Thứ 3, 26/11/2024, 05:49[GMT+7]

Từ năm 2019 vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh

Thứ 3, 09/10/2018 | 07:59:04
357 lượt xem
Sau 6 năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, có 87 nhà máy tham gia với công suất gần 23.000 MW.

Công nhân ngành điện kéo cáp điện đến nhà khách hàng. Ảnh: Ngọc Thành

"Nếu tính theo các cấp độ thì thị trường điện ở Việt Nam còn nhiều mới mẻ và cần tiếp tục hoàn thiện", ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá tại hội nghị ngày 8/10. 

Theo quy định Luật Điện lực 2004, thị trường điện Việt Nam sẽ hình thành và phát triển theo 3 cấp độ: thị trường phát điện cạnh tranh; bán buôn cạnh tranh và bán lẻ cạnh tranh. Việt Nam mới hoàn thiện ở cấp độ 1 sau 6 năm vận hành phát điện cạnh tranh và bắt đầu chuyển sang cấp độ 2 (bán buôn cạnh tranh). Theo ông Vượng, mức này sẽ chính thức vận hành từ năm 2019 sau một năm thí điểm.

Ông Lê Đông Hải - phòng Thị trường điện (Cục Điều tiết điện lực) cho biết, dự kiến có 5 tổng công ty phát điện tham gia và một số nhà máy nhiệt điện lớn như Thái Bình 1, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 3 mở rộng...

Để vận hành chính thức từ năm 2019, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yêu cầu Cục Điều tiết Điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) và các đơn vị liên quan hoàn thành tốt giai đoạn thí điểm các tháng cuối năm 2018.

Ông Vượng cũng đề nghị hoàn thành Thông tư quy định vận hành thị trường bán buôn điện, đồng thời tích cực hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cũng như đào tạo nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu vận hành.

Sau 6 năm, theo đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), số nhà máy điện tham gia đã gấp gần 3 lần, công suất cũng tăng 2,8 lần năm 2012.

"Thị trường điện đã giúp tăng tính minh bạch, công bằng trong việc lập lịch, huy động các nhà máy điện, góp phần tối ưu toàn hệ thống, tạo động lực và sự tin tưởng để thu hút các nhà đầu tư", ông Phạm Quang Anh - Phó trưởng phòng thị trường điện (Cục Điều tiết điện lực) nói.

Ngoài ra, một yếu tố mới phát sinh gần đây là việc huy động khí rất lớn, do vậy khi mỏ khí suy giảm, xuất hiện thiếu khí ở một số nơi và hiện tượng này có thể thấy trong tương lai.

Về việc mới có một nửa nhà máy điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh sau 6 năm, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục điều tiết điện lực lý giải, do hiện toàn bộ khâu đầu vào (khâu phát) đã theo thị trường nhưng giá bán lẻ (đầu ra) vẫn phải điều tiết, trong khi giữa các tổng công ty phát điện lại có chênh lệch doanh thu, chi phí.

Ông Tuấn khẳng định, cơ quan này sẽ nghiên cứu cơ chế để các nhà máy thuỷ điện chiến lược đa mục tiêu cũng như các nhà máy điện công suất nhỏ 30 MW, nhà máy điện năng lượng tái tạo... cũng có thể tham gia thị trường điện. 

Theo vnexpress.net