Thứ 2, 25/11/2024, 18:17[GMT+7]

Livestream: Trào lưu bán hàng thời công nghệ số

Thứ 2, 09/04/2018 | 08:46:42
774 lượt xem
Bán hàng online trên các trang mạng xã hội đã trở nên quen thuộc trong thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, thời gian gần đây, từ người kinh doanh nhỏ lẻ đến các nhãn hàng nổi tiếng đã lựa chọn hình thức livestream để quảng bá và bán sản phẩm của mình. Có nhiều lợi ích từ việc mua bán theo hình thức này song cũng lắm rủi ro cho cả người bán lẫn người mua.

Ảnh minh họa.

Livestream là một trong những hình thức giao dịch thương mại điện tử tương tác trên mạng xã hội đang phổ biến hiện nay. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc một máy tính có kết nối internet là người bán và người mua có thể trao đổi trực tiếp thông tin về sản phẩm. Thời gian thực hiện livestream có thể diễn ra trong vài phút hoặc hàng giờ tùy vào số lượng tương tác giữa người mua, người bán và số lượng hàng hóa đăng tải. Các mặt hàng trên livestream khá đa dạng từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm, phụ kiện, đồ ăn, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng… đến cả dịch vụ xem tướng, tử vi. Để tăng lượng tương tác, người bán hàng thường yêu cầu người xem ấn nút like hoặc chia sẻ livestream của mình.

So với kênh bán hàng truyền thống thì mua bán qua livestream có nhiều ưu việt, người mua không phải mất thời gian đến tận nơi mà vẫn có thể lựa chọn sản phẩm mình cần. Hình ảnh của sản phẩm qua các video phát trực tiếp cũng rõ hơn là ảnh được chụp từ máy ảnh hoặc điện thoại rồi cập nhật lên mạng xã hội. Vì thế, người mua nhìn được sản phẩm thật, cảm nhận được rõ hơn về tính năng, công dụng cũng như được nghe các lời nhận xét, đánh giá sản phẩm từ những người mua trước.

Đã nhiều tháng nay, shop thời trang Hotgirl (thành phố Thái Bình) thường livestream để bán và quảng bá sản phẩm của mình. Chị Phạm Thị Hiền, chủ shop chia sẻ: Mỗi ngày shop thường thực hiện 3 livestream vào các buổi sáng, trưa và tối. Với phương thức này, số lượng hàng bán ra được nhiều, gấp 10 - 15 lần so với cách bán hàng truyền thống bởi số lượng người biết đến đông và tỷ lệ người theo dõi tăng nhanh. Thời gian mua bán cũng khá nhanh, có những khách xem mẫu ưng ý là đặt mua ngay. Tuy nhiên, do chạy theo số lượng nên lãi thường thấp và rủi ro của phương thức bán hàng này cũng nhiều. Không chỉ mất nhiều nhân lực từ việc chuẩn bị mẫu sản phẩm, mặc mẫu, người giới thiệu sản phẩm, người ghi lại thông tin, địa chỉ và số lượng người mua để chuyển hàng, nhiều khách hàng đặt mua nhưng khi giao hàng đến lại không nhận khiến chủ cửa hàng phải tốn thời gian và mất chi phí gửi đồ.

Tiện ích thì có thể thấy rõ khi không phải mất thời gian, công sức đi tới cửa hàng chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, một chiếc máy tính người mua có thể xem và trao đổi với người bán để mua sản phẩm mình quan tâm, đồng thời có thể theo dõi và tương tác với những người mua trước đó. Tuy nhiên, bên cạnh rủi ro cho người bán, người mua hàng từ livestream cũng nhiều khi gặp thất vọng với sản phẩm đặt mua. Bởi sản phẩm trên mạng không giống với mẫu hàng thực tế được giao. 

Chị Hoàng Thị Thảo (Vũ Thư) chia sẻ: Tôi thường xem quần áo, đồ trang sức trên các livestream ở facebook và đã vài lần đặt mua. Thế nhưng, nhiều khi sản phẩm nhận lại khác với thực tế mặt hàng được xem. Ngoài kiểu mẫu không phù hợp với dáng người, chất lượng quần áo cũng chưa ưng ý cho lắm. Các mặt hàng trang sức thì chất lượng kém, mẫu mã không đẹp như quảng cáo. Do độ rủi ro cao nên các sản phẩm bán trên livestream thường chưa tạo được niềm tin từ phía khách hàng.

Với khoảng 35 triệu người Việt Nam dùng facebook hiện nay, bán hàng livestream là “món bánh” béo bở để nhiều người kinh doanh nhỏ lẻ và các nhãn hàng lớn khai thác. Tuy nhiên, người mua hàng cần tỉnh táo để lựa chọn những sản phẩm chuẩn, chất lượng phù hợp với túi tiền, đừng để tiền mất tật mang và hãy thể hiện là người mua hàng lịch sự, tránh tình trạng “mua cho vui” như lời nhiều chủ cửa hàng vẫn thường chia sẻ.

Như Hoàng