Thứ 2, 25/11/2024, 04:45[GMT+7]

Lực lượng quản lý thị trường Thái Bình: 60 năm xây dựng và phát triển

Thứ 5, 29/06/2017 | 09:07:05
1,755 lượt xem
Cách đây 60 năm, ngày 3/7/1957, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 290/TTg thành lập Ban Quản lý thị trường (QLTT) trung ương và ban QLTT các thành phố, tỉnh, khu tự trị trong cả nước.

Chi cục Quản lý thị trường tổ chức tập huấn phân biệt hàng thật, hàng giả cho các đội nghiệp vụ.

 Đây là tiền thân của lực lượng QLTT ngày nay và ngày 3/7 hàng năm được Chính phủ công nhận là ngày truyền thống của lực lượng QLTT. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, mặc dù nhiều lần thay đổi mô hình tổ chức theo yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng nhưng ở hoàn cảnh nào lực lượng QLTT Thái Bình cũng luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó.

Cùng với sự lớn mạnh của lực lượng QLTT cả nước, lực lượng QLTT Thái Bình ngày càng khẳng định được vai trò chủ công trong kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm; sản xuất, buôn bán hàng giả và các hành vi kinh doanh trái phép, góp phần ổn định thị trường, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, được các cấp ủy đảng, chính quyền đánh giá cao. 

Ngay từ những ngày đầu thành lập, lực lượng QLTT Thái Bình đã trở thành bộ phận quan trọng của quản lý nhà nước về thương mại. Dưới sự lãnh đạo của Ban QLTT trung ương, trực tiếp là Ủy ban Hành chính tỉnh, công tác QLTT trên địa bàn đã làm tốt việc cải tạo thương nghiệp tư doanh, cải tạo tiểu thủ công nghiệp và những người buôn bán nhỏ, tăng cường lực lượng cho thương nghiệp quốc doanh và HTX mua bán; tập trung truy quét và đấu tranh với hoạt động đầu cơ, buôn lậu, kinh doanh trái phép…, góp phần quan trọng giữ ổn định thị trường. 

Đến năm 1981, UBND tỉnh đã thành lập Ban QLTT tỉnh, tới ngày 13/12/1982 kiện toàn bộ máy tổ chức QLTT từ tỉnh đến cơ sở. Hoạt động của lực lượng QLTT Thái Bình thời kỳ này khá sôi động và phong phú, tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường, góp phần quan trọng củng cố, xây dựng thương nghiệp quốc doanh, hạn chế những tiêu cực của thị trường tự do và tình trạng đầu cơ buôn lậu. 

Trong những năm 1990 - 1996, chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, kèm theo đó là hàng hóa đa dạng, phong phú, chấm dứt cảnh xếp hàng, phân phối hàng hóa theo tem phiếu, người tiêu dùng thỏa mãn sức mua, sản xuất phát triển, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường cũng nảy sinh rất nhiều tiêu cực như hàng lậu tràn lan, hàng giả, hàng kém chất lượng, trốn lậu thuế, kinh doanh trái phép bung ra khó kiểm soát. Đây cũng là giai đoạn chuyển hóa mạnh mẽ, đòi hỏi lực lượng QLTT cần được tăng cường để ổn định thị trường và cũng là giai đoạn thực sự khó khăn đối với công tác QLTT.

Sau năm 1993, UBND tỉnh có quyết định tách lực lượng QLTT khỏi Sở Thương mại, thành lập Ban QLTT trực thuộc UBND tỉnh, đến năm 1994 bộ máy tổ chức và biên chế được thay đổi gồm 2 phòng: Tổ chức hành chính và Nghiệp vụ tổng hợp, từ 2 đội Bắc Sông Trà và Nam Sông Trà thành 8 đội ở 8 huyện, thị xã và đội cơ động, mỗi đội được biên chế từ 4 - 7 đồng chí, có 1 đội trưởng và 1 đội phó. Trên cơ sở tổ chức bộ máy như vậy, Ban QLTT tỉnh có Đảng bộ gồm 30 đảng viên trực thuộc Đảng bộ Khối dân chính đảng tỉnh và các đoàn thể khác. 

Ngày 23/1/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/1995/NĐ-CP về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của QLTT. Đây là sự kiện pháp lý quan trọng đối với lực lượng QLTT, trong đó xác định QLTT là lực lượng chuyên trách được tổ chức từ trung ương đến huyện, có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước. Từ đây, lực lượng QLTT từng bước được xây dựng theo yêu cầu chính quy, hiện đại, tổ chức thống nhất và hoạt động xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Hệ thống QLTT gồm ở trung ương thành lập Cục QLTT trực thuộc Bộ Thương mại trên cơ sở sáp nhập bộ máy chuyên trách của Ban QLTT trung ương chuyển giao về; ở tỉnh, thành phố thành lập chi cục QLTT trực thuộc Sở Thương mại trên cơ sở tổ chức lại bộ máy chuyên trách của Ban QLTT tỉnh; ở quận, huyện, thị xã, thành phố theo yêu cầu địa bàn. Nhìn chung, giai đoạn này lực lượng QLTT về cơ bản đã được củng cố, kiện toàn, hoạt động tương đối thống nhất, vai trò, chức năng, nhiệm vụ được nâng lên rõ rệt và đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu với UBND tỉnh các chủ trương, biện pháp QLTT trên địa bàn; tiến hành kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và các hành vi kinh doanh trái phép…, góp phần ổn định thị trường. 

Từ năm 1996 đến nay, hoạt động của QLTT là chính quy, bài bản, trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, có các quy chế hoạt động thống nhất cả nước, có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, có các chế tài xử lý được quy định bởi các luật, pháp lệnh, nghị định. Điều kiện trang bị, phương tiện hoạt động được kiện toàn và nâng cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Hiện nay, Chi cục QLTT có 3 phòng và 10 đội với 72 cán bộ, công chức.

Lực lượng QLTT hiện còn được UBND tỉnh giao nhiệm vụ là thường trực Ban Chỉ đạo 389/ĐP và thường trực Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh. Vì thế lực lượng QLTT ngày càng khẳng định được vai trò chủ lực trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và các hành vi kinh doanh trái phép khác trên địa bàn.

Với những thành tích trên, lực lượng QLTT Thái Bình có nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng bằng khen, giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh, Sở Công Thương vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt, năm 2003, QLTT Thái Bình vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2011 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích 10 năm chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, Chi cục QLTT tiếp tục chủ động nắm bắt thị trường, quán triệt và triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, đồng thời coi trọng công tác phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện để thương nhân hiểu biết, tự giác thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động thương mại, công nghiệp và các lĩnh vực liên quan. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, các ngành chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, thực hiện quyết liệt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xứng đáng là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389/ĐP và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh.

Trần Xuân Nhuệ
(Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường)


Ông Nguyễn Hồng Anh, Đội trưởng Đội QLTT thành phố Thái Bình

Là lực lượng thường xuyên phải tiếp xúc với mặt trái của xã hội nên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Trong khi các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt thì lực lượng QLTT lại quá mỏng, còn thiếu các trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát nên chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình thị trường. Đó là chưa kể tới đôi khi lực lượng QLTT còn phải đối mặt với sự chống trả của các đối tượng. Đặc biệt, tình hình thị trường hàng hóa hiện nay có nhiều vấn đề bất cập cả về chất lượng, nhãn mác và việc chấp hành kinh doanh theo quy định của các cơ sở kinh doanh, Đội vừa phải kết hợp kiểm tra với tuyên truyền, nhắc nhở để vừa bảo đảm đúng quy định của pháp luật trong việc xử lý các hành vi vi phạm vừa khiến các đối tượng phải tâm phục, khẩu phục.

Bà Trần Hồng Vân, Đội trưởng Đội QLTT huyện Kiến Xương

Những năm gần đây, Đội đã triển khai và thực hiện chuyên sâu rất nhiều chuyên đề, nổi bật như chuyên đề vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, quầy dược vật tư y tế của các trạm y tế trong toàn huyện. Hưởng ứng phong trào thi đua do Chi cục phát động hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập lực lượng QLTT, 6 tháng đầu năm 2017, Đội đã kiểm tra 175 vụ, xử lý 102 vụ, xử phạt gần 132 triệu đồng. Trong thời gian tới, Đội tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, tăng cường hơn nữa công tác điều tra trinh sát địa bàn để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi việc kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng.


Ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thái An, Giám đốc Trung tâm thương mại Victory

Tôi đánh giá rất cao vai trò của lực lượng QLTT, nhờ có lực lượng QLTT mà thị trường hàng hóa ngày càng văn minh, đáp ứng nhu cầu mua sắm cho người dân. Đặc biệt, là cơ quan thường trực của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, Chi cục QLTT đã tổ chức nhiều chương trình có ý nghĩa giúp người dân hiểu hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính như công ty chúng tôi luôn ưu tiên sứ mệnh phục vụ, theo đó kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm từ khi nhập vào tới khi bán ra. Vì thế, hàng năm, Chi cục QLTT tổ chức kiểm tra nhiều lần nhưng chưa bao giờ phát hiện dấu hiệu vi phạm ở Công ty. Mặc dù chịu sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường song lượng người tiêu dùng đến với Trung tâm ngày càng lớn, sức mua tăng nhanh, doanh thu đạt ngày càng cao. Trung bình mỗi năm Trung tâm thu hút hàng triệu lượt người tới tham quan, mua sắm.