Thứ 4, 24/07/2024, 12:27[GMT+7]

Thành công từ một đề tài

Thứ 6, 11/03/2011 | 08:15:13
4,149 lượt xem
Công ty TNHH Da giầy Thành Phát, xã Vũ Lạc (Thành phố) tiền thân là Công ty giầy 27/ 7 được thành lập năm 2002 tại phường Trần Lãm, hoạt động sản xuất, kinh doanh giầy da, dép da, găng tay da. Doanh thu năm 2010 đạt trên 12 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho trên 120 lao động tại địa phương với thu nhập 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Dây chuyền sản xuất giầy da của công ty. Ảnh: Ngọc Trâm

Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh doanh, đưa vào ứng dụng công nghệ mới, tiến bộ về khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng và tăng tính cạnh tranh trên thị trường về chất lượng, đặc biệt là giá thành sản phẩm.

 

Năm 2010, Công ty Da giầy Thành Phát đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát và quyết định đầu tư thực hiện đề tài: “ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đổi mới công nghệ sản xuất đế giầy từ cao su và nhựa phế thải” nhằm tận dụng các nguyên liệu sẵn có ở thị trường trong tỉnh như:  lốp cao su các loại, ống nước, vỏ dây điện, các hoá chất...

 

Nếu như trước khi thực hiện đề tài, Công ty phải mua nguyên liệu sản xuất đế mang sang Trung Quốc bán, sau đó mua lại đế sản xuất tại Trung Quốc. Vì vậy, giá thành sản phẩm tăng cao, đồng thời Công ty không chủ động về bán thành phẩm đầu vào, ảnh hướng đến kế hoạch sản xuất.

 

Trên cơ sở những kinh nghiệm đã đúc kết được trong quá trình trực tiếp sản xuất, kết hợp với việc tham khảo các cơ sở khác, Công ty đã nghiên cứu thành công và làm chủ quy trình vận hành, sản xuất đế cao su trên dây chuyền công nghệ tự động hoá với các công đoạn: cao su được đưa vào cùng các phụ gia như: bột nhẹ, phẩm màu... theo tỷ lệ quy định. Máy luyện thực hiện quá trình nhào luyện hỗn hợp này thành thể dẻo, bảo đảm sự tương tác giữa các thành phần về cơ và hoá học. Sau khi luyện, nguyên liệu được đưa vào cán, quá trình nhào luyện được tiếp tục thực hiện trên máy cán nhằm tăng thêm sự đồng đều của sản phẩm, các tấm cao su được cán có chiều dày theo quy định, tuỳ theo từng loại đế; sau đó được cắt thành từng miếng theo kích cỡ và ép thành đế, sửa ba via, cuối cùng là công đoạn hoàn chỉnh nhập kho.

 

Cùng với đó, Công ty cũng đã làm chủ được công nghệ sản xuất đế nhựa với các công đoạn: băm nhỏ nguyên liệu theo kích cỡ, phơi khô, tạo hạt theo kích cỡ, sấy khô- trộn phụ gia, luyện- đùn thành đế.

 

Việc sản xuất thành công đế giầy từ cao su và nhựa phế thải đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho doanh nghiệp. Với trên 6.000 đôi đế cao su, đế nhựa tiêu thụ trong một năm, sau khi làm chủ công nghệ, mỗi năm doanh nghiệp tiết kiệm được gần 2 tỷ đồng do không phải nhập mua từ Trung Quốc, giải quyết việc làm cho trên 120 lao động với thu nhập ổn định 1,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Đây cũng là lần đầu tiên công nghệ sản xuất đế giầy từ cao su và nhựa phế thải được ứng dụng thành công trên địa bàn tỉnh. Có thể khẳng định công trình đã mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế và xã hội, bởi từ đây doanh nghiệp đã làm chủ được công nghệ, chủ động trong sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, tạo điều kiện để Công ty mở rộng sản xuất, tăng sản lượng và chủng loại mặt hàng.

 

Với việc sử dụng các nguyên liệu là phế liệu sẵn có trong tỉnh để sản xuất đế đã góp phần làm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các loại nhựa phế thải, tạo việc làm cho lao động trong khâu thu mua phế thải; đồng thời đây cũng là cơ hội để bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ cao, khả năng tiếp cận KHCN hiện đại cũng như đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề cho công ty.

 

Đức Dũng

 

  • Từ khóa