Thứ 4, 03/07/2024, 12:53[GMT+7]

Cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh

Thứ 6, 14/03/2014 | 10:18:42
669 lượt xem
Những tháng đầu năm 2014, nền kinh tế vĩ mô đã có những chuyển biến tích cực, ổn định hơn, lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Tuy nhiên, về cơ bản, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Ảnh minh họa.

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu 2014, đã có gần 11.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 63.000 tỷ đồng, tăng 13,1% về số doanh nghiệp và 28,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh, tiếp cận vốn của doanh nghiệp tiếp tục khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng 12,2% so với cùng kỳ. Tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng thấp; tổng dư nợ tín dụng giảm.

 

Cũng theo Tổng cục thống kê, một số tín hiệu tích cực về kinh tế vĩ mô rõ nét. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú, sức mua được cải thiện nhưng về cơ bản vẫn bảo đảm ổn định giá cả, không xảy ra sốt giá… Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục ổn định và có xu hướng giảm, tỷ giá được duy trì ổn định. Tổng thu ngân sách Nhà nước 2 tháng ước đạt 16,6% dự toán, tăng 12,9% so với cùng kỳ 2013...  Tình hình sản xuất, kinh doanh và niềm tin của doanh nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.

 

Trong khi đó, theo Báo cáo khảo sát động thái doanh nghiệp của VCCI mới đây, có 50,7% doanh nghiệp có kế hoạch giữ nguyên quy mô kinh doanh trong năm 2014, 42,5% doanh nghiệp sẽ mở rộng quy mô kinh doanh và 6,7% có thể giảm quy mô kinh doanh, chỉ có 0,1% doanh nghiệp có thể sẽ phải tạm ngừng hoạt động. Điều này cho thấy, quyết định mở rộng quy mô kinh doanh năm 2014 của các doanh nghiệp dựa trên cơ sở “dự cảm” triển vọng tình hình kinh doanh sẽ thuận lợi hơn trong năm 2014.

 

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, một trong những khó khăn lớn đối với họ hiện nay chính là việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Thực tế cho thấy, dù đang có nguồn vốn dồi dào nhưng ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên không thể cho vay bằng mọi giá. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2 tháng đầu năm 2014 có khoảng 1.900 doanh nghiệp giải thể và trên 11.200 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2013 (năm 2013 có 8.600 doanh nghiệp giải thể và dừng hoạt động). Riêng trong tháng 1/2014 có gần 9.000 doanh nghiệp và tháng 2/2014 là hơn 4.100 doanh nghiệp giải thể và tạm dừng hoạt động. Điểm đáng chú ý, trong khi doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động gia tăng thì nguồn vốn ngân hàng lại khá dồi dào. Đi đôi với việc giảm lãi suất huy động trong thời gian ngắn hạn, các ngân hàng cũng đưa ra các chương trình nhằm thu hút doanh nghiệp vay vốn để tăng trưởng mức tín dụng, tuy vậy, nhiều doanh nghiệp cũng vẫn khó tiếp cận nguồn vốn. 

Mặt khác, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, mức chi tiêu của người Việt đều giảm. Tiêu dùng co lại đồng nghĩa với cơ hội kinh doanh sẽ giảm đi rất nhiều và tất yếu, đầu tư bị thu hẹp. Thêm nữa, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tuy giảm nhiều so với mức tăng của cùng thời điểm năm trước (thời điểm năm trước tăng 19,9%) nhưng còn ở mức cao các doanh nghiệp tập trung giải quyết hàng tồn kho nên chưa tập trung vào kinh doanh mới, mở rộng sản xuất. Đây cũng là một nguyên nhân khiến doanh nghiệp “thờ ơ” với các nguồn vốn của các ngân hàng.

 

Trên thực tế, đối với các doanh nghiệp có thực lực tốt, doanh thu và ngành hàng ổn định thì khả năng tiếp cận nguồn vốn hiện nay không khó. Đối với các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn phải tự hoàn thiện và vượt qua những khó khăn về thị trường cũng như nội tại doanh nghiệp để tiếp cận nguồn vốn dồi dào này.

 

Để hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ổn định và có bước phát triển mới, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần tiếp tục nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bao gồm khó khăn từ thủ tục đầu tư, đến triển khai dự án, giải phóng mặt bằng, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa... Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận dòng vốn tín dụng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Nhanh chóng triển khai hiệu quả quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các văn bản về thuế cần thống nhất và phù hợp, không trái với luật và các văn bản khác có liên quan để không ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

 

Tích cực và chú trọng giải quyết vấn đề nợ xấu để tạo điều kiện hạ thấp lãi suất một cách ổn định, đồng thời không làm gia tăng lạm phát. Tăng tín dụng đồng thời với thực hiện phân bổ vốn hợp lý theo hướng ưu tiên cho lĩnh vực kinh doanh hiệu quả, góp phần giảm hàng tồn kho và giải quyết nợ xấu. Tránh hiện tượng cho các doanh nghiệp vay vốn để đầu cơ vào các lĩnh vực kém hiệu quả và nguy cơ đối mặt với nhiều rủi ro. Tuy Công ty quản lý tài sản Việt Nam để xử lý nợ xấu khu vực ngân hàng được thành lập nhưng quy mô và cách thức xử lý nợ xấu chưa rõ ràng, do đó cần cải thiện khuôn khổ pháp lý và bảo đảm đủ nguồn vốn để xử lý.

 

Thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và tiếp tục khai thác tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế. Trong những năm tới, cần xác định đầy đủ thách thức và lợi thế khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) để từ đó tập trung đầu tư phát triển mạnh những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh với thuế suất giảm sâu như: Sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản. Bên cạnh đó, trước thách thức của việc nước ta nhập khẩu tỷ lệ lớn nguyên liệu và máy móc từ các nước, trong đó có Trung Quốc và các đối tác không phải là thành viên TPP để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu thì việc phát triển nhanh những ngành công nghiệp phụ trợ và củng cố hạ tầng để giảm thiểu thách thức đối với Việt Nam là việc làm cấp bách.

 

Việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản và dịch vụ công cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành liên quan và lộ trình hợp lý về thời điểm tăng giá, mức tăng giá… Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường. Theo đó, cần bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ; quản lý, điều hành các mặt hàng thiết yếu, dịch vụ công phù hợp nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và giảm áp lực tăng giá trong các tháng cuối năm. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; nhân rộng mạng lưới các điểm bán hàng bình ổn và tập trung nhiều hơn đến các vùng nông thôn, khu vực đông dân cư, khu công nghiệp...

Theo dangcongsan.vn

 

  • Từ khóa