Chủ nhật, 11/08/2024, 18:08[GMT+7]

Công ty Cổ phần điện Ðông La: Nhiều sai phạm trong bán điện

Thứ 5, 08/09/2016 | 09:15:54
895 lượt xem
Gần đây, nhân dân xã Ðông La (Ðông Hưng) bức xúc, nghi vấn về Công ty Cổ phần điện Ðông La nhiều năm qua đã gian lận trong việc áp giá điện; thu tiền lắp đồng hồ điện 1 pha, 3 pha cho các hộ trái quy định. Người dân đã gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng.

Trạm biến áp do Công ty Cổ phần điện Đông La quản lý.

 

Để làm rõ những nội dung nêu trong đơn, ngày 15/8 phóng viên Báo Thái Bình đã trực tiếp làm việc với các hộ dân xã Đông La, ghi nhận và làm rõ có hay không việc làm sai trái của Công ty Cổ phần điện Đông La. Ông Phan Văn Hưng, thôn Thuần Túy là một trong những hộ chăn nuôi bức xúc: Những năm qua, Công ty Cổ phần điện Đông La đã áp dụng giá bán điện sản xuất, kinh doanh sai quy định của nhà nước đối với nhiều khách hàng, trong đó có gia đình tôi. Gia đình tôi chủ yếu sử dụng điện sinh hoạt và một phần cho chăn nuôi gia trại, nhưng lại bị áp giá điện sản xuất 70% và điện kinh doanh 30%. Biết là vô lý nhưng nếu hàng tháng không nộp đủ tiền điện thì sẽ bị công ty cắt điện, gây ảnh hưởng đến việc chăn nuôi, sinh hoạt của gia đình. Hay như gia đình ông Bùi Phó Tiền, thôn Đồng Châu chỉ đăng ký mục đích sử dụng điện là sản xuất xay xát gạo lại bị áp giá điện sản xuất cùng kinh doanh. Ông Tiền cho biết: Hơn 10 năm qua gia đình chỉ phục vụ xay xát thóc cho bà con trong thôn, không có việc buôn bán thóc gạo nhưng Công ty Cổ phần điện Đông La đã “lập lờ” thu khống 30% tiền điện kinh doanh của gia đình ông.

 

Theo Quyết định số 2256/QĐ-BCT ngày 12/3/2015 của Bộ Công Thương quy định về giá bán điện thì giá bán lẻ điện bình quân là 1.622,01 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT). Biểu giá điện được chia ra 8 nhóm đối tượng, trong đó giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất chia theo cấp điện áp. Giá bán lẻ cao nhất với cấp điện áp dưới 6kV, vào giờ cao điểm là 2.735 đồng/kWh, giờ bình thường là 1.518 đồng/kWh và thấp điểm là 983 đồng/kWh. Đặc biệt, giá bán lẻ điện kinh doanh lên tới 3.991 đồng/kWh vào giờ cao điểm và giờ bình thường là 2.320 đồng/kWh; 1.412 đồng/kWh vào giờ thấp điểm. Giá bán điện sinh hoạt được chia làm 6 bậc, trong đó bậc 1 cho 1 kWh từ 0 - 50 số đầu là 1.484 đồng và cao nhất bậc 6 cho 1 kWh từ 401 số trở lên là 2.587 đồng. Điều 3, Chương I Thông tư số 16/2014/BCT ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương quy định: Đối với khách hàng ký hợp đồng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt sau một công tơ nhưng có sử dụng một phần cho các mục đích khác (sản xuất, kinh doanh, dịch vụ) thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt cho toàn bộ sản lượng điện năng đo đếm được tại công tơ đó. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần điện Đông La đã không tuân thủ quy định trên khi áp giá điện đối với khách hàng, lẫn lộn giữa các mức giá đối với từng mục đích sử dụng điện mà người dân đăng ký và thực tế sử dụng. Ngoài ra, để lắp đặt công-tơ mới, người dân phải bỏ ra phí từ 1.200.000 - 1.800.000  đồng. Anh Mai Quý Diện, thôn Đồng Vi chia sẻ: Khi  gia đình tôi mở cửa hàng hàn xì phải đóng tiền lắp công tơ 3 pha là 1.800.000 đồng và công-tơ điện 1 pha là 1.200.000 đồng, bị áp giá điện 3 pha ban đầu 2.331,5đồng/kWh. Khi thắc mắc thì công ty lại giảm giá xuống 1.934,5kWh. Tôi thấy việc áp giá bán điện, kinh phí lắp đặt công-tơ của Công ty Cổ phần điện Đông La không theo quy định pháp luật, mà do Hội đồng quản trị Công ty tự “sáng tác” ra. Trong khi theo quy định của Luật Điện lực ngày 03/12/2004, tại Chương 4, điều 24, điểm a quy định: Đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm đầu tư và lắp đặt toàn bộ các thiết bị đo đếm điện và thiết bị phụ trợ cho việc đo đếm điện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Theo ông Hoàng Xuân Mạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần điện Đông La: Việc lắp công-tơ được công ty “thỏa thuận” với khách hàng theo giá quy định của Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, một số hộ dân lại khẳng định họ không có bất kỳ thỏa thuận nào với công ty về lắp công-tơ và công ty cũng không gửi hóa đơn, chứng từ sau khi thu tiền lắp công-tơ của người dân. Không chỉ vậy, việc ghi hóa đơn thu tiền điện của nhân viên Công ty Cổ phần điện Đông La cũng là “ngẫu hứng”. Ông Bùi Phó Y, thôn Bảo Châu - đại diện một số hộ dân trong thôn kiến nghị: Chúng tôi rất “lạ” với cách tính tiền điện và mẫu hóa đơn của Công ty Cổ phần điện Đông La. Đơn cử như năm 2015, hóa đơn tiền điện sinh hoạt của công ty áp dụng đơn giá 1.632,4 đồng (từ 1 - 50 số điện đầu tiên) và đơn giá 2.845,7 đồng (trên 400 số), không phản ánh rõ về 10% thuế VAT.

 

 

Những việc làm sai quy định pháp luật nêu trên của Công ty Cổ phần điện Đông La đã gây bức xúc trong dư luận, xâm hại đến quyền lợi về kinh tế đối với các hộ dân. Xung quanh hoạt động của Công ty Cổ phần điện Đông La vẫn còn nhiều ý kiến kiến nghị của nhân dân. Dư luận nhân dân mong muốn UBND huyện Đông Hưng và các ngành chức năng cần sớm kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm những sai phạm của Công ty Cổ phần điện Đông La, trả lại sự công bằng cho khách hàng sử dụng điện.

 

Điều 16, Chương IV, Thông tư số 16/2014/BCT ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương quy định: Sở Công Thương có trách nhiệm, kiểm tra, giám sát các đơn vị bán lẻ điện thuộc địa bàn quản lý trong việc thực hiện giá bán điện theo quy định. Trường hợp phát hiện các đơn vị bán lẻ điện không đáp ứng đủ điều kiện được quy định tại Điều 6 Thông tư này Sở Công Thương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định để bàn giao lưới điện thuộc phạm vi quản lý của đơn vị cho Tổng công ty Điện lực hoặc các công ty điện lực trực thuộc để bán điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện.

 

Mạnh Thắng - Phan Lợi - Nhã Nam

  • Từ khóa