Thứ 5, 05/12/2024, 09:24[GMT+7]

Chợ dân sinh - sinh kế của người dân Kỳ II: Chợ bị “bỏ quên”

Thứ 3, 26/11/2024 | 10:09:27
1,786 lượt xem
Như chúng tôi đã đề cập ở kỳ trước, mặc dù có vai trò và hiệu quả rõ rệt nhưng hạ tầng chợ dân sinh hiện nay đang xuống cấp và có nhiều bất cập, chủ yếu xuất phát từ cách quản lý, đầu tư chưa đồng bộ, kém hiệu quả và khó khăn trong nguồn lực đầu tư.

Chợ hải sản Đông Minh (Tiền Hải) xuống cấp trầm trọng, tiểu thương phải dùng bạt che chắn tạm để kinh doanh.

Chợ xuống cấp

Khảo sát thực trạng những chợ đang xuống cấp trên địa bàn tỉnh, khi chúng tôi có mặt ở chợ hải sản Đông Minh (Tiền Hải), các tiểu thương vây quanh để bày tỏ bức xúc trước tình trạng chợ không còn là chợ nữa. Bà con kinh doanh ở đây cho biết, chợ được đầu tư mở rộng và sửa chữa từ năm 2006. Sau 18 năm hoạt động, nhiều hạng mục hạ tầng của chợ bắt đầu hư hỏng. Bão số 3 vừa qua đã làm sập toàn bộ mái đình chợ, từ đó đến nay chưa được sửa chữa lại. Để duy trì hoạt động buôn bán, các tiểu thương phải dùng bạt che chắn nắng, mưa. Bà con cho biết, mưa, nắng thì trước mắt cố gắng khắc phục tạm thời được, nhưng lo lắng nhất là một số tấm tôn còn mắc lại, hệ thống xà, khung thép đã han gỉ, mọt thủng, có thể đổ bất cứ lúc nào. Vì mưu sinh nên bà con đành phải chấp nhận nguy hiểm, vẫn hàng ngày ra chợ buôn bán.

Còn tại chợ Phố, xã Dương Hồng Thủy (Thái Thụy), hạ tầng chợ cũng đang xuống cấp nhanh chóng do thời gian sử dụng gần 25 năm, ít được đầu tư tu bổ. 21m tường bao của chợ đã bị đổ, các dãy lán có khung cột bằng bê tông đã bị nứt, vỡ lộ cốt thép đã han gỉ, mái lán bằng fibro xi măng lâu ngày bị vỡ, thủng lỗ chỗ, bà con tiểu thương dùng bao bì, vải, nilon che chắn tạm bợ nên chợ vốn lụp xụp nay lại thêm tối và nhếch nhác.

Chợ Niềm, xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương đang xuống cấp không bảo đảm an toàn và gây mất vệ sinh môi trường.

Không riêng chợ Phố, rất nhiều chợ trên địa bàn tỉnh được đầu tư trong giai đoạn 2005 - 2015 hiện nay hạ tầng cũng đang xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu mua bán của tiểu thương và người dân. Đơn cử như chợ Niềm, xã Vũ Ninh (Kiến Xương), chợ thị trấn Vũ Thư, chợ Thông, xã Hòa Bình (Vũ Thư), chợ Vô Hối, xã Đông Kinh (Đông Hưng)... ngoài các ki ốt, lán bán hàng bị hư hỏng tường, cột, kèo, mái thì cốt nền chợ hiện nay thấp hơn so với xung quanh nên mỗi khi trời mưa là ngập úng. Hệ thống thoát nước, công trình vệ sinh cũng không còn bảo đảm gây bức xúc cho người dân và tiểu thương.

Vì đâu nên nỗi

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuống cấp hạ tầng chợ dân sinh, trong đó nguyên nhân chính là sự thiếu đầu tư từ phía chính quyền địa phương. Ông Phạm Anh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hồng Thủy (Thái Thụy) chia sẻ: Dù biết chợ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế nông nghiệp địa phương và góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tuy nhiên kinh phí đầu tư cho chợ luôn băng bó. Số tiền thu phí từ chợ không đủ để tái đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Ngân sách địa phương hạn hẹp phải ưu tiên đầu tư rất nhiều công trình quan trọng, cấp bách như trường học, trạm y tế, đường giao thông, hệ thống vỉa hè, thoát nước khu dân cư... Sau sáp nhập địa giới hành chính, xã có tới 3 chợ, để đầu tư cải tạo, nâng cấp cần tới hơn 20 tỷ đồng nên UBND xã chưa thể bố trí ngân sách đầu tư được.

Hiện nay, các chợ dân sinh do nhà nước đầu tư đều được giao khoán cho tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác. Phần lớn các ban quản lý chợ không chỉ buông lỏng công tác quản lý hạ tầng mà còn có tâm lý tận thu, không tái đầu tư, ủy thác cho chính quyền địa phương trong việc sửa chữa, cải tạo chợ theo định kỳ khiến hạ tầng chợ nhanh xuống cấp.

Ông Phạm Hùng Vương, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đông Hưng cho biết: Ngoài yếu tố xâm thực của thời gian, một trong những nguyên nhân làm hạ tầng chợ xuống cấp là do ý thức bảo quản, giữ gìn chợ của tiểu thương và người tiêu dùng cũng chưa được nâng cao. Nhiều tiểu thương không chú ý đến việc vệ sinh nơi bán hàng, người tiêu dùng xả rác vô tội vạ gây ảnh hưởng đến toàn bộ không gian, môi trường chợ và trực tiếp tác động đến chất lượng gian hàng, ki ốt, hệ thống cấp thoát nước, công trình vệ sinh... của chợ.

Hệ lụy đáng lo

Hạ tầng chợ dân sinh xuống cấp là một trong những nguyên nhân khiến cả tiểu thương và người dân ít mặn mà vào chợ mua, bán. Nhiều chợ trước đây nhộn nhịp kẻ bán, người mua, nay thưa vắng, không phát huy hiệu quả, gây lãng phí đầu tư và diện tích đất đai. Và như một lẽ tự nhiên, không họp tại chợ, một số tiểu thương ra kinh doanh ngoài đường, phát sinh các chợ cóc, chợ tạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường.

Do thiếu quản lý, đầu tư, nhiều chợ không có hoặc có nhưng hệ thống thoát nước không còn hoạt động, cốt nền chợ thấp thường xuyên bị ngập úng, công tác vệ sinh môi trường không thực hiện tốt nên chợ thành nơi gây ô nhiễm môi trường, điểm phát sinh dịch bệnh, nhất là trong mùa mưa. Trong khi chợ là nơi chủ yếu kinh doanh thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến, với môi trường bị ô nhiễm như vậy nhiều người đặt câu hỏi liệu vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe của người tiêu dùng có được bảo đảm?

Ông Đỗ Phúc Hậu, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thái Thụy
Thái Thụy có 37 chợ dân sinh với tổng diện tích gần 13ha. Việc các chợ xuống cấp về hạ tầng và chậm được đầu tư cải tạo, nâng cấp do khó khăn về kinh phí đầu tư làm cho hoạt động của chợ kém hiệu quả, lãng phí tài nguyên đất đai. Đặc biệt, chợ dân sinh không còn sức hút đối với tiểu thương sẽ ảnh hưởng tới hoạt động lưu thông hàng hóa, nhất là đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, làm mất cơ hội việc làm của hàng nghìn người vốn quen với nghề và sống bằng nghề kinh doanh nhỏ lẻ tại chợ. Chợ dân sinh vẫn là kênh thương mại truyền thống quan trọng nên rất cần có cơ chế, chính sách tạo nguồn lực cho các địa phương đầu tư cải tạo, nâng cấp, duy trì hoạt động trong thời gian tới.
Ông Trần Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Đông Minh (Tiền Hải)
Nhìn chợ xuống cấp chúng tôi cũng rất xót xa, nhưng địa phương chưa có điều kiện đầu tư sửa chữa. UBND xã chỉ khoán cho ban quản lý chợ nộp ngân sách 12 triệu đồng phí chợ/năm, số tiền này không đủ để tái đầu tư hạ tầng của chợ. Đông Minh đang phấn đấu lên đô thị loại IV nên chợ được quy hoạch đầu tư trở thành trung tâm thương mại kết hợp chợ dân sinh, dự tính kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Cái khó của địa phương hiện nay còn nợ công gần 30 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới cần phải xử lý, trước mắt nhu cầu vốn đầu tư nâng cấp hạ tầng đô thị cũng lớn và cấp bách.
Ông Vũ Ngọc Lĩnh, quản lý chợ hải sản Đông Minh (Tiền Hải)
Trước đây, chợ hải sản Đông Minh thu hút hàng trăm tiểu thương kinh doanh nên được quy hoạch trở thành chợ đầu mối hải sản phục vụ nhân dân khu Đông Tiền Hải. Do chợ xuống cấp, lại không được đầu tư sửa chữa, thêm vào đó một số chợ ở các xã lân cận như Đông Cơ, Đông Hoàng, Đông Long, Đông Xuyên được đầu tư mở rộng, khang trang nên thu hút nhiều tiểu thương từ chợ hải sản Đông Minh sang. Hiện chợ chỉ còn hơn 50 tiểu thương, khách đến mua sắm ít nên thu phí chợ không đủ phục vụ công tác quản lý, vệ sinh và nộp ngân sách địa phương.



Khắc Duẩn