Thứ 7, 28/12/2024, 02:19[GMT+7]

Đông Xuân - Công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển

Thứ 3, 30/06/2015 | 09:30:33
970 lượt xem
Đông Xuân là xã có tốc độ phát triển kinh tế nhanh của huyện Đông Hưng, trong đó có đóng góp của lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới.

Cơ sở Vũ Thị Tĩnh ở thôn Ký Con đầu tư hàng trăm triệu đồng mua hệ thống máy móc làm bún.

 

Tận dụng lợi thế có quốc lộ 10 chạy qua, từ năm 2008 Đông Xuân đã quy hoạch khu thương mại, dịch vụ ven quốc lộ, đến cuối năm 2014 đã giao đất và đang đi vào hoạt động. Ngoài ra, xã còn chú trọng duy trì và phát triển nghề truyền thống, mở rộng du nhập nghề mới nhằm phát triển đa dạng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như làm bún, làm đậu, cơ khí, chế biến gỗ, may mặc, chế biến thực phẩm, xây dựng..., thu hút hàng nghìn lao động tham gia. Nổi bật hiện nay là nghề chế biến gỗ có xu hướng phát triển mạnh với 7 cơ sở, tạo việc làm cho gần 50 lao động với thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Điển hình như cơ sở Vũ Cao Nguyên, Vũ Văn Thắng ở thôn Lê Lợi 2 vừa chế biến gỗ vừa kinh doanh sản phẩm, nhận làm các công trình, lợi nhuận mỗi năm đạt hàng trăm triệu đồng. Nghề chế biến lương thực cũng phát triển tương đối mạnh, trong đó nghề làm bún duy trì từ hàng chục năm nay đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề. Trước đây, nghề làm bún thu hút 80% lao động của làng làm nghề, khoảng 8 năm trở lại đây các hộ đã đầu tư máy móc vào sản xuất, nâng công suất lên gấp hơn 10 lần so với làm thủ công nên hiện tại còn 8 cơ sở làm nghề, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, bình quân toàn xã sản xuất khoảng 20 tấn bún/ngày, tiêu thụ ở trong và ngoài huyện. Cơ sở Vũ Thị Tĩnh ở thôn Ký Con bình quân mỗi ngày sản xuất 1,2 tấn bún, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, thu lãi hàng chục triệu đồng/tháng; cơ sở Đặng Thị Thược ở thôn Lê Lợi 2 sản xuất 4 tạ bún/ngày, mỗi tháng thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Nghề làm bún phát triển kéo theo nhiều ngành nghề khác phát triển. Ngoài hàng trăm lao động chuyên lấy bún ở các cơ sở sản xuất mang đi bán ở các chợ, nhà hàng trong và ngoài huyện, các cơ sở xay xát đã mọc lên khá nhanh, mang lại doanh thu cao. Hiện toàn xã có 12 hộ xay xát lớn và hàng chục hộ xay xát nhỏ lẻ, trung bình mỗi hộ xay xát khoảng 3 tấn thóc/ngày. Ngoài các nghề trên, Đông Xuân còn phát triển nghề làm đậu phụ với 5 hộ sản xuất gần 7 tạ đậu/ngày,  nghề nấu rượu, chế biến giò chả, giết mổ lợn đem lại thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/hộ/tháng. Một số nghề khác như may gia công cũng đang có chiều hướng phát triển với 3 cơ sở, thu hút 70 lao động, trong đó cơ sở may Vũ Thị Xuân ở thôn Quang Trung tạo việc làm cho 30 lao động với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Đông Xuân còn có Khu công nghiệp Gia Lễ và Cụm công nghiệp Xuân Quang nằm trên địa bàn đã tạo việc làm cho khoảng 900 lao động với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Cùng với phát triển nghề, Đông Xuân còn có 220 hộ tham gia buôn bán kinh doanh, riêng khu vực chợ Nội thu hút khoảng 120 hộ đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân 5 xã lân cận. Có 9 hộ tham gia dịch vụ vận tải với 9 xe tải chuyên chở vật liệu xây dựng cho các công trình, thu nhập từ 12 - 14 triệu đồng/hộ/tháng. Dịch vụ xây dựng phát triển với 9 tổ, mỗi tổ có khoảng 20 người, chuyên đi xây dựng ở các tỉnh, thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp có trên 10 hộ với 7 máy làm đất đa năng, 8 máy gặt đập liên hợp phục vụ làm mùa cho bà con trong xã và một số tỉnh. Ngoài ra còn một số dịch vụ khác như nhà hàng ăn uống với trên 25 quán ăn, 25 hộ buôn bán kinh doanh quần áo...

 

Giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ của Đông Xuân hiện chiếm 45% cơ cấu kinh tế, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2010 - 2015) của xã đạt 15,4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 2%, tỷ lệ hộ giàu chiếm 40%, 30% là hộ khá; thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/năm.

 

“Những năm qua, địa phương đã tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Chú trọng đào tạo nghề cho người lao động, đã tổ chức 7 lớp dạy  nghề làm tăm hương, 4 lớp dạy nghề may công nghiệp... Động viên, khen thưởng kịp thời các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế, bình quân mỗi thôn có từ 4 - 7 hộ được khen thưởng với tổng kinh phí khen thưởng hàng năm từ 35 - 40 triệu đồng.”

 

(Ông Vũ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã)

Thu Thủy

  • Từ khóa