Thứ 4, 01/01/2025, 16:36[GMT+7]

Ðể công tác quy hoạch xây dựng phát triển chợ hiệu quả

Thứ 2, 24/10/2016 | 09:36:41
675 lượt xem
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, đến nay, mạng lưới chợ phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, không phải hình thức đầu tư nào cũng hiệu quả và xây dựng chợ ở bất cứ chỗ nào cũng thu hút được người tham gia. Điều này đang là trăn trở trong việc quy hoạch phát triển chợ ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Cần tăng cường sự kiểm tra của cơ quan chức năng về an toàn vệ sinh thực phẩm ở các chợ trên địa bàn tỉnh.

 

Toàn tỉnh hiện có 221 chợ, gồm 4 chợ hạng I, 38 chợ hạng II, 179 chợ hạng III. Có khoảng 34.126 người tham gia kinh doanh tại chợ, trong đó có 21.519 người buôn bán cố định. Xét về tổng thể, cơ sở vật chất của mạng lưới chợ còn sơ sài, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của chợ, nhiều chợ chưa đáp ứng được nhu cầu trao đổi và mua bán hàng hóa của nhân dân. Hiện tại có 22 chợ trong tỉnh được xây dựng kiên cố, còn lại đa số được xây dựng bán kiên cố và còn xuất hiện nhiều chợ cóc, chợ tạm. Hệ thống hạ tầng của chợ như hệ thống cấp nước, công trình vệ sinh, xử lý nước thải, rác thải của  khu vực nông thôn ở nhiều địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức, điều kiện vệ sinh môi trường nói chung, an toàn thực phẩm nói riêng còn bất cập. Quy mô các chợ ở mức vừa và nhỏ, diện tích xây dựng giữa các chợ không đồng đều.

 

Theo đánh giá của Sở Công Thương, mô hình do doanh nghiệp đầu tư quản lý chợ được đánh giá là hiệu quả nhất. Tuy nhiên việc này không phải dễ làm, nhất là đối với nông thôn, vùng sâu vùng xa. Trên thực tế đa số chợ trên địa bàn tỉnh đều là chợ hạng III, chủ yếu hoạt động quản lý theo tổ hoặc đấu thầu nên công tác quản lý còn kém, cơ sở vật chất còn sơ sài, số người kinh doanh mua bán qua chợ còn ít. Chỉ duy nhất thành phố Thái Bình thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào chợ nhiều nhất tỉnh với tổng số 10/18 chợ do doanh nghiệp đầu tư, quản lý, kinh doanh chợ. Thời gian vừa qua, thành phố đã kêu gọi đầu tư 74.796 triệu đồng vào đầu tư phát triển chợ, trong đó doanh nghiệp đầu tư 65.443 triệu đồng, chiếm 87% tổng số vốn. Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chợ cũng là một trong những tiêu chí để thành phố phấn đấu lên đô thị loại I.

 

Ngoài thành phố, ở các địa phương cũng bắt đầu xuất hiện mô hình doanh nghiệp quản lý khai thác chợ nhưng số lượng rất ít. Đi đầu trong lĩnh vực này là Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt, từ việc đầu tư vào chợ hải sản theo hình thức BOT ở thành phố, Công ty đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chợ Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ) và ở huyện Hưng Hà. Nhờ có sự đầu tư của doanh nghiệp, các chợ truyền thống lâu đời, hạ tầng cũ kỹ lạc hậu đã được đầu tư mới với hệ thống gian hàng sạch sẽ, hiện đại góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại ở các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng mạnh dạn đầu tư xây dựng chợ về các địa phương như Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt. Bởi thực tế sau khi xây mới mặc dù bước đầu đã thu hút các tiểu thương vào chợ nhưng số người họp chợ vẫn rất vắng vẻ, nguồn thu từ chợ không cao. Điều này cũng đã xảy ra ở một số địa phương trong công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Điển hình như chợ Hương ở xã Quang Trung (Kiến Xương), sau khi được xây dựng khang trang, sạch đẹp nhưng chợ vẫn vắng bóng người họp chợ, người dân vẫn quen buôn bán ở bên cạnh chợ mặc dù bẩn, hôi hám vẫn không vào trong chợ. Vì thế, đòi hỏi các nhà đầu tư về lĩnh vực này cần có chiến lược dài hơi, không nóng vội. Mặt khác, tỉnh cần có cơ chế khuyến khích để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chợ và nghiên cứu, cụ thể hóa số chợ được ưu tiên, mức hỗ trợ cụ thể để nhà đầu tư có điều kiện triển khai sớm.

 

Cùng với những bất cập trong công tác quy hoạch chợ, hiện nay tình trạng họp chợ ngoài đường còn diễn ra khá nhiều ở các địa phương. Qua khảo sát cho thấy toàn tỉnh hiện có 36 chợ vi phạm hành lang an toàn giao thông, trong đó nhiều nhất là Quỳnh Phụ có 9 chợ, các huyện còn lại có từ 3 - 5 chợ.  Đây là vấn đề khá nhức nhối, khó giải quyết dứt điểm do xuất phát từ thói quen của người dân và tâm lý người tiêu dùng. Người mua hàng thì thấy tiện, chỉ cần ngồi trên yên xe là mua được hàng, người bán cũng dễ bán, trưng bày hàng hóa hơn khi vào trong chợ nên tình trạng chợ mọc ngay cạnh đường không còn là hiếm gặp. Trong khi đó tình trạng này sẽ rất dễ như “ném đá ao bèo’’ nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc quyết liệt. Do đó, đây cũng là vấn đề cần phải có sự chuyển đổi, điều chỉnh chợ trong công tác quy hoạch ở các địa phương để mỗi phiên chợ không còn là nỗi lo về tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông, lấn chiếm lòng lề đường, hè phố để họp chợ.

 

Việc họp chợ không chỉ là nơi diễn ra mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là phong tục tập quán của mỗi địa phương. Do đó, để phát huy hiệu quả trong công tác quy hoạch phát triển chợ đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền đến người dân. Qua thực tế ở một số chợ được đầu tư theo hình thức BOT, BT trên địa bàn thành phố cho thấy, chỉ khi nào chuyển đổi được việc quản lý chợ theo mô hình doanh nghiệp, chợ mới thật sự có sự thay đổi về cảnh quan, diện mạo, hình thức và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...

 

Thu Thủy

  • Từ khóa