Thứ 6, 26/04/2024, 20:18[GMT+7]

Tiềm năng phát triển của thị trường bán lẻ

Thứ 3, 16/09/2014 | 14:45:11
808 lượt xem
Kể từ khi Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường phân phối hàng hóa theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cùng với cả nước, thị trường bán lẻ của tỉnh ta ngày càng phát triển sôi động và rộng khắp. Mạng lưới bán lẻ đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng thúc đẩy mở rộng lưu thông phân phối, lưu chuyển hàng hóa trên thị trường nội địa và quá trình tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Các cửa hàng tự chọn ngày càng phát triển đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân.

Thái Bình có khoảng 1,8 triệu dân, là tỉnh đồng bằng ven biển có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có lợi thế về phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, thu hút nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ. Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội trên địa bàn tỉnh có sự tăng trưởng đáng kể: năm 2009 đạt 8.759 tỷ đồng, năm 2012 đạt 16.872 tỷ đồng, năm 2013 tăng lên khoảng 19.033 tỷ đồng. Mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ bình quân đầu người tăng từ 4.897 nghìn đồng năm 2009 lên khoảng 10.642 nghìn đồng năm 2013. Ðiều đó cho thấy cường độ lưu chuyển hàng hóa xã hội của tỉnh đã có bước phát triển đáng kể, sức mua của người dân được cải thiện rõ rệt.

Xét theo thành phần kinh tế thì hiện nay khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng rất cao trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội của tỉnh, dao động từ 92 - 98%. Dịch vụ bán lẻ được sắp xếp rộng khắp từ địa bàn thành phố về tới các vùng nông thôn. Theo thống kê của Sở Công Thương, tới nay tỉnh ta có 9 siêu thị, 2 trung tâm thương mại, 128 cửa hàng tự chọn, tuy nhiên 90% hàng hóa được phân phối đến tay người tiêu dùng thông qua các kênh bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng bán lẻ tư nhân. Mạng lưới chợ là loại hình được phát triển phổ biến trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, trong đó chủ yếu là kinh doanh hàng nông sản, thực phẩm tươi sống phục vụ tiêu dùng hàng ngày của người dân. Toàn tỉnh hiện có 233 chợ gồm 3 chợ hạng I, 40 chợ hạng II và 190 chợ hạng III, trong đó địa bàn thành phố Thái Bình có 12 chợ, còn lại trải đều ở 7 huyện. Hệ thống chợ trên địa bàn nông thôn đang được nâng cấp, cải tạo và đã có 150 chợ đạt tiêu chí nông thôn mới. Hiện tại có 7 chợ do doanh nghiệp đầu tư và quản lý, 38 chợ có ban quản lý, 102 chợ có tổ quản lý và 86 chợ thực hiện theo hình thức khoán. Ngoài hệ thống chợ, các loại hình kinh doanh bán lẻ tự chọn thông qua các cửa hàng kinh doanh độc lập ngày càng tăng về số lượng, quy mô theo hướng chuyên nghiệp. Mô hình chuỗi cửa hàng xuất hiện ngày càng phong phú, đa dạng, điển hình như cửa hàng may mặc của các công ty may, cửa hàng giày dép. 

Nhờ sự phát triển rộng khắp của các loại hình thương mại bán lẻ trên địa bàn tỉnh, các loại hàng hóa tham gia lưu thông trên thị trường bán lẻ trong nước ngày càng đa dạng, phong phú cả về chủng loại và cấp độ sản phẩm. Bên cạnh những hàng hóa được sản xuất trong nước, có thể nhận thấy ngày càng có nhiều loại hàng hóa được nhập khẩu từ nước ngoài để phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân. Ðáng chú ý là thời gian gần đây người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã từng bước có những thay đổi khá mạnh mẽ trong cách thức mua sắm, ngày càng nhiều người tiêu dùng có thói quen mua sắm qua hệ thống bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn... Hàng hóa trong các siêu thị cũng rất đa dạng phong phú, phương tiện bán hàng hiện đại, chất lượng hàng hóa được bảo đảm, tạo sự tin cậy và hấp dẫn khách hàng, góp phần tăng quỹ hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của các tầng lớp nhân dân. Hệ thống cửa hàng tự chọn ngày càng nhiều ở khắp các tuyến phố trên địa bàn thành phố Thái Bình và trung tâm thị trấn các huyện... Nhìn chung cơ sở vật chất của các cửa hàng này tương đối đầy đủ, chất lượng hàng hóa tương đối tốt, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, thị trường bán lẻ trên địa bàn tỉnh trong những năm tới còn phụ thuộc rất lớn vào nhiều yếu tố như sự biến động của nền kinh tế, giá nguyên liệu, vật tư đầu vào, tình trạng gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng kém chất lượng diễn ra ngày càng tinh vi… Theo dự báo, giai đoạn từ năm 2016 - 2020 tốc độ tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội bình quân của tỉnh sẽ tăng khoảng 23,5%/năm. Ðể đáp ứng được điều này, tỉnh sẽ tiếp tục quy hoạch và hình thành mạng lưới bán lẻ hiện đại phù hợp với xu thế tiêu dùng của người dân. Trong đó sẽ đầu tư xây mới, nâng cấp chợ, chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống siêu thị tăng cả về số lượng và quy mô, đồng thời phát triển một số trung tâm thương mại tại thành phố Thái Bình và khu du lịch của tỉnh, bảo đảm mạng lưới bán lẻ phát triển ngày càng bền vững. 

Thu Thủy

  • Từ khóa