Thứ 3, 26/11/2024, 00:50[GMT+7]

Xuất nhập khẩu trên đà tăng trưởng

Thứ 2, 16/07/2018 | 08:54:04
541 lượt xem
Toàn tỉnh hiện có trên 300 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó 232 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên. 6 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh đạt gần 1,3 tỷ USD, đạt trên 40% kế hoạch năm 2018. Kết quả này tạo đà để các doanh nghiệp bứt phá trong thời gian tới.

Nhà máy sản xuất Amon Nitrat vừa đẩy mạnh tiêu thụ trong nước vừa xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, đến nay, toàn tỉnh có 82 doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc, 60 doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt, xơ, sợi, 17 doanh nghiệp xuất khẩu hàng thực phẩm nông sản, 13 doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và 60 doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp khác. Một số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao MXP, Công ty TNHH Minh Trí, Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân. Hết năm 2017, toàn tỉnh tăng thêm 12 doanh nghiệp thực hiện kinh doanh xuất nhập khẩu, chủ yếu là các doanh nghiệp may mặc vừa và nhỏ thuộc địa bàn các huyện trong tỉnh. Bên cạnh đó có một số công ty trước đây kinh doanh nội địa, từ cuối năm 2017 đến nay cũng bắt đầu có sản phẩm xuất khẩu như Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty Bánh kẹo Bảo Hưng, Công ty Dược Khải Hà, Công ty TNHH Điện cơ Aidi...

Nhiều mặt hàng chiếm tỷ lệ cao trong kim ngạch xuất khẩu như may mặc, dệt khăn bông, xơ sợi, thực phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ (chiếm khoảng 82% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh), trong đó riêng hàng may mặc chiếm 75%. Những mặt hàng xuất khẩu khác như sản xuất mành rèm, dụng cụ làm vườn, đồ chơi, thiết bị sửa chữa chiếm 18,5%... Thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc (chiếm 63% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh), còn lại là một số thị trường khác như các nước ASEAN, Úc, New Zealand, Chile, Ấn Độ. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu tập trung vào mặt hàng may gia công, vật tư phục vụ sản xuất, nguyên liệu sản xuất hàng dệt, may, xơ, sợi, linh kiện, thiết bị ô tô...

Xét về cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu, các mặt hàng công nghiệp, chế tạo dẫn đầu bảng chiếm 70%, nhóm hàng nông sản, thủy sản chiếm 4 - 5%. Tỷ trọng này phù hợp với định hướng chiến lược xuất khẩu cả nước nói chung, đồng thời cũng cho thấy hoạt động sản xuất của tỉnh cũng đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với đó, nhóm các doanh nghiệp FDI tiếp tục đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, mức tăng trưởng khá đều qua các năm, trong đó có hai mặt hàng chủ lực là may mặc và dây dẫn điện. Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cũng tăng lên, một số doanh nghiệp tích cực tìm hướng đi mới cho hoạt động xuất khẩu tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Có được kết quả trên, ngoài sự cố gắng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, những năm qua, Sở Công Thương đã tích cực tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận xuất xứ C/O, hướng dẫn doanh nghiệp để giải quyết nhanh bộ chứng từ xuất khẩu, làm thủ tục cấp mã MID, ứng dụng thương mại điện tử trong xuất khẩu... Bên cạnh đó, Sở tham mưu xây dựng một số quy hoạch để hỗ trợ phát triển công nghiệp thương mại và hoạt động xuất nhập khẩu như quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ, quy hoạch điện lực...

Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Cụ thể ngành dệt may mặc dù chiếm tỷ lệ xuất nhập khẩu cao song vẫn tập trung mạnh ở khối doanh nghiệp FDI dựa vào lợi thế về nhân công, hoạt động gia công xuất khẩu là chủ yếu. Nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, kim ngạch còn thấp, khả năng tự xúc tiến xuất khẩu tìm kiếm thị trường còn hạn chế. Mặt khác, ở một số ngành hàng có thế mạnh của tỉnh như gạo lại giảm mạnh trong thời gian qua do các doanh nghiệp bị phụ thuộc vào một thị trường. Từ năm 2016 đến nay do Trung Quốc hạn chế nhập khẩu gạo thông qua các hàng rào về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm nên khó khăn về thị trường xuất khẩu. Ngoài ra còn số ít doanh nghiệp không trực tiếp thực hiện thủ tục hải quan tại tỉnh mà thông qua công ty mẹ tại địa bàn khác nên sản phẩm xuất nhập khẩu không được tính kim ngạch cho tỉnh cũng làm giảm nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu vào tỉnh.

Để kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh năm 2018 đạt trên 2,8 tỷ USD, Sở Công Thương sẽ tiếp tục hướng dẫn các văn bản Luật Quản lý ngoại thương đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu để thúc đẩy xuất khẩu, tăng kim ngạch. Trong đó, chú trọng tới việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng lợi thế từ các hiệp định FTA; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư xuất khẩu, mở rộng thị trường, giảm dần sự phụ thuộc một số thị trường nhất định; đặc biệt là việc hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu.

Thu Thủy