Thứ 3, 23/07/2024, 06:14[GMT+7]

Xuất khẩu cà phê giảm sút

Thứ 5, 03/10/2013 | 16:48:12
731 lượt xem
Theo ước tính của Bộ NNPTNT, xuất khẩu cà phê tháng 9/2013 ước đạt 61 nghìn tấn, giảm 27% so với tháng trước.

Ảnh minh họa.

Tính chung khối lượng xuất khẩu cà phê 9 tháng ước đạt hơn 1 triệu tấn với giá trị 2,21 tỷ USD, giảm 23,1% về khối lượng và giảm 22,5% về giá trị so cùng kỳ năm 2012.

 

Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm với thị phần lần lượt là 12,9% và 11,0%. Giá trị xuất khẩu sang các thị trường như Nga, Anh, Tây Ban Nha có mức tăng so với cùng kỳ năm 2012, tương ứng đạt 12,9%, 6,7% và 2,1%.

 

Giá xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm nay đạt 2.145,68 USD/tấn, tăng khoảng 1,19% so với cùng kỳ năm 2012.

 

Xuất khẩu cà phê giảm sút cả về lượng lẫn chất do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nhưng theo nhiều chuyên gia nhận  định, 3 nguyên lớn dẫn đến kết quả trên là việc chưa thực hiện triệt để tái canh cây cà  phê, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng và hạn chế của doanh nghiệp khi phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay và thiếu kỹ năng tham gia thị  trường cà phê kỳ hạn.

 

Về tái canh cây cà phê, hiện nay lượng cây cà phê già có tuổi đời trên 25 năm chiếm đến 30% trong tổng diện tích 520.000 ha cà phê đang khai thác (khoảng 130.000 ha). Những cây cà phê già cỗi này cho năng suất, sản lượng thấp, vì vậy trồng mới lại diện tích cà phê già cỗi là vấn đề bức thiết đặt ra.

 

Chi phí đầu vào như phân bón, nông dược tăng lên nhanh chóng. Tuy chưa có con số điều tra chính thức nhưng hiện nay chi phí sản xuất 1kg cà phê của nông dân khoảng 3.000 đồng, trong khi giá bán ra khoảng 3.800 đồng. Chi phí đầu vào sản xuất cà phê tăng lên đã tạo ra áp lực về giá bán.

 

Cùng với đó, mặt hàng cà phê chịu tác động rất lớn giá cả quốc tế, đặc biệt tại thị trường LondonNew York. Lúc ở mức giá cao nhưng có khi giá lại xuống thấp cả vài trăm USD. Doanh nghiệp cà phê thường thực hiện giao dịch mua bán cà phê trước vài tháng đến cả năm (giao dịch mua bán kỳ hạn), tức giao dịch trước khi có hàng. Nhưng do không chủ động được nguồn hàng và giá, nhiều doanh nghiệp khi ký hợp đồng xong mới tổ chức thu mua nên dễ gặp rủi ro.

 

Nguồn chinhphu.vn

 

  • Từ khóa