Thứ 4, 24/07/2024, 14:26[GMT+7]

Vũ Thư - Thái Bình Địa chỉ sản xuất rau an toàn

Thứ 2, 10/01/2011 | 10:28:21
5,472 lượt xem
"Đói ăn rau, đau uống thuốc". Không ai có thể phủ nhận ý nghĩa câu tục ngữ của ông cha đúc kết về giá trị của rau quả vốn là nguồn bổ sung năng lượng và các vitamin vô cùng quan trọng, cần thiết hàng ngày đối với mọi lứa tuổi.

Trên cánh đồng rau Trung An những ngày giáp tết nguyên đán Tân Mão.

Tuy nhiên do chạy theo lợi nhuận hoặc thiếu hiểu biết nên không ít người vẫn đang sử dụng nguồn phân tươi, hóa chất, phân bón và các chất điều tiết sinh trưởng bón tưới tràn lan cho rau.

 

Độc tố tích trữ trong cơ thể là nguyên nhân nảy sinh nhiều thứ bệnh tật. Không chỉ người tiêu thụ mà chính những người điếc không sợ súng trực tiếp sử dụng hóa chất hàng ngày trên đồng ruộng không đúng cách cũng đã bị suy giảm sức khoẻ, bệnh tật phát sinh...Trước nhu cầu thiết yếu của cộng đồng, nhiều địa phương đã bắt đầu quan tâm đến việc sản xuất rau sạch.

 

Thủ đô Hà Nội gần đây phê duyệt đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn giai đoạn 2010-2015 tổng kinh phí hơn bảy nghìn tỷ đồng, phấn đấu đưa tổng diện tích trồng rau an toàn đạt 5000-5500 ha, sản lượng hơn 320 nghìn tấn/năm, đáp ứng 35% nhu cầu tiêu dùng. Đi tìm lời giải 65% còn lại, Viện rau quả Trung ương và một số đối tác đã vềVũ Thư là huyện có điều kiện tự nhiên thuận lợi thực hiện các đề tài nghiên cứu, khảo nghiệm, ký hợp đồng chuyển giao quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

 

Với truyền thống sản xuất vụ đông và rau màu đứng tốp đầu toàn tỉnh, thời gian gần đây, nhiều xã trong huyện đặc biệt quan tâm đưa các giống rau chất lượng cao vào trồng, hình thành các vùng chuyên canh tại Trung An, Song An, Hồng Lý, Hồng Phong, Tân Phong... đưa tổng diện tích trồng rau toàn huyện đạt 400-500 ha /năm.

 

Những tín hiệu khả quan

 

Cán bộ Viện rau quả Hà Nội đã tìm về cánh đồng trồng dâu Hồng Xuân (xã Hồng Lý) nghiên cứu mẫu đất, nước. Viện đã triển khai nhiều lớp chuyển giao kỹ thuật trồng rau an toàn để người dân hiểu và làm theo quy trình sản xuất. Đồng chí chủ nhiệm HTX Hồng Xuân cho biết: Viện giúp người dân thực hành mô hình.

 

Thường xuyên, 1-2 cán bộ của Viện về chỉ đạo kỹ thuật tại 35 ha rau xen với cây dâu. (Ngoài ra đề tài của sở KHCN môi trường là 3 ha). 350 hộ tham gia được hỗ trợ toàn bộ lượng phân bón và hạt giống rau trị giá 70 triệu đồng. Viện hướng dẫn bà con sử dụng thuốc sinh học của Nhật để phun 2 bệnh thường gặp là sâu xanh và dệp.

 

Đây là loại thuốc phun sau 4 tiếng có thể ăn rau, lá dâu cho tằm không gây độc hại. Năng suất, hiệu quả trồng rau sạch khá cao, đạt khoảng 70-100 triệu đồng/ha. Ngoài ra, Công ty XNK Nông sản Hải Dương cũng mang giống cây bắp cải về Hồng Lý trồng thu mua sản phẩm. Viện rau quả đã hứa giới thiệu để các siêu thị ở Hà Nội về mua  khối lượng lớn, ổn định nhưng điều kiện nhất thiết phải có thương hiệu để rau an toàn Hồng Lý không ''lẫn'' với các rau khác.

 

Hiện nay, Trung tâm khảo nghiệm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh đang triển khai dự án sản xuất rau an toàn theo mô hình trang trại tại trang trại Vân Tiến (xã Vũ Vân) với mục đích tìm hướng đi mới cho sản xuất, tiêu thụ rau sạch, đem lại lợi ích đôi bên cả người tiêu dùng và nhà sản xuất. 15 ha đất bãi nổi sông Hồng được bố trí trồng nhiều loại rau ăn lá, ăn quả, củ và rau gia vị, theo đúng quy trình sản xuất của Bộ NN & PTNT ban hành.

 

Đặc biệt trong mô hình này được sử dụng loại phân vi sinh Azotobacter có bổ sung chủng vi khuẩn cố định đạm, tăng khả năng kháng sâu bệnh, cỏ dại, tăng chất lượng sản phẩm. Hạch toán trừ chi phí lãi 150 triệu đồng/ha/năm, tăng 50% so với sản xuất bình thường. Mô hình sản xuất rau an toàn theo quy mô trang trại gắn với tiêu thụ sản phẩm thành công mở ra hướng đi mới cho những trang trại tập trung và cơ hội làm giàu từ cây rau.

 

Nhiều người khó tin 1 ha trồng xà lách có thể cho thu nhập tới 200 triệu đồng/ha/năm. Sự thật đúng như vậy: Tại cánh đồng thôn An Lộc  (xã Trung An) được quy hoạch có diện tích 35 ha chuyên canh rau, năm nay, nhiều hộ thu trên dưới 20 triệu đồng/sào/năm. Bà Nguyễn Thị Gái cho chúng tôi biết: Gia đình bà trồng 2 sào xà lách. Ba lứa rau gần đây, bán tại ruộng đạt 12 triệu đồng/sào, tính ra 45 ngày/1 lứa. Cây rau xà lách dễ trồng, thích nghi với chất đất cát pha.

 

Để bảo đảm chất lượng, người dân tuân thủ quy trình chăm bón do các tổ thu mua rau thỏa thuận. cam kết chỉ dùng phân hoai mục, phân tổng hợp, phân đa yếu tố bón lót chìm sâu, tưới nước sạch hàng ngày. Tuyệt đối không bón nhiều đạm, không bón kích thích rau xanh non, chứa nhiều nước dễ ủng, dập nát không vận chuyển đi xa được.

 

Theo anh Phùng Văn Sở tổ trưởng tổ dịch vụ tiêu thụ rau cho bà con: Hiện tại chưa đủ rau để cung cấp cho nhiều tỉnh miền Trung vốn có nhu cầu rất lớn. Mỗi năm các anh tiêu thụ 3000 - 4000 tấn rau các loại, chưa kể xã viên tự bán cho các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội...

 

Vấn đề cần quan tâm

 

Những mô hình trên cần được tiếp tục nhân rộng. Hơn bao giờ hết, người trồng rau cần nâng cao nhận thức và nắm bắt, tuân thủ quy trình sản xuất rau an toàn vì sức khỏe của cộng đồng và chính bản thân họ. Cùng với việc hỗ trợ kỹ thuật là vấn đề tiêu thụ sản phẩm.

 

Để giúp người tiêu dùng nhận biết rau sạch, tỉnh, huyện có cơ chế hỗ trợ địa phương xây dựng thương hiệu cho cây rau để các siêu thị, những nhà phân phối lưu thông và người tiêu dùng có cơ sở phân biệt với các loại rau giá rẻ bán tràn lan trên thị trường.

 

Mặt khác, cần đảy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho chính những người tiêu dùng có ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu thụ các sản phẩm rau quả sạch, chất lượng bảo đảm. Đây cũng là yếu tố kích thích sản xuất phát triển.

 

Bài, ảnh: Bảo Linh

  • Từ khóa