Hiệu quả khi doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa
Nỗi lo của doanh nghiệp
Một vài năm gần đây, tình trạng doanh nghiệp bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bị các đối tượng làm nhái, làm giả sản phẩm có xu hướng gia tăng. Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện và xử lý hàng chục vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực này.
Gần đây nhất, ngày 20 - 21/9/2024, tại huyện Kiến Xương, Đội Quản lý thị trường số 5 phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường (Công an tỉnh) kiểm tra, phát hiện một doanh nghiệp sản xuất, tàng trữ 2.180 sản phẩm quần, áo mang dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu THE NORTH FACE đang được bảo hộ tại Việt Nam. Ngày 14/10/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với doanh nghiệp này.
Ông Vũ Thanh Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Vườn sen Vũ Toàn (xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư) chia sẻ: Chúng tôi khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp rất khó khăn, mất nhiều năm mới xây dựng được uy tín, thương hiệu cho sản phẩm và doanh nghiệp. Gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm nhái cả hình dáng, quy cách sản phẩm của chúng tôi khiến không ít người tiêu dùng nhầm tưởng mua phải và phản ánh chất lượng không bảo đảm. Nạn gian lận thương mại và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, chúng tôi rất lo và đang nghiên cứu cách để khắc phục.
Không riêng ông Toàn, rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng lo lắng và trăn trở tìm giải pháp chống bị làm giả, làm nhái sản phẩm, thương hiệu.
Ông Nguyễn Quang Linh, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty TNHH Lotek Farm (xã Song An, huyện Vũ Thư) cho biết: Doanh nghiệp chúng tôi mới gia nhập thị trường nên gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn, lo lắng lớn nhất là sản phẩm của Công ty bị làm giả, làm nhái khiến đối tác, người tiêu dùng mất niềm tin, có thể dẫn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp lâm vào khủng hoảng.
Công ty TNHH Minh Hòa H4G tăng mạnh sản xuất, kinh doanh sau khi thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Lời giải từ truy xuất nguồn gốc hàng hóa
Là một trong những doanh nghiệp sớm đăng ký hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm cá rô đồng chế biến, ông Nguyễn Văn Hình, Giám đốc Công ty TNHH Minh Hòa H4G (xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà) cho biết: Thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa, niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm của chúng tôi tăng lên vì họ có thể truy cập thông tin và nắm bắt được toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến của doanh nghiệp. Đi cùng với đó, doanh nghiệp có ý thức hơn trong công tác quản lý, xây dựng quy trình sản xuất chặt chẽ, nâng cao chất lượng, gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Còn ông Vũ Thanh Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Vườn sen Vũ Toàn chia sẻ: Khi đã đăng ký truy xuất nguồn gốc hàng hóa, tôi rất tự tin đưa sản phẩm ra thị trường, không còn lo các đối tượng làm nhái thương hiệu bởi các khách hàng chỉ cần truy cập vào mã QR Code trên sản phẩm là biết được chính xác nguồn gốc, xuất xứ. Chính sự minh bạch trong thông tin giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu mạnh mẽ và tăng cường lòng trung thành của khách hàng, doanh nghiệp duy trì sự phát triển bền vững.
Qua tìm hiểu nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thấy rằng, không chỉ củng cố niềm tin của người tiêu dùng, việc tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa còn giúp doanh nghiệp có thêm bộ công cụ quản lý quá trình sản xuất, kinh doanh chặt chẽ, công khai, minh bạch để gia tăng giá trị cạnh tranh thị trường cho sản phẩm. Nó cũng thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, tối ưu hóa quản lý chuỗi cung ứng, mở ra cơ hội hợp tác, phát triển thị trường hiệu quả. Đặc biệt, thực hiện truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro pháp lý nhờ dễ dàng xác định và kiểm soát các vấn đề liên quan đến nguồn gốc sản phẩm.
Bà Vũ Thị Trang, Chủ nhiệm HTX Nông dược Mộc An Nhiên (xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà) cho biết: Qua mã QR Code truy xuất nguồn gốc hàng hóa, người tiêu dùng giảm thiểu mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Khách hàng sử dụng sản phẩm khi gặp vấn đề gì có thể liên hệ trực tiếp tới nhà sản xuất để được giải quyết, khắc phục. Không chỉ có người tiêu dùng, bản thân các doanh nghiệp sẽ không còn bị “tai bay, vạ gió” của nạn hàng giả, hàng nhái nữa nhờ sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Nhằm triển khai hiệu quả quy định của pháp luật về truy xuất nguồn gốc hàng hóa và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa, hơn 2 năm qua, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) đã tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật, mở nhiều hội nghị tư vấn, hướng dẫn tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc cho các doanh nghiệp tham gia.
Ông Lương Văn Hiếu, Chi cục trưởng cho biết: Đến nay, chúng tôi đã hướng dẫn, hỗ trợ cho 57 doanh nghiệp với hơn 170 sản phẩm hàng hóa tham gia vào cổng thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa của tỉnh. Đánh giá bước đầu, các doanh nghiệp tham gia truy xuất nguồn gốc đều mang lại hiệu quả thiết thực từ việc tăng cường quản lý quy trình sản xuất, chất lượng, giá trị, thương hiệu của sản phẩm được nâng lên và doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia vào các chuỗi, hệ thống cung ứng lớn, hiện đại như siêu thị, sàn thương mại điện tử và mở ra cơ hội xuất khẩu hàng hóa. Có những doanh nghiệp đã tăng doanh số bán hàng tới 30 - 40% so với trước khi thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu hóa, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa không chỉ là một tiêu chí yêu cầu bắt buộc mà còn trở thành chiến lược quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro, tối ưu hóa quy trình quản lý và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Với những lợi ích rõ ràng như vậy, các doanh nghiệp cần nghiêm túc xem xét và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc vừa bảo vệ thương hiệu của mình vừa mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và xã hội, những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp hội nhập thành công và phát triển bền vững.
Khắc Duẩn
Tin cùng chuyên mục
- Hoàn tất những khâu cuối cùng sẵn sàng khai mạc hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2024 25.11.2024 | 15:12 PM
- Chợ dân sinh - sinh kế của người dânKỳ 1: Chợ - không chỉ là nơi buôn bán 25.11.2024 | 09:39 AM
- Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tổ chức hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc bộ năm 2024 12.11.2024 | 17:31 PM
- Khai mạc hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP; lễ hội bánh và ẩm thực huyện Vũ Thư năm 2024 12.10.2024 | 15:53 PM
- Tiêu hủy hàng vạn sản phẩm là hàng lậu, hàng giả 02.10.2024 | 15:45 PM
- 100% thiết bị mạng di động VinaPhone được khắc phục sau bão 11.09.2024 | 14:11 PM
- BNI Avenue - Chapter thứ hai tại Thái Bình chính thức ra mắt 03.08.2024 | 16:21 PM
- Phổ biến Nghị định số 60/2024/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ 26.07.2024 | 22:32 PM
- Rộn ràng phiên chợ sớm và duy nhất trong năm ở Vũ Thư 11.02.2024 | 22:11 PM
- Khai mạc hội chợ mừng Đảng, mừng Xuân Thái Bình 2024 23.01.2024 | 21:35 PM
Xem tin theo ngày
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Tiếp xúc cử tri tại huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Cử tri quan tâm đến việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực phát triển
- Trên 1,3 triệu đại biểu tham dự hội nghị triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
- Bế mạc kỳ họp thứ tám Quốc hội khoá XV
- Trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX năm 2024 cho 36 thanh niên xuất sắc tiêu biểu
- Thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kết luận số 21-KL/TW