Thứ 4, 24/07/2024, 12:22[GMT+7]

Công ty CP Hải Sản Chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất

Thứ 3, 19/07/2011 | 15:08:19
2,121 lượt xem
Những phức tạp diễn ra ở biển Đông có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều đơn vị. Song, với Công ty CP Hải Sản, sự kiện tranh chấp ấy làm cho cán bộ, công nhân và người lao động hết sức lo lắng. Bởi, nguồn lợi biển là “đầu vào” của Công ty, nếu không có nó thì sản xuất kinh doanh sẽ bị đình trệ, cuộc sống của hàng trăm công nhân trở nên bấp bênh.

Sản xuất, chế biến chượp cá. Ảnh: Thành Tâm

Với tư duy năng động và ý thức được trách nhiệm của mình. HĐQT và Ban giám đốc Công ty đã tranh thủ thời cơ của vụ cá năm 2011 và ngư trường phía bắc được mùa, tận thu nguyên liệu bảo đảm cho kế hoạch sản xuất hai năm 2011 và 2012.

 

Chủ tịch HĐQT Trần Văn Quang, khi tâm sự với tôi đã không ngần ngại nói rằng: Sản xuất kinh doanh bây giờ giống như người lính ra trận xưa kia, chỉ chậm một chút thôi đã có thể thiệt hại rất lớn, nhanh một khắc có thể đem lại tiền tỷ. 6 tháng đầu năm 2011, Công ty chớp thời cơ của vụ cá nam, chất lượng nguyên liệu tốt như: Cá cơm, nhâm, mục... mua được gần 1000 tấn cá. Đồng thời, thu mua thêm nguồn chượp: cá cơm, nước mắm cốt từ miền Trung để bổ sung kịp thời cho sản xuất nước mắm cao đạm. Đây là năm Công ty thu mua đạt kết quả cao, kể cả số lượng và chất lượng đủ cho sản xuất ổn định 2 năm 2011 và 2012. Năm nay, Công ty quyết định chuyển hướng mua muối từ miền Trung thay muối miền Bắc đã cải thiện được chất lượng nước mắm. Một số phụ liệu khác cũng mua tạm trữ tránh tình trạng tăng giá và chủ động cho sản xuất.

 

Nhờ chất lượng nguyên liệu cao và dồi dào nên sản phẩm làm ra đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Không để xảy ra khan hiếm hàng hoá. Đầu tư nâng cấp: bể rút liên hoàn, tường chống lụt bể ao, mặt nền khi xuất hàng, mui phiên... của xí nghiệp Diêm Điền, nhà văn phòng, nhà kiểm nghiệm xí nghiệp chế biến hải sản Tam Lạc. Đầu tư ứng dụng công nghệ nâng đạm nước mắm bằng phương pháp gia nhiệt được thực hiện tích cực. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, bán hàng lưu động ở các vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Tiền Hải và nam Kiến Xương. Dụng cụ xuất hàng, vận chuyển được xác định dung tích, gắn xi, dán phiếu... hạn chế tiêu cực, tạo niềm tin cho các đại lý nhận hàng.

 

Nhờ cố gắng trên, 6 tháng đầu năm 2011, Công ty CP Hải Sản mua vào: 6 tỷ 454 triệu đồng gồm: cá làm chượp, cáy nguyên liệu, muối và nước mắm cao đạm. Doanh số bán ra: 6 tỷ 589 triệu đồng, bao gồm: nước mắm cao đạm, mắm chai, hộp chai các loại và mắm tôm... nộp thuế 830 triệu 500 nghìn đồng, thu nhập bình quân 2,8 triệu đồng/người; bảo đảm các chế độ với người lao động: BHXH, BHYT, thai sản, nghỉ mát, nâng lương, nâng bậc...

 

Trong điều kiện nguồn vốn có hạn, lãi suất vay ngân hàng cao... Công ty đã tạm dừng một số hạng mục chưa cần thiết; động viên cán bộ, công nhân cho công ty vay tiền nhàn rỗi từ 5 triệu đồng trở lên, trong thời gian 3 tháng để công ty chủ động vốn thu mua nguyên liệu. Điều chỉnh cơ chế khoán của xí nghiệp Diêm Điền, Tam Lạc, Cửa Lân và định mức khoán cho nhân viên bán hàng, lái xe... đã nâng cao hiệu quả và chất lượng lao động. Do giá cả nguyên liệu “đầu vào” tăng, công ty đã có hai đợt điều chỉnh giá tháng 1 và tháng 4, nhưng khách hàng vẫn chấp nhận được. Dư nợ tại các đại lý giảm đi rõ rệt, không có tình trạng chiếm dụng vốn của công ty. Hầu hết các đại lý tiêu thụ đều thanh toán sòng phẳng, đúng thời gian công ty quy định trong hợp đồng.

 

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty thì 6 tháng cuối năm, Công ty tập trung mọi nguồn lực để giảm dư nợ, ổn định sản xuất, nâng cao đời sống người lao động. Mục tiêu đặt ra là sản xuất tiêu thụ 450.000 lít nước mắm các loại, 30 tấn mắm tôm... thực hiện nộp đủ thuế cho Nhà nước, thu nhập: 3 triệu đồng người/tháng. Cổ tức đạt 15 đến 20% năm. Có 4 giải pháp đặt ra là: Hoàn thành ứng dụng công nghệ phương pháp cô đạm nước mắm đưa vào sản xuất, chủ động nguồn nước mắm cao đạm trong mọi điều kiện thời tiết. Quản lý và sử dụng hiệu quả nguyên liệu hiện có. Đẩy mạnh tiêu thụ, tích cực thu hồi nợ; tiết kiệm chi phí, bảo quản tốt vật tư hàng hoá dự trữ. Quan tâm đời sống người lao động và quyền lợi cổ đông...

 

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa