Chủ nhật, 24/11/2024, 22:57[GMT+7]

Ngân hàng NN & PTNT thái Thụy 10 năm bền bỉ khơi thông nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thứ 6, 08/10/2010 | 15:57:07
1,732 lượt xem
Nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng, hàng chục ngàn hộ nông dân trên địa bàn huyện có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ở Thái Thụy không ngừng “ thay da đổi thịt” từng ngày.

Vùng nuôi hải sản ven biển của Thái Thụy

Thực hiện Quyết định (QĐ) 67/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 10 năm qua, ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) Thái Thụy luôn bền bỉ, nỗ lực huy động vốn để thực hiện tốt chính sách “Tín dụng  phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”.

 

Nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng, hàng chục ngàn hộ nông dân trên địa bàn huyện có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ở Thái Thụy không ngừng “ thay da đổi thịt” từng ngày.

 

Ngay sau khi QĐ 67 ra đời, ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Thái Thụy  đã tập trung mở rộng mạng lưới dịch vụ, đầu tư phương tiện, công nghệ  tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người vay vốn, ưu tiên nông dân những xã vùng sâu, vùng xa, kinh tế khó khăn. Đẩy mạnh các hình thức huy động vốn, nhất là nguồn vốn tại chỗ để đáp ứng nhu cầu vay vốn, đa dạng hoá các hình thức, lĩnh vực cho vay, mở rộng diện đầu tư, gia tăng khối lượng tín dụng.

 

Đặc biệt, ngân hàng đã phối hợp với cấp uỷ, chính quyền, ký hợp đồng trách nhiệm với hội nông dân, phụ nữ các xã, thị trấn xây dựng hệ thống các tổ chức tín dụng ngay tại xã và các tổ vay vốn ngay tại thôn để tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân được vay vốn. Tính đến hết tháng 7/2010, tổng số dư nguồn vốn huy động của ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Thái Thụy  đạt 339,6 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 355,3 tỷ đồng.

 

Trong đó, riêng dư nợ cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn đạt 298,3 tỷ đồng, chiếm 84% tổng dư nợ của ngân hàng. Số hộ gia đình, cá nhân vay vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện còn dư nợ là 10.965 khách hàng, chiếm 94,8% tổng số khách hàng. Tính chung trong 10 năm qua, doanh số cho vay của ngân hàng đối với nông nghiệp, nông thôn đạt 1.858 tỷ đồng, 79.355 lượt khách hàng vay; bình quân mỗi năm cho 7.935 lượt khách hàng vay với số tiền 185 tỷ đồng, suất đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đạt 23,4 triệu đồng/khách hàng.

 

Đồng thời với việc cho vay phát triển kinh tế nông nghiệp, trong thời gian xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngân hàng cũng đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. 4.503 khách hàng đã được vay 123,6 tỷ đồng với số lãi suất được hỗ trợ 2,8 tỷ đồng. Đến thời điểm 31/7, dư nợ hỗ trợ lãi suất còn 6,2 tỷ đồng của 361 khách hàng, trong đó 100% là vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

 

Có thể khẳng định, qua 10 năm phối hợp thực hiện nhiệm vụ đầu tư vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn, các tổ vay vốn của ngân hàng Nông nghiệp & PTNT  Thái Thụy đã ăn sâu, bám rễ vững chắc ở các thôn, làng. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 450 tổ vay vốn ở 47 xã, thị trấn với 13.432 thành viên. Doanh số cho vay qua tổ luỹ kế từ năm 1999 đến nay đạt gần 455 tỷ đồng cho gần 54.200 lượt hộ vay; tổng số hộ còn dư nợ qua tổ là 9.029 hộ với số vốn vay là 89,166 tỷ đồng, bình quân dư nợ của 1 hộ đạt 9,8 triệu đồng.

 

Nguồn vốn vay này chủ yếu đầu tư cho lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng mô hình kinh tế VAC, phát triển kinh tế biển, thương mại dịch vụ, mở mang ngành nghề... Nhiều hộ gia đình còn mạnh dạn đầu tư mua  máy móc phục vụ việc cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, máy cơ khí, xe vận tải nhỏ phục vụ sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống, nhiều hộ trong số đó trở nên khá giả.

 

Anh Phạm Đức Hảo, hội viên nông dân thôn Thu Cúc, xã Thụy Hưng  cho biết: “ Hai vợ chồng phát triển kinh tế VAC từ 1,5 ha vùng chuyển đổi, nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng 30 triệu đồng, cộng thêm nguồn vốn tự có, tôi có điều kiện đầu tư nuôi thường xuyên 1.000 vịt đẻ, 400 gà ngan, cải tạo 2 ao sản xuất cá giống. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình có nguồn thu ổn định từ 60 đến 80 triệu đồng”. 

 

Chị Phạm Thị Phất ( thôn Quang Lang Đoài, xã Thụy Hải) thì phấn khởi khoe: “Năm 2008,  thông qua tín chấp của hội phụ nữ xã, tôi được ngân hàng cho vay 20 triệu đồng, vay mượn thêm anh em về để mở xưởng chế biến hải sản. Ban đầu quy mô  còn nhỏ, sau có chút lãi mở rộng thêm. Nhờ nguồn vốn ban đầu của ngân hàng mà nay mỗi năm gia đình tôi không chỉ có nguồn thu từ 50 đến 60 triệu đồng mà còn tạo công ăn việc làm cho 17 lao động của địa phương với mức thu nhập bình quân 1 triệu đồng/người/tháng”.

 

Sự hiện diện của ngân hàng tại các thôn, làng thông qua tổ vay vốn không chỉ thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển mà còn giúp cho các tổ chức hội ở Thái Thụy hoạt động sôi nổi hơn, nội dung sinh hoạt phong phú hơn, mối quan hệ giữa các thành viên trong tổ vay vốn thêm gắn bó, tình làng nghĩa xóm thêm đoàn kết, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn.

 

Một điều đáng nói hơn là, người nông dân từ chỗ chỉ biết đầu tư sản xuất thuần túy theo thói quen tự cung, tự cấp; nhưng khi được vay vốn ngân hàng đã hăng say tìm hiểu, áp dụng các tiến bộ KHKT, kiến thức sản xuất kinh doanh, biết hạch toán kinh tế, đầu tư đúng hướng, bảo toàn đồng vốn, sản xuất ra hàng hoá nông sản chất lượng, cho hiệu quả kinh tế cao góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 11,6% năm 2006  xuống còn 9,6% năm 2009.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa