Thứ 4, 31/07/2024, 09:26[GMT+7]

Thị trường hòe bấp bênh

Thứ 2, 29/08/2016 | 08:47:08
7,949 lượt xem
Hai năm trở lại đây, giá hòe có lúc lên đến 180.000 đồng/kg nhưng lúc xuống chỉ còn 50.000 đồng/kg. Sự bất ổn đã gây không ít khó khăn cho người nông dân, tiểu thương và cả doanh nghiệp xuất khẩu hòe.

Nông dân chờ thương lái

Hòe là cây dược liệu, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với cấy lúa, vì vậy việc lấp ao hay chuyển đổi vùng cấy lúa kém hiệu quả để trồng hòe là việc làm thường thấy của nhiều nông dân xã Thụy Sơn (Thái Thụy). Tuy vậy, giá hòe lên xuống thất thường, đầu ra sản phẩm chưa ổn định đã làm nhiều người bất an. Qua nhiều lần chuyển đổi, đến nay gia đình ông Nguyễn Quang Phục ở thôn Nhạo Sơn, xã Thụy Sơn có gần 500 gốc hòe trên diện tích trồng hơn 1 mẫu. Bình quân mỗi vụ hòe ông Phục thu hoạch được khoảng 1,5 tạ hoa hòe khô. Nếu hòe bán được với giá 180.000 đồng/kg như hai năm về trước thì mỗi vụ gia đình ông thu được khoảng 27 triệu đồng, hiệu quả kinh tế gấp 3 - 5 lần so với cấy lúa. Tuy nhiên, từ năm ngoái, giá hòe giảm còn 120.000 đồng/kg, sau đó xuống 70.000 đồng/kg, hiện nay khoảng 50.000 đồng/kg. Ông Phục chia sẻ: Từ đầu vụ hòe năm nay còn không có thương lái tới thu mua. Tôi đã thu được khoảng 50kg hòe khô rồi nhưng chưa thấy ai tới hỏi mua nên vẫn phải để đó.

Tình trạng khi cần bán thì không có người mua, khi có người mua lại không muốn bán dường như đã trở thành một vòng luẩn quẩn của thị trường hòe.

Không riêng gia đình ông Phục mà nhiều hộ dân cũng lo lắng vì bước vào vụ hòe chính đã khá lâu mà vẫn chưa thấy thương lái đi thu mua như mọi năm. Hòe xuống giá khiến nhiều người không còn thiết tha, thậm chí hòe nở rộ nhưng cũng không buồn hái. Gần ruộng nhà ông Phục cũng có 27 gốc hòe của bà Phạm Thị Thu. Mặc dù hòe đã ra rộ nhưng bà cũng không thu hoạch. Bà tâm sự: Như mọi năm hòe được giá mỗi vụ tôi cũng được 3 triệu đồng. Nhưng hòe năm nay rẻ quá, có thu hoạch cũng không được mấy, lại mất công mất buổi.

Thương lái cũng lao đao

Ngôi nhà ba tầng khang trang, là thành quả từ hàng chục năm buôn bán hòe của gia đình bà Nở ở thôn 2, xã Thụy Lương (Thái Thụy). Nhưng giờ đây, ngôi nhà đó không chỉ là nơi chứa hơn 4 tấn hòe mà còn chất đầy những lo âu về việc hòe xuống giá. Thời điểm mua vào, tính trung bình bà Nở bỏ ra số tiền 120.000 đồng/kg, tới nay giá hòe cũ chỉ bán được 50.000 đồng/kg, giảm hơn một nửa. Bà Nở cho biết: Giá cả thị trường biến động là điều không thể tránh khỏi nhưng chỉ trong vòng hai năm giá hòe lúc lên 180.000 đồng/kg, lúc tụt dốc không phanh còn 50.000 đồng/kg. Hòe giảm giá, bán đi thì lỗ, càng để càng thấy giá hòe giảm sâu, bao nhiêu vốn liếng trong nhà, đi vay bạn bè, người thân giờ nằm tất trong số hòe đó, có muốn buôn bán lại như cũ cũng rất khó.

Giá hòe năm nay rẻ quá, có thu hoạch cũng không được mấy.

Chấp nhận bán hòe, chịu lỗ một nửa để lấy vốn xoay vòng, bà Nhụ ở xã Thụy Lương cũng chỉ dám mua cầm chừng, mua tới đâu bán tới đó chứ không còn cất trữ như nhiều năm về trước. Bà chia sẻ: Tầm giờ năm ngoái, mỗi ngày tôi mua hàng tấn hòe bán cho Công ty Cổ phần Nông thủy sản Ðạt Doan. Nhưng năm vừa rồi giá hòe tụt dốc, lỗ tới một nửa, vốn liếng tích trữ hàng chục năm nay bay biến hết. Giờ mỗi ngày tôi chỉ thu mua trên dưới một tạ, mua tới đâu bán hết tới đó để lấy vốn xoay vòng. Bà Nở và bà Nhụ chỉ là hai trong số rất nhiều thương lái "ăn không ngon, ngủ không yên" do giá hòe tụt dốc không phanh. Tính riêng trên địa bàn thôn 2 xã Thụy Lương, lượng hòe từ vụ trước còn tồn lại do các thương lái cất trữ còn khoảng 30 tấn. Một số đã chấp nhận chịu lỗ đang bán dần nhưng số khác vẫn cất trữ chờ hòe giá lên.

Thị trường phụ thuộc

Là một trong những doanh nghiệp thu mua hòe lớn nhất tỉnh. Mỗi năm, Công ty Cổ phần Nông thủy sản Ðạt Doan thu mua hơn 5.000 tấn hòe để xuất khẩu thô và chiết xuất Rutin thô, chiếm một nửa số lượng giao dịch trên địa bàn tỉnh. Trao đổi với chúng tôi về việc giá hòe lên xuống thất thường, ông Khúc Ngọc Ðạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết: Hiện tại, các sản phẩm như hòe thô hay Rutin thô đã qua chiết xuất đều xuất sang Trung Quốc. Thị trường phụ thuộc 100% vào họ, giá cả do họ đề ra, lúc lên cao, lúc xuống thấp. Công ty cũng nhiều lần trao đổi, đề nghị phía đối tác Trung Quốc ổn định giá cả nhưng không thành. Trước tình hình này, chúng tôi đang tìm những thị trường mới như Nhật Bản, Ấn Ðộ để tiêu thụ hòe cho bà con nông dân, không phải phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có những khó khăn nhất định. Với thị trường Nhật Bản, họ yêu cầu cao về mặt chất lượng. Nếu muốn xuất sang đó, Công ty cần mua công nghệ chiết xuất mới với giá 1 triệu USD để sản xuất Rutin 99 (một loại Rutin tinh khiết). Hiện Công ty chưa đủ số vốn để đầu tư công nghệ nên mặc dù mong muốn có thị trường ổn định về mặt giá cả, chủ động hơn trong kinh doanh và cũng để giúp đỡ bà con nông dân không bị chèn ép giá nhưng cũng rất khó cho chúng tôi khi vốn đầu tư là một vấn đề lớn. Hiện tại, Công ty vẫn tiếp tục xuất khẩu hòe thô sang thị trường Trung Quốc với giá 50.000 đồng/kg, Rutin thô với giá 330.000 đồng/kg.

Vườn hòe nhà ông Nguyễn Quang Phục ở thôn Nhạo Sơn, xã Thụy Sơn (Thái Thụy) trên diện tích chuyển đổi.

Người bán - người mua tự làm khó nhau

Bão số 1 đi qua gây thiệt hại lớn về cơ sở vật chất và hoa màu, trong đó có cây hòe. Sau bão, giá hòe đã lên 65.000 đồng/kg, nhiều thương lái cũng rục rịch đi thu mua hòe. Thế nhưng, một số nông dân lại tin rằng với đà này, khi hòe cái bị rụng nhiều trong đợt bão, sắp tới sẽ không còn nhiều hòe để bán, do vậy hòe sẽ lại tiếp tục lên giá. Với suy nghĩ đó, nhiều người đã giữ hòe lại không bán cho thương lái nữa. Bà Nguyễn Thị Hin (người thu mua hòe tại xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy) cho biết: Trước bão số 1 cũng nhiều người gọi điện đến mua hòe cho họ, nhưng giá hòe rẻ. Sau bão, giá hòe tăng lên, tôi hỏi mua thì họ lại để dành không bán, chờ giá hòe tăng cao hơn nữa mới bán. Tình trạng khi cần bán thì không có người mua, khi có người mua lại không muốn bán dường như đã trở thành một vòng luẩn quẩn của thị trường hòe. Như vậy, không chỉ bị thị trường Trung Quốc gây khó, người nông dân và thương lái cũng đang tự làm khó nhau.

Thị trường hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc, phía doanh nghiệp muốn chuyển sang thị trường khác để ổn định giá nhưng lại vướng mắc về mặt công nghệ, về vốn đầu tư; nông dân, tiểu thương lại tự làm khó nhau đã khiến cho thị trường hòe trở nên bất ổn. Ổn định thị trường hòe đang là bài toán khó mà cả người trồng hòe cũng như người buôn bán hòe đều không thể tự giải quyết.

Nguyễn Thị Lương
(Sinh viên thực tập)

 

  • Từ khóa