sứa thành phẩm, tăng 70% so với năm 2009. Để có được kết quả trên và bảo đảm tàu thuyền cho các ngư dân khai thác thuận lợi, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (BVNLTS) đã đăng ký cho 1.394 phương tiện được hoạt động đánh bắt.

Việc kiểm tra an toàn kỹ thuật được làm chặt chẽ, đúng quy trình, kiên quyết không gia hạn cho các phương tiện không đủ điều kiện kỹ thuật theo quy định và nhiều thủ tục hành chính khác. Ngoài ra, Chi cục khai thác và BVNLTS đã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu các phương tiện kẻ lại biển số, lắp đặt hệ thống đèn hành trình, đèn đánh cá, trang thiết bị thông tin liên lạc theo quy định.

Qua đó, đã có trên 90% số tàu thuyền khai thác hải sản kẻ vẽ, treo lại biển số, 100% tàu có công suất trên 300CV khai thác xa bờ được trang bị máy vô tuyến điện, 90% tàu khai thác trong tuyến lộng trang bị bộ đàm. Ngoài những kết quả đạt được thì hiện nay còn một số tồn tại các ngư dân cần kh?c phục, như sự phối hợp giữa các đôi tàu sản xuất trên biển theo đoàn, đội còn chậm, khai thác lấn ngư trường giữa các khối tàu còn xảy ra nhiều; kỹ thuật khai thác lạc hậu, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, do đó xảy ra tình trạng có tàu khai thác hiệu quả, có tàu khai thác không tốt phải nằm bờ...

Với kết quả khai thác hải sản vụ Bắc đã phần nào khích lệ các ngư dân tích cực bám biển đánh bắt, là tiền đề để đạt và vượt kế hoạch khai thác hải sản năm 2010 mà ngành nông nghiệp đã đề ra với chỉ tiêu tăng trưởng 11%. Hiện nay, khai thác hải sản vụ Nam mới bắt đầu, mục tiêu phấn đấu sản lượng khai thác đạt 26 nghìn tấn, giá trị 169.198 triệu đồng.

Để vụ Nam thắng lợi, góp phần vào thành công chung của năm về khai thác hải sản, theo ngành nông nghiệp cần phải xây dựng các mô hình khuyến ngư nhằm hỗ trợ ngư dân đầu tư cải tiến lưới nghề, trang bị phương tiện bảo quản sản phẩm sau thu hoạch sao cho bảo đảm về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Vận động ngư dân hình thành những tổ, đội khai thác để giúp nhau về vốn, kỹ thuật, hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác khi gặp sự cố.

Đồng thời tạo sự liên kết giữa các cá nhân đơn vị khai thác với các cơ sở chế biến, nhằm hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị khai thác, chế biến để thúc đẩy sản xuất phát triển. Ngoài ra, các chi hội khai thác đã được thành lập cần thường xuyên tổ chức các buổi họp, hội thảo để bà con ngư dân trao đổi, nắm bắt kỹ thuật, công nghệ khai thác, rút kinh nghiệm cho những chuyến đi biển sau.

 Nguyên Bình.

  • Từ khóa