Chủ nhật, 24/11/2024, 21:10[GMT+7]

Khu Công nghiệp Tiền Hải Trước thềm xuân mới

Thứ 6, 30/12/2011 | 10:40:11
2,065 lượt xem
Năm 2011 đã khép lại - một năm với biết bao biến cố về tài chính, giá cả, lạm phát... làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống của các ngành, các thành phần kinh tế và các tầng lớp xã hội. Với Khu Công nghiệp (KCN) Tiền Hải còn phải chống đỡ nhiều khó khăn, thách thức khác, nhưng những cố gắng của họ đã được đáp đền. Trước mùa xuân mới, các doanh nghiệp trong KCN Tiền Hải lại tràn trề hy vọng. Họ cũng đang “cấu trúc lại” để biến những hy vọng trở thành hiện thực.

Một nhà máy sợi của doanh nghiệp Đại Cường. Ảnh: Internet.

Khu công nghiệp Tiền Hải được hình thành sớm nhất trong 7 khu công nghiệp đã quy hoạch chi tiết của tỉnh. Trước năm 2000, nơi đây đã có hơn 20 nhà máy, xí nghiệp về đầu tư. Lý do chính là có ưu thế từ nguồn khí mỏ làm nhiên liệu cho việc nung đốt gốm, sứ, thuỷ tinh và Vật liệt xây dựng (VLXD).

 

Đến hết năm 2011, đã có 44 dự án đầu tư đi vào sản xuất. Ngoài sản xuất VLXD, gốm sứ, thủy tinh, KCN Tiền Hải còn thu hút nhiều dự án khác như sản xuất thức ăn gia súc, sản xuất nhựa, may xuất khẩu. Ngành hàng gốm, sứ, thuỷ tinh Tiền Hải đã có thương hiệu trong nước, nên đi đến đâu sản phẩm của Tiền Hải đều được người tiêu dùng ưa chuộng.

 

Năm 2011 là một trong những năm khó khăn, trắc trở nhất đối với ngành sản xuất công nghiệp. Những khó khăn chung KCN Tiền Hải phải gánh chịu như ảnh hưởng suy thoái kinh tế, nguyên liệu nhập khẩu tăng giá, xuất khẩu sản phẩm chậm, ít, khó tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng... Bên cạnh đó còn có khó khăn riêng là nguồn khí mỏ tại chỗ đã cạn kiệt phải chuyển sang  sử dụng than hoá khí, gas và dầu, giá thành sản phẩm tăng cao gây khó khăn cho tiêu thụ. 70-80%  giá trị sản xuất của KCN là gốm, sứ, VLXD, nhưng năm 2011 là năm cả nước tập trung thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ nên nhiều công trình XDCB phải tạm đình chỉ, tạm hoãn nên việc tiêu thụ sản phẩm bị ngưng đọng. Liên tục các tháng trong quý III, các tỉnh khu vực miền Trung lũ lụt lớn, đường vận chuyển hàng hoá vào các thị trường Campuchia, Lào cũng gặp khó khăn do thiên tai.

 

Vào trung tuần tháng 12/2011, khi chúng tôi có mặt tại KCN Tiền Hải chứng kiến hậu quả ảnh hưởng lạm phát, suy thoái và thiên tai để lại, khoảng 20 doanh nghiệp sản xuất gốm sứ quy mô nhỏ  đã ngưng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp có tiếng sản xuất kinh doanh giỏi nay sân bãi xếp đầy hàng thành phẩm đang chờ thị trường tiêu thụ. Khó khăn vừa là thử thách, vừa là thời cơ để chọn lọc. Theo quy luật thị trường nơi nào sản xuất kinh doanh tốt, thu nhập cao thì lao động tìm tới nên là thời cơ để  thu hút lao động có tay nghề, doanh nghiệp bớt đi một khoản kinh phí đào tạo...

 

Nắm bắt thời cơ, có chiến lược đúng, nhiều doanh nghiệp vẫn trụ vững, đã và đang tìm ra hướng đi mới. Tại công ty TNHH sứ Đông Lâm, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng trạm than hoá khí, thay thế sử dụng khí thiên nhiên nên vẫn duy trì được việc làm thường xuyên cho 670 lao động. Cộng với sự năng động của bộ phận thị trường nên tổng doanh thu cả năm đạt 46,5 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch đề ra,  mức tăng trưởng hơn 20%. Tại Công ty sứ Hảo Cảnh, năm khó khăn nhất cũng là năm công ty đầu tư chiều sâu và mở rộng, đưa số lao động lên tới gần 1.000 người. Công ty cổ phần gốm sứ Thái Bình, sau 2 năm được củng cố lại, năm 2010 sản xuất kinh doanh đi vào nền nếp, năm 2011  do thiếu khí đốt, công nhân phải tạm nghỉ ít tháng để chờ xây dựng trạm than hoá khí; vào dịp cuối năm này, không khí lao động sản xuất, kinh doanh khá sôi động, bảo đảm thu nhập bình quân hơn 2 triệu đồng/người/tháng. 

 

Với sự cố gắng của nhiều doanh nghiệp hàng đầu đã bù đắp vào sự thiếu hụt của các doanh nghiệp nhỏ có khó khăn nên năm 2011, GTSX của KCN Tiền Hải vẫn đạt trên 600 tỷ đồng (theo giá cố định 1994), tăng gần 20% so với năm 2010, góp phần đưa GTSX công nghiệp cả năm của Tiền Hải đạt 1.556 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 6.000 lao động .

 

Đặt niềm tin ở chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, song hầu hết các doanh nghiệp đều xác định phải “tự cứu mình trước”. Trước khi bước vào thực hiện năm kế hoạch mới, nhiều doanh nghiệp đã đi trước một bước. Công ty TNHH sứ Đông Lâm, cũng đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào 2 dự án sản phẩm chất lượng cao (thay nung sứ bằng luyện sứ). Xúc tiến thị trường mạnh mẽ, ngoài giữ vững 50 đại lý và hàng trăm cửa hàng trong nước, bước đầu đã thâm nhập thị trường  Campuchia, Lào. Tại Công ty gốm sứ Thái Bình, bằng việc đầu tư nâng cao chất lượng nguyên liệu (xương men sứ), đổi mới mẫu mã bát đĩa, ấm chén,  đầu tư lắp đặt lò nung tuylen nâng công suất từ 6,1 triệu lên 30 triệu sản phẩm năm 2012 và nhận thêm 150 lao động vào đào tạo, làm việc.

 

Các doanh nghiệp nhỏ trước đây khó khăn do thiếu vốn sản xuất kinh doanh, nay cũng đang tìm giải pháp tiếp cận nguồn vốn  theo chủ trương  tái cấu trúc của Chính phủ ... để trở lại sản xuất kinh doanh, góp mặt cho KCN Tiền Hải trong năm 2012 sôi động, nhộn nhịp, hiệu quả. Những tháng cuối năm 2011, có nhiều tín hiệu vui từ KCN Tiền Hải. Với vốn đầu tư 505,5 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Cường khánh thành  nhà máy 50.000 cọc sợi, tuy đang trong thời gian “chạy thử nghiệm” nhưng đã có nhiều tấn sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... Công ty SXKD sứ Hảo Cảnh khánh thành dây chuyền 3 sản xuất sứ vệ sinh cao cấp công suất gần 4.000 sản phẩm/ngày. Để duy trì và phát triển, tới đây KCN Tiền Hải sẽ được đầu tư đưa khí đốt từ mỏ ngoài khơi vào, nên các nhà đầu tư  không thể chậm bước. Trước mùa xuân mới tất cả đều hướng tới hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến.

Phan Lợi

 

 

  • Từ khóa