Thứ 2, 25/11/2024, 18:32[GMT+7]

Giao dịch thương mại điện tử đang tăng mạnh

Thứ 5, 15/03/2018 | 08:45:20
632 lượt xem
Chỉ số Thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam đã tăng lên từ 31,2 điểm của năm 2017 lên 37,7 điểm của năm 2018. Tốc độ tăng trưởng giao dịch TMĐT trong năm 2017 so với năm trước tăng khoảng 20-25%.

Ảnh minh họa.

Ngày 14/3, tại sự kiện Toàn cảnh TMĐT Việt Nam, Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) đã công bố chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (EBI) năm 2018.

Theo đại diện của VECOM, Hiệp hội đã tiến hành khảo sát hơn 4000 doanh nghiệp trên cả nước và xây dựng dựa trên bốn trụ cột: Hạ tầng và nguồn nhân lực; Giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C); Giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và dịch vụ công trực tuyến (G2B). Chỉ số TMĐT của Việt Nam đã tăng lên từ 31,2 điểm của năm 2017 lên 37,7 điểm của năm 2018. Tốc độ tăng trưởng giao dịch TMĐT trong năm 2017 so với năm trước tăng khoảng 20-25%.

Tuy nhiên, có một sự chênh lệch rất lớn về chỉ số TMĐT giữa hai thành phố Hà Nội và TP. HCM với các địa phương còn lại. Năm nay, TP. HCM vẫn đứng đầu về chỉ số TMĐT với 82,1 điểm cao hơn 3,5 điểm so với năm 2017, tiếp theo là Hà Nội với 79,8 điểm và thấp nhất là Bắc Kạn 26 điểm. Đáng chú ý là năm nay Hải Phòng đã có bước nhảy vọt về chỉ số TMĐT khi tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3, cho dù cách biệt khá xa so với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 9 tỉnh thành không xuất hiện trong EBI 2018. Đây là những tỉnh thành có số tên miền quốc gia .vn quá thấp.

Đặc biệt năm nay, kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội mang lại nhiều lợi cho cá nhân. Báo cáo tại Diễn đàn cho thấy kinh doanh trên mạng xã hội đang là một xu hướng thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể và cá nhân trong vài năm trở lại đây. Khảo sát cho thấy, 32% doanh nghiệp đang tiến hành kinh doanh trên mạng xã hội.

Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy, năm 2017, hình thức quảng cáo được doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất vẫn là thông qua mạng xã hội (43%). Quảng cáo thông qua các công cụ tìm kiếm chiếm 31% và giảm đáng kể so với năm 2016. Năm 2017 cũng đánh dấu sự tăng trưởng mạnh của nhóm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tiếp thị liên kết.

Cùng với đó, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến liên quan tới các thủ tục thông báo, đăng ký, cấp phép... của doanh nghiệp năm 2017 là 73%, tương tự như tỷ lệ này của năm 2016. Khai báo thuế điện tử vẫn là dịch vụ công trực tuyến được doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất (88%), tiếp sau đó là dịch vụ đăng ký kinh doanh (42%). Các chỉ số này sẽ là nguồn thông tin hữu ích cho các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử ở Trung ương và địa phương cũng như đông đảo các tổ chức và doanh nghiệp trên cả nước./.

Theo dangcongsan.vn