Chủ nhật, 24/11/2024, 21:52[GMT+7]

Phong trào trồng cây vụ đông ở an châu

Thứ 6, 19/11/2010 | 07:54:46
2,068 lượt xem
Chúng tôi về An Châu (Đông Hưng) khi cây vụ đông đang trên đà phát triển, khắp các cánh đồng, đâu đâu cũng có người chăm sóc cây vụ đông. Vừa làm họ vừa hồ hởi trò chuyện với chúng tôi như đã thân thuộc từ lâu. Gắn bó với đồng ruộng, ngày nào cũng có mặt ở đồng chăm sóc cây trên đất hai lúa là câu nói của đa số các hộ gieo trồng cây vụ đông ở An Châu.

Nông dân xã An Châu Đông Hưng chăm sóc cây màu vụ đông. Ảnh: Minh Đức

An Châu là xã thuần nông có 3 thôn với 1.563 hộ, thu nhập của người dân từ trước đến nay chủ yếu là cấy lúa và cây vụ đông nên phong trào trồng cây vụ đông ở xã phát triển rất mạnh. Hàng năm cây vụ đông của xã đều chiếm tỷ lệ cao trên đất hai lúa và đạt trong tốp dẫn đầu của huyện, nhất là cây rau màu.

 

Năm 2009 An Châu gieo trồng được 146,3ha, đạt 86,05% kế hoạch, tăng 24,4% so với năm 2008. Vụ đông năm 2010, An Châu phấn đấu gieo trồng 165ha, trong đó thôn Kim Châu 1 chiếm 51ha, Kim Châu 2 chiếm 58ha và An Nạp 56ha. Cho đến thời điểm này An Châu đã gieo trồng được 110 ha, chủ yếu là bắp cải, súp lơ và rau ưa lạnh. Anh Bùi Huy Thông, Chủ nhiệm HTXDVNN cho biết: phong trào trồng cây rau màu ở An Châu phát triển mạnh từ thời kỳ còn bao cấp, thời đó chủ yếu trồng khoai tây và khoai lang.

 

Thực hiện cơ chế thị trường, người dân trong xã chuyển sang trồng ngô, khoai lang và 10 năm trở về đây bắt đầu phát triển trồng những cây có giá trị cao như bí đao, bắp cải, su hào, bí ngô, dưa hấu. Đời sống của ngừơi dân An Châu cũng vì thế mà ngày một lên cao, bởi thế nên giờ đây họ đã quen với câu nói ‘’xây nhà bằng cây vụ đông’’. Thực tế đã có rất nhiều hộ thu nhập đạt vài chục triệu đồng/năm từ cây vụ đông.

 

Theo chân Chủ nhiệm HTXDVNN ra các cánh đồng, chúng tôi thấy dường như đất không kịp thở bởi quỹ đất được xoay vòng cả 4 vụ. Cả cánh đồng râm ran tiếng cười nói, hỏi nhau, người thì nhặt cỏ, người bón phân, người tát nước...tất cả như một bức tranh sinh động diễn tả sự say sưa chăm sóc cây vụ đông của người dân nơi đây.

 

Bác Nguyễn Đình Tam thôn Kim Châu 2 đã 60 tuổi nhưng năm nào cũng trồng cây vụ đông. Năm ngoái xe ô tô về tận đầu bờ để thu mua, tính ra bác được 4 triệu đồng/sào bắp cải. Năm nay chỉ trồng có 4 sào, chủ yếu là su hào, khoai tây, đỗ và bí xanh, dự tính bình quân cũng đạt từ 2-3 triệu đồng/sào. Ra cánh đồng Thự Bạc gặp bác Đào Văn Lợi thôn An Lạc. Bác nói năm nào cũng trồng trên một mẫu rau màu, năm nay nhà bác trồng 1,1 mẫu chủ yếu là rau cải ngọt, bí đao, dưa hấu.

 

Riêng bí đao và dưa hấu bác làm bầu và chuyển ra ruộng trồng trước gặt 15 ngày nên khi gặt xong hai cây trên đã xanh tốt, gặt đến đâu bác vun đến đó. Hiện nay trên thửa ruộng nhà bác dưa hấu đang ra quả nằm la liệt như lợn con, còn bí thì đang ra hoa tạo quả.

 

Nếu cứ thuận lợi như năm ngoái, bác bán với giá bí đầu mùa là 9000đồng/kg, năng suất đạt 700kg -1tấn/sào; 3000đồng/kg dưa, năng suất đạt 1,2-1,5 tấn/sào... thì bác cũng đạt thu nhập ít nhất trên 10 triệu đồng/vụ. Hay nhà bác Đào Văn Diêm thôn An Lạc cũng vui mừng cho biết: ở đây có phong trào mượn ruộng gieo trồng cây vụ đông, năm nào nhà bác cũng mượn ruộng của những người hưu trí, người không đủ sức lao động để trồng.

 

Nhà chỉ có 3 sào cộng với số ruộng đi mượn tổng thể là 1,1 mẫu. Theo bác năm nay bà con lại được mùa lớn, dự tính dưa hấu là thuận lợi nhất, bác tính đơn giản 1 luống dưa thu khoảng 1triệu đồng, 1 sào ít nhất cũng được 3 luống, vì quả rất sai và ngon. Ngoài ra, còn rất nhiều hộ gieo trồng với diện tích trên 1 mẫu cho thu nhập đạt 20 triệu đồng trở lên như hộ anh Nguyễn Văn Miền, chị Nguyễn Thị Huệ thôn Kim  Châu 2...

 

Có được kết quả trên, An Châu đã chủ động xây dựng đề án cho sản xuất vụ mùa gắn với sản xuất vụ đông và giao chỉ tiêu cho các thôn thực hiện từng loại cây trồng. Các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền vận động nhân dân, hội viên mượn ruộng trồng cây vụ đông với phương châm không để quỹ đất trống. HTX cùng với các thôn quy hoạch các vùng sản xuất, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hội viên và đến nay xã đã quy hoạch được 4 vùng sản xuất chính.

 

HTX có trách nhiệm trong việc bảo đảm các khâu dịch vụ như tưới, tiêu, phát động nhân dân tích cực diệt chuột bảo vệ cây trồng và hướng dẫn cho nông dân cách phòng trừ sâu bệnh. Tuyên truyền cho nhân dân cách tiêu thụ sản phẩm, tạo uy tín và sự an toàn cho sản phẩm nên đến nay các tỉnh như Hưng Yên, Hà Tây, Hải Phòng, Hải Dương đều đổ xô về tận nơi lấy, ngoài ra bà con còn có thể tự đi các chợ trong tỉnh để tiêu thụ, vì thế mà không có thời điểm nào  người dân bị ứ hàng.

 

Hiện nay trung bình một hộ dân An Châu trồng 1 sào cây vụ đông, tỷ lệ mượn ruộng chiếm khỏang 30-40% số hộ trồng. Vụ đông này,  xã đang thử nghiệm trồng ớt với 1,1 mẫu của 3hộ để nhân rộng trong vụ sau. Hiện tại hệ thống kênh mương của xã mới cứng hóa được 3.100m/tổng số 5.300m và còn 3/5 trạm bơm là trục ngang xây dựng từ năm 1980 vẫn chưa được nâng cấp thành trục đứng; một số kênh tiêu vùng An Lạc trong kế hoạch nạo vét để tiêu ra sông vẫn chưa thực hiện được. Để tiếp tục duy trì phong trào trồng cây vụ đông nhằm nâng cao thu nhập đời sống cho nhân dân, An Châu rất cần có sự hỗ trợ, động viên của cấp trên để kích cầu người dân hăng hái tham gia sản xuất cây rau màu.                                            

Thu Thủy

  • Từ khóa