Thứ 2, 25/11/2024, 01:03[GMT+7]

Lo thiếu gạo xuất khẩu

Thứ 3, 17/08/2010 | 08:47:26
1,540 lượt xem
Theo VFA, nếu phía Trung Quốc tiếp tục mua gạo mạnh như vừa qua thì đến quý IV/2010 sẽ không đủ gạo để xuất khẩu cho các hợp đồng đã ký.

Ảnh minh họa

Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), việc mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo hàng hóa vụ hè thu theo chỉ đạo của Chính phủ, 48 doanh nghiệp (DN) thuộc VFA đã thu mua khoảng 550.000 tấn.

Nông dân vui chẳng tày gang

Nửa cuối tháng 7 và đầu tháng 8-2010, do các DN tập trung mua lúa gạo tạm trữ nên giá lúa chất lượng thấp đã được đẩy từ 2.800 đồng - 3.200 đồng/kg lên 4.100 đồng - 4.400 đồng/kg; lúa chất lượng cao từ 3.500 đồng - 3.800 đồng/kg lên 4.300 đồng - 4.650 đồng/kg. Cộng với lượng gạo xuất sang Trung Quốc nhiều nên giá lúa tăng dần, người trồng lúa khấp khởi mừng.

Tuy nhiên, mức giá cao không kéo dài được lâu. Từ giữa tháng 8, do giá lúa cao nên thương lái trong nước và các đối tác phía Trung Quốc “chùn tay” nên rớt dần, còn 4.200 đồng/kg lúa IR50404 và 4.500 đồng/kg lúa hạt dài.

Lẽ ra lúa được giá thì phải mừng cho nông dân, đằng này, nhiều DN xuất khẩu thuộc VFA lo ngại rằng giá lúa (thu mua) tăng thêm sẽ khiến DN khó kiếm được hợp đồng xuất khẩu vì không thể cạnh tranh nổi với các “đối thủ” ở những nước xuất khẩu gạo khác. “Với giá lúa gạo hiện nay, DN xuất khẩu sẽ bị lỗ” - một đại diện VFA lo lắng.

Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, dù tình hình biến động nhưng các DN xuất khẩu gạo thành viên vẫn phải tiếp tục thu mua gạo tạm trữ đủ số lượng 1 triệu tấn. DN nào kham không nổi thì phải báo cáo ngay để hiệp hội điều tiết, DN để lúa tồn đọng sẽ bị xử lý bằng biện pháp kinh tế.

Đã tiệm cận khả năng xuất khẩu

Ông Trương Thanh Phong cho biết hợp đồng ký kết đến thời điểm này đã lên đến 6,2 triệu tấn, khả năng xuất khẩu gạo trong năm nay cũng chỉ đáp ứng khoảng 6,3 triệu - 6,4 triệu tấn. Trong tháng 5 và 6 vừa qua, các DN ký được nhiều hợp đồng thương mại nên đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu. Hiện nhiều địa phương đã cơ bản thu hoạch gần xong lúa hè thu, chỉ còn một phần ở Long An, Kiên Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Thị trường xuất khẩu có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng hợp đồng thương mại ký bán sang thị trường Bangladesh trong tháng 7 đạt 178.000 tấn, tháng 8 này sẽ ký tiếp 220.000 tấn gạo 15% tấm. Thị trường Philippines còn 51.300 tấn sẽ tiếp tục giao trong những tháng cuối năm.

Bó tay với xuất tiểu ngạch

Cũng theo ông Trương Thanh Phong, nửa cuối tháng 7 và đầu tháng 8 này, phía Trung Quốc tiêu thụ gạo có chất lượng thấp của VN rất mạnh, riêng lượng gạo xuất qua các cảng cũng đã lên đến 600.000 tấn, còn gạo xuất bằng đường bộ được đưa đi nườm nượp, không thể nào tính nổi. Sở dĩ phía Trung Quốc tăng tốc nhập gạo của VN là do giá lúa gạo vụ hè thu hồi đầu vụ quá thấp dẫn đến mức chênh lệch giá giữa hai nước khá cao (ở VN gạo rẻ hơn Trung Quốc) nên thương lái gom hàng ào ạt xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

VFA nhận định nếu phía Trung Quốc tiếp tục “ăn hàng” mạnh như vừa qua thì đến quý IV/2010 sẽ không còn đủ gạo để xuất khẩu cho các hợp đồng đã ký.
Đại diện VFA cho biết chủ trương của hiệp hội là không khuyến khích xuất tiểu ngạch. Tuy nhiên, theo cơ chế thị trường, VFA không thể nào can thiệp được. VFA đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương có biện pháp chấn chỉnh xuất gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc. Từ cuối năm ngoái cũng như đầu năm nay, VFA đã nhiều lần cảnh báo phía Trung Quốc sẽ mua gạo VN mạnh do nước này bị thiên tai ở nhiều nơi...

Giá gạo xuất khẩu tăng

Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký VFA, cho biết kết quả xuất khẩu gạo trong tháng 7 đạt 628.468 tấn, trị giá FOB 253,457 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 37,19% về lượng và tăng 38,05% về giá trị. Kết quả xuất khẩu gạo cả 7 tháng đầu năm là 3,96 triệu tấn, trị giá FOB 1,736 tỉ USD. Giá xuất khẩu bình quân 438,27 USD/tấn, tăng 27,94 USD/tấn. Số lượng hợp đồng còn lại chưa giao là 1,875 triệu tấn. Lượng hàng tồn kho tại các DN tính đến thời điểm này là 1,383 triệu tấn.

                                                                         Theo nguoilaodong

  • Từ khóa