Thứ 2, 22/07/2024, 22:11[GMT+7]

Song An duy trì phong trào sinh vật cảnh

Thứ 3, 30/08/2016 | 09:06:10
502 lượt xem
Mấy năm gần đây, thị trường sinh vật cảnh trầm lắng. Tuy nhiên, ở xã Song An (Vũ Thư), nhiều hội viên sinh vật cảnh, đa phần là người cao tuổi, có kinh nghiệm và tay nghề cao vẫn sản xuất được những tác phẩm sinh vật cảnh có giá trị lớn về thẩm mỹ, tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững, thu nhập cao nên phong trào vẫn duy trì tốt.

Vườn sinh vật cảnh của gia đình ông Hà Xuân Lộc ở thôn Kiều Thần, xã Song An.

Hội Sinh vật cảnh xã Song An có 26 hội viên, sinh hoạt tại 3 chi hội Kiều Thần, Quý Sơn và Tân Minh. Cả 3 chi hội đều duy trì nền nếp hoạt động, đặc biệt là việc trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau về vốn, giống, cách thức sản xuất, uốn tỉa tạo dáng, làm đẹp cho các tác phẩm và tiêu thụ sản phẩm. Đây chính là ý thức cùng nhau xóa nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.

Năm 2015, hội viên sinh vật cảnh xã Song An đã làm thêm được gần 500 chậu bể cảnh. Điển hình là ông Thắng 70 chậu, ông Lộc 40 chậu, ông Vỹ 50 chậu. Trong năm nay, một số hội viên đã làm mới được 6 hòn non bộ. Ngoài số cây đã đưa lên chậu, nhiều gia đình còn có hàng nghìn cây phôi, cây đã sửa tỉa khá hoàn chỉnh, chuẩn bị đưa lên chậu hoặc bể cảnh. Riêng ông Vỹ hiện có hàng trăm tác phẩm trên các khu vườn. Một số hội viên đã tiêu thụ tốt sản phẩm do mình làm ra, thu nhập cao từ sản xuất, kinh doanh cây cảnh như ông Nguyễn Văn Vỹ, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã, vừa qua ông Vỹ đã xuất đi tỉnh ngoài 70 cây, thu hơn 200 triệu đồng, đồng thời bán tại địa phương 4 cây được gần 50 triệu đồng.

Những bể cây cảnh của gia đình ông Nguyễn Văn Vỹ.

Đến thăm vườn sinh vật cảnh của ông Vỹ, mọi người được nghe kể cách làm kinh tế sinh vật cảnh của ông. Không như những người làm kinh tế sinh vật cảnh khác, ông Vỹ chỉ chọn mua những cây có giá bán không cao lắm. Với bàn tay tài hoa và con mắt của một nông dân giàu kiến thức, ông nhận biết những cây có thể tạo dáng, dựng thế được. Bỏ công làm lãi, ngày ông ngày miệt mài trong khu vườn cây giống, cắt tỉa từng chiếc chồi, uốn nắn từng cành cây. Sau vườn sinh vật cảnh thứ nhất với hàng trăm cây trên đất cùng hàng chục cây đã được đưa lên chậu, lên bể cảnh, ông Vỹ tiếp tục dựng vườn sinh vật cảnh thứ hai. Từ những gò đất đầy sành sỏi, qua bàn tay ông và các thành viên trong gia đình, vườn cây cảnh cứ đẹp dần lên. Gặp dịp có thể xuất bán để thu hồi vốn và mở tiếp các khu vườn khác, ông Vỹ chớp thời cơ xuất cây cho những người muốn mua. Từ đó, kinh tế gia đình ông khá lên trông thấy. Nhiều người đã đến nhờ ông giúp làm kinh tế sinh vật cảnh. Không những không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, ông Vỹ còn cho họ mua chịu các chậu cây trong vườn sinh vật cảnh nhà mình hoặc mua giúp họ những cây có thể tạo thế tốt. Ông Vỹ cho biết: Ở một số nơi, nhiều người thấy làm kinh tế sinh vật cảnh không được như trước nữa nên chững lại. Nhưng ở Song An, nhiều người vẫn "sống khỏe" nhờ sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh bởi tất cả 26 hội viên của Hội Sinh vật cảnh xã đều đoàn kết, gắn bó, động viên, giúp đỡ nhau trong việc nâng cao kỹ thuật, mỹ thuật làm cây cảnh. Trong năm 2016, Hội đề ra mục tiêu mỗi hội viên phải có ít nhất một tác phẩm mới, qua đó tiếp tục duy trì phong trào, nâng cao thu nhập từ sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh.

Cao Bá Khoát
(Tự Tân, Vũ Thư)

  • Từ khóa