Thứ 2, 01/07/2024, 07:26[GMT+7]

Hội nghề cá tỉnh Thái Bình Tích cực tham gia phát triển kinh tế thủy sản

Thứ 6, 24/09/2010 | 08:35:36
1,931 lượt xem
Hội nghề cá tỉnh có 19 chi hội, với 899 hội viên, trong đó có 9 chi hội hoạt động theo cơ cấu hai cấp.

Thu hoạch cá nước ngọt Ảnh: Ngọc Trâm

5 năm qua ( 2005 - 2009), Hội nghề cá tỉnh đã vận động hội viên tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nhau về giống, vốn, vật tư, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm...do đó đã nâng cao được năng suất, giá trị sản phẩm, góp phần đưa kinh tế thủy sản ngày một tăng cao. Tổng sản lượng thủy sản bình quân tăng 12,71%; sản lượng nuôi trồng tăng 16,94%, khai thác tăng 7,6%/năm...

Mặc dù khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản 5 năm qua khó khăn nhiều hơn thuận lợi, như thời tiết diễn biến bất thường, nguồn thủy sản ven bờ giảm, giá cả đầu vào tăng cao...song với sự nỗ lực của các hội viên và ngư dân, nên sản lượng thủy sản khai thác vẫn tăng. Năm 2005, sản lượng khai thác mới đạt 29.541 tấn, năm 2009 đã tăng lên 40.731 tấn, tăng trưởng bình quân đạt 7,6%/năm.

Đặc biệt trong việc thực hiện Quyết định 89 của Chính phủ về đấu thầu các tàu khai thác xa bờ, tỉnh đã có cách làm sáng tạo, hoàn thành sớm nhất cả nước. Các tàu khai thác xa bờ ngư dân đều cải tiến lại lưới cụ, đồng thời tích cực bám biển nên sản lượng khai thác tăng từ 11.232 tấn (2005) lên gần 18 nghìn tấn (2009). Nhiều đôi tàu khai thác cho thu nhập 300 - 400 triệu đồng/ năm, có đôi tàu trừ chi phí thu lãi 1 tỷ đồng, như đôi tàu của ông Phạm Văn Quyến xã Nam Thịnh ( Tiền Hải). Đối với những đôi tàu tầm trung với nghề lưới giã đôi lợi nhuận bình quân đạt 1,5 - 2 triệu đồng/ ngày đêm; thu nhập của hội viên và lao động khai thác hải sản đạt 1,7 - 2 triệu đồng/ tháng.

Với nghề nuôi trồng thủy sản, Hội nghề cá tỉnh đã triển khai thực hiện khá tốt Nghị quyết 04 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, NQ 02 về phát triển kinh tế biển, NQ 01 đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản nước ngọt. Nhiều địa phương đã chuyển đổi diện tích làm muối, trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản.

Tại các vùng chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản đã cho giá trị từ 30 - 50 triệu đồng/ ha, cao gấp 3- 5 lần so với cấy lúa. Ngoài ra Hội nghề cá tỉnh đã phối hợp với các địa phương vận động hội viên, nông dân tích cực áp dụng kỹ thuật đưa giống mới, đa dạng loài nuôi vào các vùng sinh thái. Đồng thời áp dụng quy trình nuôi bán thâm canh, thâm canh để nâng cao năng suất, bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Tại các vùng nuôi thủy sản tập trung đã hình thành các tổ sản xuất cộng đồng giúp hội viên mua con giống, thức ăn, giám sát môi trường để có biện pháp kịp thời, hạn chế tối đa dịch bệnh phát sinh. Điển hình như 3 chi hội nghề cá ở 3 thôn xã Nam Cường, chi hội nuôi trồng thủy sản xã Đông Minh, chi hội nuôi ngao xã Nam Thịnh (Tiền Hải). Do áp dụng tốt các tiến bộ về khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất và sản lượng đều tăng cao, từ 2,71 tấn/ ha (2005), tăng lên 4,55 tấn/ ha (2009).

Do việc nuôi trồng và khai thác thủy sản ngày càng phát triển mạnh nên nguồn giống thủy sản đòi hỏi rất lớn về số lượng, chất lượng, trong khi đó nguồn giống tự nhiên không đáp ứng đủ. Trước thực trạng này Chi hội sản xuất giống thủy sản đã tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất giống, góp phần đáp ứng nhu cầu của người nuôi, như cá chép V1, rô phi lai xa, cua xanh, cá bớp, ngao...Ngoài ra các chi hội đã tiếp nhận công nghệ sản xuất giống cá bống bớp, cá rô phi đơn tính bằng  phương pháp xử lý hóc môn, với số vốn gần một tỷ đồng.

Sản lượng giống thủy sản đã sản xuất được 4.573,5 triệu con, trong đó có 4.420 triệu con bột thủy sản nước ngọt, 153,5 triệu con nước lợ. Cùng với sản xuất giống các chi hội chế biến đã tổ chức thu mua, chế biến các mặt hàng truyền thống như nước mắm, mắm tôm, cá khô. Ngoài ra một số cơ sở đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới để chế biến các mặt hàng có giá trị tăng cao, như cá chỉ vàng khô, cá mai tẩm gia vị...đạt chất lượng tốt được thị trường ưa chuộng.

Để đạt được kết quả trên, hàng năm các chi hội nghề cá chuyên môn đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật với số lượng trên 10 nghìn hội viên, nông dân tham gia. Do đó các xã có quy hoạch thủy sản đều được tập huấn về nuôi trồng thủy sản, nhất là các xã chuyển đổi diện tích trồng lúa, làm muối kém hiệu quả sang nuôi tôm sú được tập huấn nhiều lần trong năm đã giúp hội viên hạn chế thiệt hại do thời tiết, khí hậu bất thường gây ra.

Bên cạnh đó các hội viên, nông ngư dân của các chi hội khai thác, chế biến cũng được tập huấn về kỹ thuật khai thác, sơ chế, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Song song với việc tập huấn, hàng năm các chi hội chuyên môn còn xây dựng nhiều mô hình trình diễn các đối tượng nuôi mới, mô hình áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến để làm cơ sở khuyến cáo cho hội viên, nông dân thăm quan học tập.

Cụ thể như mô hình nuôi tôm sú thâm canh năng suất đạt 5 tấn/ ha, cá vược 5 -7 tấn/ ha, cá song 5 – 6 tấn/ ha, cá rô phi đơn tính 10 – 12 tấn/ ha.  Qua đây nhiều hội viên, nông dân đã xây dựng 4 mô hình, như nuôi thâm canh cá trắm cỏ tại Vũ Lạc, cá rô phi lai xa ở Vũ Chính ( Thành phố)...

Để tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong việc phát triển kinh tế thủy sản, trong thời gian tới Hội nghề cá sẽ rà soát, củng cố các chi hội cơ sở theo hướng tập trung; phấn đấu thành lập thêm 25-30 chi hội, bình quân 20 – 30 hội viên/ chi hội. Theo đó, các chi hội phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để phát triển kinh tế thủy sản đạt hiệu quả cao nhất trên từng lĩnh vực, như khai thác, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2015 sản lượng thủy sản đạt 180 nghìn đến 185 nghìn tấn/ năm; giá trị đạt 1.050 – 1.150 tỷ đồng/ năm; tốc độ tăng trưởng bình quân 9 – 10%/năm.
         

 Nguyên Bình

  • Từ khóa