Thứ 3, 26/11/2024, 05:22[GMT+7]

Hưng Hà: Đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất hàng hóa

Thứ 5, 18/10/2018 | 09:05:33
3,312 lượt xem
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp của địa phương, thời gian qua huyện Hưng Hà đã tích cực thực hiện các giải pháp phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông sản đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Trồng cây màu vụ đông tại xã Canh Tân (Hưng Hà).

Theo ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Huyện Hưng Hà đã lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương trong huyện tiến hành dồn điền đổi thửa, quy hoạch, quy vùng sản xuất theo tiêu chí nông thôn mới. Đến nay, huyện đã quy hoạch được vùng trồng cây ăn quả, vùng chăn nuôi tập trung, quy hoạch điểm nuôi thủy sản và các vùng quy hoạch hai vụ trồng lúa, một vụ trồng màu. Cùng với đó, huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và thực hiện nhiều cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất. Đặc biệt, địa phương chỉ đạo sát sao, đôn đốc các HTX SXKD DVNN tổ chức liên kết sản xuất nhằm nâng cao giá trị nông sản cho người nông dân. Hiện nay, toàn huyện có 36/36 HTX có mô hình liên kết sản xuất, trong đó đáng chú ý là có 9 xã liên kết trồng lúa hai vụ với diện tích 681ha và 18 xã trồng rau củ, quả, hoa màu với diện tích 2.300ha. Các địa phương đã liên kết sản xuất, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm thường xuyên với 12 doanh nghiệp có uy tín để tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân.

Ông Đinh Văn Sâm, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Dân Chủ chia sẻ: Để quy hoạch được vùng sản xuất, HTX đã tham mưu với chính quyền xã xây dựng kế hoạch, vận động nông dân chuyển đổi giống lúa dài ngày sang cấy lúa ngắn ngày. Đặc biệt, xã đã quy hoạch vùng sản xuất theo quy mô cánh đồng mẫu trồng ngô ngọt, bí xuất khẩu, đồng thời thực hiện liên kết 4 nhà, ký hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu nông sản cho nông dân. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế đem lại cao, giúp nông dân yên tâm sản xuất. 

Theo ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Điệp Nông: Từ việc liên kết sản xuất, nông dân đã chủ động được sản xuất, chủ động được giá cả. Nhờ đó, giá trị sản xuất đạt gấp 1 - 1,5 lần so với sản xuất trước kia. Không chỉ riêng các mô hình ở xã Điệp Nông, Dân Chủ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà các địa phương khác trong huyện Hưng Hà cũng đã nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Điển hình như: mô hình trồng cây hòe của gia đình ông Bùi Quốc Sự, xã Hồng Minh cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm; mô hình trồng cây ăn quả trên đất bãi của ông Bùi Đình Hiếu, xã Hồng An cho thu nhập bình quân 400 - 450 triệu đồng/năm…

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, đến nay huyện Hưng Hà đã từng bước hình thành các vùng sản xuất mang tính hàng hóa như: vùng trồng cây ăn quả xã Hồng An có diện tích trên 140ha; vùng liên kết bao tiêu sản phẩm trồng bí của xã Dân Chủ diện tích 70ha; vùng trồng ngô ngọt, bắp cải diện tích 50 - 80ha của xã Điệp Nông; vùng trồng cây dược liệu diện tích 70ha của xã Thống Nhất… Bên cạnh đó, toàn huyện có 176 trang trại, trên 2.000 gia trại, trong đó 81 trang trại được UBND huyện thẩm định và cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Trên địa bàn huyện còn có 7 điểm nuôi trồng thủy sản với diện tích 150ha và 86 lồng cá nuôi trên sông tại các xã như Điệp Nông, Độc Lập, Hồng Minh, Tân Hòa… 

Những kết quả sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp của huyện Hưng Hà từ năm 2015 đến nay ước đạt bình quân 3,18%/năm.

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết thêm: Phát huy những kết quả đạt được, chúng tôi đã đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để tham mưu với huyện lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất hàng hóa. Theo đó, tiếp tục tập trung chỉ đạo vùng chuyên canh rau màu ở các địa phương trong huyện đã có thế mạnh. Mở rộng diện tích cây vụ hè, nhất là trồng cây dưa lê siêu ngọt trên đất hai vụ lúa, phấn đấu đến năm 2020 đạt 500 - 700ha. Đẩy mạnh nâng cao năng suất và mở rộng liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về phát triển nông nghiệp. Quan tâm, chú trọng công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đề án tái  cơ cấu ngành Nông nghiệp, tích tụ ruộng đất. Vận động nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiếp thu khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất cũng như giá trị sản xuất. Tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành Nông nghiệp toàn huyện gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, tăng cường đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, cần thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Nâng cao vai trò của các HTX SXKD DVNN, có chính sách khuyến khích hình thức liên doanh, liên kết bao tiêu sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất cho người nông dân. Từ đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung của địa phương.

Mai Thư