Thứ 3, 02/07/2024, 01:23[GMT+7]

Triển khai Chiến lược phát triển ngành Thủy sản Việt Nam đến năm 2020

Thứ 6, 15/10/2010 | 07:46:29
2,421 lượt xem
Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược Phát triển ngành Thủy sản Việt Nam đến năm 2020 (vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 16/9/2010). Theo Chương trình, giai đoạn từ nay đến 2020, kinh phí thực hiện Chiến lược là 57.400 tỷ đồng được huy động từ các nguồn ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp, người dân, vốn ODA, FDI và các nguồn vốn khác.

Ảnh: minh họa

Với nguồn vốn trên, Chương trình sẽ hỗ trợ cụ thể cho các đề án phát triển nuôi cá rô phi đến năm 2020, phát triển quản lý nghề cá cộng đồng, xây dựng lực lượng kiểm ngư đến năm 2020, xây dựng các hợp tác xã và liên minh hợp tác xã nghề cá đến năm 2020,... trong đó đáng chú ý là Chương trình bố trí lại dân cư và xây dựng các làng cá ven biển, hải đảo theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu tại Hội thảo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Tám nhấn mạnh, Chiến lược Phát triển ngành Thủy sản Việt Nam đến năm 2020 có ý nghĩa quan trọng, chiến lược mang tính định hướng và là cơ sở nhằm phát triển thủy sản trở thành một ngành sản xuất hàng hóa, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trong kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, việc triển khai Chiến lược mới là quan trọng. Để chiến lược đi vào cuộc sống và có tính khả thi mang lại hiệu quả kinh tế cao, trước mắt, chúng ta cần phải có những giải pháp và có những bước đi thích hợp.

Theo mục tiêu đến năm 2020, kinh tế thủy sản đóng góp 30-35% GDP trong khối nông - lâm- ngư nghiệp với tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 8-10%/năm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8-9 tỷ USD. Tổng sản lượng thủy sản đạt 6,5 - triệu tấn, trong đó, nuôi trồng chiếm 65-70% tổng sản lượng. Tạo việc làm cho 5 triệu lao động nghề cá có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 3 lần so với hiện nay; trên 40% tổng số lao động nghề cá qua đào tạo.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Chu Tiến Vĩnh cho biết, để đạt được các mục tiêu trên, ngành Thủy sản sẽ tập trung vào tổ chức lại sản xuất như: tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến tiêu thụ ở tất cả các lĩnh vực và đối tượng sản phẩm; trong tâm là khai thác biển, nuôi tôm nước lợ, cá tra, basa...

Bên cạnh đó, ngành còn thu hút mạnh đầu tư từ các doanh nghiệp, phát triển các mô hình tổ chức kinh tế hợp tác, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến và người tiêu; đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến thương mại để củng cố và phát triển các thị trường truyền thống, các thị trường lớn (EU, Nhật, Mỹ) và phát triển mở rộng các thị trường Đông Âu, Trung Đông, Trung Quốc, Hàn Quốc.../.

Theo TTXVN

  • Từ khóa