Thứ 6, 22/11/2024, 04:55[GMT+7]

Xuất khẩu nông sản thực phẩm Cần cải thiện cả chất và lượng

Thứ 3, 12/11/2013 | 15:29:13
804 lượt xem
Thái Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh sản xuất và chế biến nông sản thực phẩm (NSTP) như: gạo, thịt lợn, thủy - hải sản, rau quả… nhưng thời gian qua kim ngạch xuất khẩu những sản phẩm này lại chiếm tỷ lệ rất thấp. Thái Bình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất ngành chế biến NSTP đạt 11.922 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 83,451 triệu USD và đến năm 2020 giá trị sản xuất đạt 26.138 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 147,069 triệu USD.

Thái Bình chưa quy hoạch vùng lúa hàng hóa tập trung phục vụ chế biến gạo xuất khẩu.

Toàn tỉnh hiện có trên 11.000 cơ sở, 36 doanh nghiệp chế biến gạo, thịt lợn, thủy - hải sản, rau, củ, quả. Năm 2012, sản lượng chế biến NSTP đạt 1.282.624 tấn, cho giá trị 2.257 tỷ đồng, chiếm 8,2% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Tuy nhiên, tổng thu ngân sách từ các cơ sở sản xuất nhóm sản phẩm này chỉ đạt 19,5 tỷ đồng, chiếm 1,3% tổng thu ngân sách của các doanh nghiệp.

Từ năm 2010 trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng NSTP chỉ chiếm 3 - 4% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Ông Vũ Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Nhìn chung, Thái Bình chưa hình thành được công nghiệp chế biến hàng hóa chuyên nghiệp, phần lớn là xuất thô nên giá trị sản phẩm chưa cao. Lĩnh vực đầu tiên kể đến là sản xuất lúa gạo, mỗi năm tỉnh ta đạt sản lượng trên 1 triệu tấn. Trừ lượng tiêu dùng trong dân, phục vụ chăn nuôi, chế biến các sản phẩm từ gạo, phần dư thừa còn khoảng 400.000 - 500.000 tấn, tiềm năng lớn cho xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có 17 doanh nghiệp quy mô lớn và hàng trăm cơ sở chế biến thóc gạo quy mô nhỏ phân tán tại các xã, thị trấn.

Từ năm 2005 đến năm 2012, trung bình mỗi năm các doanh nghiệp, cơ sở xay xát được từ 960.000 tấn đến 1.271.000 tấn. Song, lượng gạo xuất khẩu trực tiếp đạt thấp, năm cao nhất (năm 2010) là 6.932 tấn cho giá trị 5,97 triệu USD, xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc mỗi năm từ 20.000 - 25.000 tấn phần còn lại phục vụ tiêu dùng nội địa. Đối với lĩnh vực chế biến thịt lợn, Thái Bình hiện có 3 đơn vị chế biến lợn sữa xuất khẩu với tổng công suất 10.000 tấn/năm và cũng mới xuất khẩu khoảng 5.000 tấn thịt lợn sữa, lượng còn lại tiêu thụ tại các tỉnh, thành trong cả nước.

Những năm gần đây, chế biến thủy - hải sản có bước phát triển song vẫn còn hạn chế cả về quy mô và chiều sâu. Hầu hết các sản phẩm chỉ dừng lại ở dạng sơ chế nên phục vụ tiêu dùng nội địa là chủ yếu, xuất khẩu chính ngạch chỉ chiếm 5 - 7% lượng đánh bắt, phần lớn vẫn xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Ngành công nghiệp chế biến rau quả cũng chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng.

Toàn tỉnh có 5 doanh nghiệp chế biến rau quả xuất khẩu với công suất 30.000 - 40.000 tấn/năm nhưng các quy trình từ thu hái, lựa chọn, bảo quản đều thủ công nên tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch 20 - 25%, chất lượng sản phẩm thấp. Tỷ lệ rau quả qua chế biến được xuất khẩu chỉ chiếm 5 - 7% sản lượng thu hoạch và sản phẩm mới ở dạng sơ chế.

Ông Đặng Đình Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến NSTP của Thái Bình những năm qua đạt thấp nguyên nhân một phần là do sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phần lớn vẫn còn mang tính tự cấp, tự túc. Lượng sản phẩm làm ra nhiều, chủng loại đa dạng nhưng chưa có vùng sản xuất chuyên canh quy mô đủ lớn tạo nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu với những yêu cầu khắt khe trong bảo đảm chất lượng.

Trong đó, chế biến gạo là lĩnh vực tỉnh ta có lợi thế lớn nhất về nguồn nguyên liệu nhưng đến nay các doanh nghiệp xay xát vẫn chưa liên kết với nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp để xây dựng được vùng cấy lúa tập trung nên không có nguồn cung nguyên liệu ổn định, bảo đảm chất lượng phục vụ cho chế biến. Minh chứng rõ nhất trong vụ mùa năm 2013 là khi năng suất lúa giảm, giá thóc đẩy lên cao, rất nhiều doanh nghiệp không mua được thóc của nông dân để chế biến.

Còn theo ông Vũ Quang Tuấn thì: Các thiết bị công nghệ phục vụ cho công nghiệp chế biến NSTP ở tỉnh ta mới ở mức trung bình, chưa kể đến dây chuyền chế biến của một số doanh nghiệp đầu tư cách đây khoảng 20 năm nay đã lạc hậu. Các khâu từ thu hoạch, sơ chế nguyên liệu, bảo quản sản phẩm đều thực hiện thủ công. Phần lớn các doanh nghiệp chưa áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và chưa đăng ký sở hữu công nghiệp… nên sản phẩm chế biến NSTP hầu hết mới được xuất đi ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng không cao, năng suất lao động thấp, hình thức và mẫu mã sản phẩm chưa hấp dẫn, giá thành sản phẩm cao… ảnh hưởng rất lớn đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Thái Bình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất ngành chế biến NSTP đạt 11.922 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 83,451 triệu USD và  đến năm 2020 giá trị sản xuất đạt 26.138 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 147,069 triệu USD. Trước thực trạng khó khăn của ngành công nghiệp chế biến NSTP như hiện nay, để thực hiện được mục tiêu trên trước hết tỉnh cần xây dựng giải pháp phát triển tổng thể trong toàn ngành, ưu tiên lựa chọn được những sản phẩm có thế mạnh về: sản lượng, nhu cầu thị trường cũng như giá trị xuất khẩu lớn. Tập trung làm tốt công tác quy hoạch vùng lúa hàng hóa, vùng chuyên canh cây màu, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung, kết hợp mở rộng mối liên kết cung ứng vật tư sản xuất đồng thời thu mua hàng hóa giữa doanh nghiệp và nông dân nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn và ổn định phục vụ cho chế biến.

Tổ chức tốt các khâu dịch vụ từ thu hoạch, sơ chế đến bảo quản nguyên liệu kết hợp đổi mới thiết bị công nghệ, đầu tư các dây truyền tiên tiến, hiện đại trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Làm tốt công tác xúc tiến thương mại, tìm hiểu thông tin và dự báo thị trường xuất khẩu… Có như vậy mới  giúp các doanh nghiệp chế biến NSTP của Thái Bình ổn định được thị trường tiêu thụ, tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa