Thứ 7, 27/07/2024, 02:18[GMT+7]

Triển vọng từ xuất khẩu

Thứ 2, 04/01/2016 | 09:06:18
1,280 lượt xem
Vượt qua những khó khăn của tình hình thị trường trong và ngoài nước, năm 2015, giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt gần 1.300 triệu USD, vượt kế hoạch đề ra, tăng trưởng hơn 9,3% so với năm 2014. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên, tìm kiếm thị trường, duy trì đà tăng trưởng. Năm 2016 tiếp tục hứa hẹn sự ổn định về thị trường, tăng trưởng về sản lượng ở những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý đầu tư xây dựng nhà máy sợi 3, công suất 26.400 cọc sợi, dự kiến đi vào hoạt động trong quý II/2016.

Ông Vũ Ngọc Khiếu, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Năm 2015, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh vẫn tiếp tục duy trì và tăng trưởng khá, nổi bật nhất là mặt hàng gạo. Có thể nói, trong năm qua, xuất khẩu gạo của tỉnh tăng cao nhất từ trước tới nay, tăng 2,93 lần về lượng và 2,63 lần về giá trị so với năm 2014. Đã có 3 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trong đó Công ty TNHH Hưng Cúc xuất khẩu 38.800 tấn, tương đương 16,8 triệu USD; Công ty TNHH Thủy Dương xuất khẩu 7.100 tấn gạo, 8.360 tấn thóc, tương đương 5,3 triệu USD; Công ty TNHH Liên Hạnh mới nhận được giấy phép đủ điều kiện kinh doanh từ tháng 8/2015 nên ngoài mức tiêu thụ nội địa đạt khoảng 22.000 tấn thì Công ty đang chuẩn bị xuất khẩu gạo sang Trung Quốc và Malaysia. Dự tính, năm 2016, Công ty TNHH Liên Hạnh đi vào xuất khẩu sẽ góp phần đưa sản lượng xuất khẩu gạo của tỉnh đạt khoảng 62.000 - 65.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 28 triệu USD. Ông Trần Hữu Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Liên Hạnh cho biết: Xuất phát từ truyền thống hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông sản và vấn đề an ninh lương thực nên Công ty đã tập trung vào đầu tư nhằm mục đích tạo ra hàng hóa xuất khẩu, tạo việc làm cho bà con nông dân và đóng góp một phần không nhỏ vào lợi ích của xã hội. Năm 2013, Công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lương thực ở Cụm công nghiệp thị trấn Vũ Thư với tổng số vốn 120 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào thiết bị máy móc theo mô hình khép kín hơn 20 tỷ đồng, công suất 15 tấn/giờ, sản phẩm đa dạng, phong phú, bảo đảm mục tiêu xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu thị trường nước ngoài.

Cùng với gạo, mặt hàng dệt may tiếp tục chiếm tỷ trọng cao, khoảng 70%, giá trị xuất khẩu toàn ngành Công nghiệp, trong đó thị trường chính vẫn là Mỹ, Canada, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản... Dự tính, ngành dệt may tiếp tục tăng trưởng từ 5 - 10%/năm. Đến Công ty Sản xuất hàng thể thao Maxport, chúng tôi được biết, tất cả các nhà máy đều xây dựng với công nghệ cao, khép kín cùng hệ thống quản lý tiên tiến, thiết bị hiện đại. 100% sản phẩm của Maxport được cung cấp cho những hãng may mặc hàng đầu thế giới như Nike, Lululemon, The North Face, Marmot... Ở Thái Bình, Maxport đã có hai nhà máy đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Dự tính trong tháng 1/2016, Nhà máy Maxport 9 sẽ đi vào hoạt động ở huyện Vũ Thư với 48 chuyền may, tạo việc làm cho 5.000 lao động.

Dây chuyền xay xát gạo của Công ty Hưng Cúc. Ảnh: Minh Đức

Đối với ngành dệt sợi cũng có dấu hiệu tăng trưởng khá rõ nét với giá trị xuất khẩu các mặt hàng vải, dệt khăn, sợi các loại ước đạt gần 20 triệu USD sang thị trường Nhật Bản, Singapore và các nước châu Âu, châu Mỹ. Một số công ty lớn đã chủ động đầu tư mở rộng quy mô nhà xưởng, cải tiến trang thiết bị máy móc nhằm nâng cao năng suất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, hướng tới xuất khẩu sang thị trường các nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Điển hình như Công ty Cổ phần Dệt sợi Damsan có năng lực sản xuất 15.000 tấn sợi/năm và 5.000 tấn khăn/năm ở 2 nhà máy nhưng bước vào năm 2016 Công ty sẽ tiếp tục đưa thêm một nhà máy dệt sợi có hệ thống thiết bị hiện đại nhất vào hoạt động với quy mô 8 vạn cọc sợi. Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại quốc tế Minh Long, ngoài năng lực sản xuất hiện có còn đang đầu tư xây dựng tiếp nhà máy quy mô 3,2 vạn cọc sợi tại phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình), dự kiến quý I/2016 sẽ đi vào hoạt động. Với sự gia tăng đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp, thời gian tới, các mặt hàng dệt sợi tiếp tục có dấu hiệu khả quan với mức tăng trưởng được dự báo từ 10 - 15%.

Theo ông Vũ Ngọc Khiếu, các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh trong thời gian tới sẽ có cơ hội rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ là cú hích cho các doanh nghiệp phát triển. Khi hội nhập, các doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế bởi mục tiêu lớn nhất của TPP là giảm thuế quan và xóa bỏ các rào cản thương mại, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường 11 nước thành viên, trong đó có các thị trường lớn, sức mua cao và ổn định như Mỹ, Nhật Bản, Canada... Tuy nhiên, thách thức không nhỏ đặt ra cho các doanh nghiệp dệt may đó chính là những yêu cầu khắt khe về nguyên vật liệu từ chỗ thường nhập của Trung Quốc thì phải chuyển đổi nguồn cung từ các nước TPP hoặc xây dựng các nhà máy nguyên liệu trong nước. Hay đối với mặt hàng nông sản, cụ thể là gạo, yêu cầu nguồn giống cần phải có xuất xứ rõ ràng, đăng ký bảo hộ tên, nhãn mác sản phẩm xuất khẩu ở thị trường nhập khẩu... Vì vậy, các doanh nghiệp phải biết phát huy thế mạnh, biến thách thức thành cơ hội để không bị nhấn chìm trong cuộc chơi hội nhập, có như vậy kim ngạch xuất khẩu của tỉnh mới tăng trưởng bền vững.

Thu Thủy

  • Từ khóa