Chủ nhật, 11/05/2025, 02:09[GMT+7]

Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục ổn định và tăng trưởng

Thứ 3, 25/11/2014 | 08:25:24
804 lượt xem
Mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng từ đầu năm tới nay nhiều mặt hàng của tỉnh đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng, thị trường xuất khẩu tiếp tục duy trì ổn định và tăng trưởng cao. Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2014 ước đạt 1.069,9 triệu USD, tăng 16,69% so với cùng kỳ năm 2013.

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý đạt trên 7,2 triệu USD.

Điển hình là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may luôn duy trì tỷ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu của tỉnh. Dự kiến hết 11 tháng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực dệt may ước đạt 728,1 triệu USD, chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, tăng 95 triệu USD so với cùng kỳ năm 2013. Một số doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng cao như Công ty TNHH Ivory Việt Nam đạt 78,9 triệu USD, Công ty TNHH TAV đạt 71 triệu USD, Công ty PS Vina đạt 88,6 triệu USD. Hầu hết thị trường sản phẩm dệt may đều ổn định, xuất khẩu chủ yếu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, EU. Dự kiến kết thúc năm nay, lĩnh vực dệt may sẽ vượt kế hoạch với mức tăng trưởng khoảng từ 5 -10%. Hiện tại nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng với lượng hàng sản xuất gia công tới hết quý I, quý II năm 2015.   

Dệt sợi cũng là thế mạnh của tỉnh, có tốc độ tăng trưởng khá ổn định với giá trị xuất khẩu 11 tháng ước đạt 51,2 triệu USD, tăng 7 triệu USD so với cùng kỳ năm 2013. Các công ty điển hình về xuất khẩu như Công ty Cổ phần Dệt sợi Đam San, Công ty  Cổ phần Sợi Trà Lý, Công ty Cổ phần Sợi Đại Cường, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân.

Một số mặt hàng khác cũng đạt doanh thu khá, điển hình như Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng - Chi nhánh Thái Bình chuyên kinh doanh sản xuất dây dẫn điện xe ô tô đạt 85,5 triệu USD; Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli đẩy mạnh sản xuất, giá trị xuất khẩu đạt 5,1 triệu USD. Ngoài ra, các mặt hàng gạch ốp lát, sứ vệ sinh cũng đạt mức xuất khẩu tăng trưởng nhẹ.

Các mặt hàng trong lĩnh vực nông, thủy hải sản tiếp tục có sự chuyển biến, đạt kim ngạch xuất khẩu cao. Nếu trước đây các doanh nghiệp xuất khẩu gạo theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, bước sang năm 2014 tỉnh ta đã có 2 doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp giấy phép xuất khẩu gạo đó là Công ty TNHH Hưng Cúc và Công ty TNHH Thủy Dương. Đến thời điểm này, 2 doanh nghiệp trên đã xuất được 18.750 tấn gạo, ước đạt trên 9 triệu USD. Một mặt hàng khác cũng có tín hiệu vui là hàng nghêu của Công ty TNHH Nghêu Thái Bình. Năm 2013, Công ty này chỉ xuất được 1,7 triệu USD thì tới tháng 11 năm 2014 đã xuất được trên 5 triệu USD, tương đương với 4.600 tấn ngao sang thị trường các nước EU. 

Theo đánh giá của Sở Công Thương, hiện nay tỉnh ta có 150 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp sang các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó chủ yếu là thị trường các nước EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN. Các mặt hàng trong tỉnh ngày càng đa dạng và phong phú với nhiều lĩnh vực như dệt may, thủ công mỹ nghệ, cơ khí, chế biến nông sản thực phẩm. Có được kết quả trên, ngoài những giải pháp, chỉ đạo điều hành của tỉnh, sự vào cuộc, phối hợp tích cực của các ban, ngành thì còn có sự nỗ lực cố gắng rất lớn từ phía các doanh nghiệp. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã họp bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xay xát, chế biến, xuất khẩu gạo. Ngoài ra, Sở Công Thương đã tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại ở thị trường trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Sở cũng đã thống nhất chỉ đạo và thực hiện linh hoạt việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và tích cực cung cấp đầy đủ các văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành về xuất xứ hàng hóa, lập giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, đồng thời hỗ trợ giải đáp những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục xuất khẩu.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu trong tỉnh tăng trưởng theo chiều hướng tích cực, song lại tập trung chủ yếu ở lĩnh vực may gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài nên giá trị gia tăng thấp. Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp may trong nước ước đạt khoảng 318 triệu USD, chiếm tỷ trọng khoảng 43%. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong tỉnh hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực kinh tế tài chính còn hạn hẹp nên khả năng khai thác thị trường xuất khẩu còn hạn chế. Do đó, nhiều mặt hàng vốn là thế mạnh của tỉnh nhưng vẫn chưa xuất khẩu được nhiều, giá trị hàng hóa xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh như các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, tôm, cá, ngao...

Để tiếp tục phấn đấu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng bền vững, trong thời gian tới Sở Công Thương tiếp tục làm tốt công tác thông tin, dự báo, bám sát tình hình thị trường, nắm bắt nhanh các thay đổi về chính sách đối với hàng hóa xuất khẩu, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kịp thời giúp doanh nghiệp xuất khẩu giải quyết sớm các vụ việc phát sinh. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải chuẩn bị tốt hơn nữa cả về lượng và chất các mặt hàng, đồng thời phải đầu tư máy móc, trang thiết bị, nâng cao trình độ quản lý…

 Thu Thủy

  • Từ khóa