Thứ 4, 01/01/2025, 17:41[GMT+7]

Doanh thu phí bảo hiểm đi lùi năm thứ 2 liên tiếp

Chủ nhật, 29/12/2024 | 20:40:42
645 lượt xem
Doanh thu phí thị trường bảo hiểm tiếp tục sụt giảm năm thứ 2 liên tiếp nhưng tốc độ đi lùi đã chậm hơn so với năm ngoái.

Ảnh minh hoạ.

Báo cáo từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết năm 2024, doanh thu phí bảo hiểm vẫn chưa phục hồi, ước đạt 227.495 tỷ đồng, giảm 0,26% so với cùng kỳ.

Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ khoảng 78.291 tỷ đồng, tăng 10,21% so với cùng kỳ. Trong khi, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 149.204 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ.

Thị trường bảo hiểm phục hồi chậm nhưng đã có những tín hiệu tích cực hơn khi đà đi lùi đã chậm lại so với năm 2023. Năm ngoái, doanh thu phí toàn thị trường này giảm tới 8,33%, lần đầu tiên đi lùi sau 10 năm tăng trưởng liên tục.

Cùng đó, tổng tài sản toàn thị trường năm nay vượt 1 triệu tỷ đồng, tăng 10,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chiếm hơn 86%, ước đạt 861.788 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng tăng 6,45% so với cùng kỳ, ước đạt 210.124 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 850.000 tỷ đồng, tăng 13,17% so với cùng kỳ.

Chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng gần 18%, ước đạt 93.900 tỷ đồng. Số này gồm 22.519 tỷ đồng chi trả từ các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, và 71.387 tỷ đồng từ bảo hiểm nhân thọ.

Tại hội nghị cuối tuần qua, lãnh đạo Bộ Tài chính nhìn nhận 2025 tiếp tục là một năm khó khăn với nền kinh tế và thị trường bảo hiểm. Tuy nhiên, ông cho rằng thị trường bảo hiểm có thể tạo "cú hích" về quy mô và chất lượng nhờ các yếu tố nền tảng vĩ mô, định hướng chiến lược và khung khổ pháp lý mới.

Thực tế, doanh thu giảm do kinh tế khó khăn và những bất cập trong tư vấn bán hàng suốt 2 năm qua. Trong đó, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng làm phát sinh tranh chấp gần đây đã làm suy giảm niềm tin và ảnh hưởng đến quyết định mua bảo hiểm của người dân.

Phân khúc bị ảnh hưởng mạnh nhất là bảo hiểm nhân thọ - vốn là động lực chính của thị trường. Tốc độ tăng của phân khúc này thường gấp 2-3 lần so với bảo hiểm phi nhân thọ. Đà tăng đạt trung bình hơn 30% trong giai đoạn các ngân hàng đẩy mạnh bán chéo bảo hiểm (Bancassurance). Bancas cũng trở thành một trong những kênh phân phối quan trọng, chiếm gần 50% doanh thu khai thác mới, thậm chí còn vượt qua kênh đại lý.

Hai năm qua, ngành bảo hiểm nhân thọ đối diện với nhiều thay đổi. Luật Kinh doanh bảo hiểm (hiệu lực từ đầu 2023) và Thông tư 67 đưa ra chính sách chặt chẽ hơn, chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Các ngân hàng bị cấm bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau giải ngân 60 ngày. Đồng thời, tư vấn viên phải ghi âm, ghi hình quá trình tư vấn. Các kỳ thi với sản phẩm liên kết đơn vị được tổ chức khắt khe, khiến tỷ lệ đỗ xuống thấp.

Ngân hàng Nhà nước cũng đang dự thảo Nghị định 88 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo đó, các nhà băng gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng có thể bị phạt tiền từ 400-500 triệu đồng.

Lãnh đạo ngành bảo hiểm nhân thọ thừa nhận thị trường đã phát triển nhanh và cần thanh lọc để đi đúng hướng. Xu hướng phát triển chung là tư vấn viên phải giỏi, chuyên nghiệp mới trụ được với nghề, chứ không còn xảy ra tình trạng "vào, ra liên tục" như trước.

Hiện, thị trường bảo hiểm có 85 doanh nghiệp kinh doanh. Trong đó, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, gồm 2 công ty trong nước (Bảo Việt, Bảo Minh), còn lại là đơn vị nước ngoài, liên doanh. Hai năm qua, 10 đơn vị bảo hiểm nhân thọ có gần 97% doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance đã bị thanh tra, và hiện 5 kết luận được cơ quan quản lý hoàn thành.

Theo vnexpress.net