Tạo niềm tin cho người tiêu dùng từ chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn
Xây chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn
Xây dựng chuỗi cung ứng TPAT là một trong những nội dung quan trọng trong lộ trình hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn. Chính vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, Thái Bình đang tích cực triển khai sản xuất liên kết theo chuỗi sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn để bảo đảm chất lượng cho từng công đoạn, từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Chuỗi cung ứng TPAT là yêu cầu cấp thiết trong hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện nay. Bởi chuỗi TPAT được kiểm soát chặt chẽ từ cung cấp đầu vào, sản xuất, thu gom, sơ chế, chế biến và cung ứng sản phẩm cho người tiêu dùng. Sản phẩm từ các mô hình chuỗi tiêu thụ trên thị trường được đưa vào trong chương trình lấy mẫu giám sát an toàn của cơ quan chức năng và thí điểm cấp giấy xác nhận sản phẩm đã được kiểm soát an toàn theo chuỗi. Qua đó kiểm soát chất lượng nông, lâm, thủy sản, ổn định đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng, đồng thời góp phần thay đổi tư duy, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Việc xây dựng và xác nhận chuỗi cung ứng TPAT trên địa bàn tỉnh được triển khai từ năm 2016; đến nay toàn tỉnh đã xác nhận 23 chuỗi cung ứng TPAT.
Với mục tiêu xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng TPAT, huyện Thái Thụy đã chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ phụ trách về công tác quản lý an toàn thực phẩm, chủ cơ sở, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm về sản xuất TPAT. Đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức cách xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng các loại như gạo, rau, củ, quả, nước mắm... và chuỗi cửa hàng kinh doanh TPAT. Toàn huyện đã xây dựng được 9 chuỗi cung ứng TPAT. Hơn 3 năm về trước, HTX Nông dược Gotafarm, xã Thụy Văn (Thái Thụy) chuyên trồng dược liệu và cung cấp nguyên liệu tươi cho các công ty. Với cách làm này, việc tiêu thụ tương đối thuận lợi song lợi nhuận thu về không cao. HTX đã tìm hiểu và đầu tư nhà xưởng, máy móc sản xuất dược liệu theo chuỗi từ trồng, chế biến và tiêu thụ.
Theo bà Bùi Thị Duyên, Giám đốc HTX Nông dược Gotafarm, lợi ích của việc tham gia chuỗi là có thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm bảo đảm an toàn, truy xuất được nguồn gốc, xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm. Qua đó, người tiêu dùng yên tâm, tin tưởng khi tiêu thụ sản phẩm, người sản xuất, kinh doanh cũng được bảo đảm đầu ra, sản xuất ổn định hơn, góp phần tăng giá trị sản phẩm. Nhờ đó mà hiện nay HTX chế biến 15 thảo dược, có hệ thống 3.000 khách hàng và đại lý trên toàn quốc với 10 nhà vườn trong chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất.
Ông Bùi Văn Khoái, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến thủy hải sản số 06, xã Nam Cường (Tiền Hải), thương hiệu nước mắm Tiền Châu cho biết: Từ khi tham gia chuỗi cung ứng TPAT (năm 2021), người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sản phẩm nước mắm Tiền Châu nhiều hơn, vì vậy sản lượng tăng nhanh. Nếu như năm 2020 đạt sản lượng 20.000 lít thì đến năm 2024 đạt trên 50.000 lít. Cùng với đó, người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm chất lượng với chu trình khép kín, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả phù hợp.
Số lượng chuỗi còn khiêm tốn
Trong bối cảnh ngành nông nghiệp ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường khu vực và quốc tế, việc bảo đảm an toàn thực phẩm nông sản không chỉ tạo niềm tin của người tiêu dùng mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản trong nước với nông sản của nước ngoài ngay tại thị trường nội địa. Nông nghiệp luôn là thế mạnh của Thái Bình với cơ cấu GRDP năm 2024 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 20,5%. Nhiều vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn, với sự tham gia của các doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị được hình thành và phát triển. Toàn tỉnh đã tích tụ, tập trung đất đai phát triển sản xuất trồng trọt quy mô lớn đạt 5.676ha, với trên 1.700 hộ nông dân tham gia tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất hàng hóa từ 2ha trở lên; 36 xã có vùng sản xuất được cấp giấy chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 194,732ha; 39 vùng sản xuất trồng trọt cấp mã số vùng trồng với diện tích gần 545ha. Tuy nhiên, sản phẩm tham gia chuỗi TPAT vẫn còn khiêm tốn về số lượng cũng như chủng loại so với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Ông Đặng Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh (Kiến Xương) cho biết: Trong quá trình thực hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo Chợ Gốc theo chuỗi, với vùng trồng 12ha. HTX liên kết, bao tiêu sản phẩm và cung cấp ra thị trường. Cuối năm 2023 đầu năm 2024 thu nhập bình quân trên đầu sào đạt 2,5 - 3 triệu đồng/vụ. Năm 2025, dự kiến thu nhập 3,5 - 4 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, HTX gặp khó khăn trong việc mở rộng vùng trồng sản xuất lúa hữu cơ theo chuỗi do phần lớn nông dân sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật làm chi phí đầu vào tăng, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; thêm vào đó, phải áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất nên nhiều nông dân dễ nản, khó có thể tự mình hoàn thành theo tiêu chuẩn.
Huyện Quỳnh Phụ hiện đang duy trì 3 chuỗi cung ứng TPAT. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Tiến Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, số lượng này còn hạn chế bởi so với sản xuất tự do thì khi tham gia vào chuỗi người dân phải thực hiện các quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu sản xuất, sơ chế, tiêu thụ..., chỉ cần một “mắt xích” đứt gãy sẽ không thể hình thành chuỗi; sự liên kết giữa các đầu mối cung ứng, thu mua, xử lý... còn lỏng lẻo; nhất là so với vốn đầu tư để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chi phí bao bì, tem nhãn... thì giá bán các sản phẩm chưa được như mong muốn của người sản xuất. Vì vậy, chưa tạo được động lực thúc đẩy người dân cũng như các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng TPAT.
Bà Trần Thị Liên Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết: Người tiêu dùng có quyền được tiếp cận nguồn thông tin chính xác, được công bố bởi các cơ quan chức năng nhằm tham khảo và đưa ra sự lựa chọn phù hợp nhất khi lựa chọn thực phẩm. Các sản phẩm nông, lâm, thủy sản được cấp giấy chứng nhận theo chuỗi không chỉ tạo độ tin cậy cho người tiêu dùng mà còn góp phần tạo thương hiệu cho mỗi sản phẩm; đồng thời tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của người dân trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm an toàn. Vì vậy, trong thời gian tới, Chi cục tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, hình thành các chuỗi. Thường xuyên thực hiện giám sát, lấy mẫu đối với các sản phẩm được xác nhận. Tăng cường kiểm tra việc sử dụng logo sản phẩm chuỗi được xác nhận, xử lý nghiêm khi phát hiện các vi phạm về an toàn thực phẩm. Hoặc thu hồi xác nhận đối với các sản phẩm không đáp ứng các tiêu chí theo quy định, tạo lòng tin tiêu dùng với sản phẩm chuỗi.
Công nhân HTX Nông dược Gotafarm đóng gói lá xông, lá tắm.
Minh Nguyệt
Tin cùng chuyên mục
- Hoàn tất những khâu cuối cùng sẵn sàng khai mạc hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2024 25.11.2024 | 15:12 PM
- Chợ dân sinh - sinh kế của người dânKỳ 1: Chợ - không chỉ là nơi buôn bán 25.11.2024 | 09:39 AM
- Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tổ chức hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc bộ năm 2024 12.11.2024 | 17:31 PM
- Khai mạc hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP; lễ hội bánh và ẩm thực huyện Vũ Thư năm 2024 12.10.2024 | 15:53 PM
- Tiêu hủy hàng vạn sản phẩm là hàng lậu, hàng giả 02.10.2024 | 15:45 PM
- 100% thiết bị mạng di động VinaPhone được khắc phục sau bão 11.09.2024 | 14:11 PM
- BNI Avenue - Chapter thứ hai tại Thái Bình chính thức ra mắt 03.08.2024 | 16:21 PM
- Phổ biến Nghị định số 60/2024/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ 26.07.2024 | 22:32 PM
- Rộn ràng phiên chợ sớm và duy nhất trong năm ở Vũ Thư 11.02.2024 | 22:11 PM
- Khai mạc hội chợ mừng Đảng, mừng Xuân Thái Bình 2024 23.01.2024 | 21:35 PM
Xem tin theo ngày
- Tháo gỡ khó khăn, không để các dự án trọng điểm của tỉnh chậm tiến độ
- UBND tỉnh tiếp nhận 1 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam hỗ trợ tặng quà tết cho hộ có hoàn cảnh khó khăn
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy thăm, tặng quà đảng viên tiêu biểu, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa
- Quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội ngay từ đầu năm
- Bàn giao công tác của Chủ tịch UBND tỉnh
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy dự lễ khánh thành nhà cho hộ nghèo
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy thăm, chúc tết các văn nghệ sĩ
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm, chúc tết văn nghệ sĩ
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự lễ khánh thành nhà ở cho hộ nghèo huyện Vũ Thư
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Trao quà tết cho đoàn viên, người lao động