Chủ nhật, 24/11/2024, 19:38[GMT+7]

Sản xuất công nghiệp năm 2012 Thách thức vẫn đang ở phía trước

Thứ 6, 06/04/2012 | 14:46:46
1,316 lượt xem
Cũng giống như sản xuất công nghiệp tập trung, khu vực nghề và làng nghề mặc dù có tới hơn 200 làng nghề, song rất nhiều nơi đang phải thu hẹp sản xuất, thậm chí có làng nghề đứng trước nguy cơ mai một.

Sản xuất thức ăn gia súc tại Công ty Quang Minh (Khu CN Phúc Khánh)

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiếp tục đà suy giảm kết hợp với tình hình lạm phát trong nước leo thang và chính sách tài khoá, tín dụng thắt chặt, rất nhiều doanh nghiệp kỳ vọng năm 2011 những khó khăn mà họ gặp phải đã chạm đáy. Thế nhưng thực tiễn sản xuất CN- TTCN những tháng đầu năm 2012 cho thấy các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Không ít doanh nghiệp đã phải ngừng sản xuất, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản do thiếu vốn và thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.

 

Minh chứng rõ nét nhất là tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh 3 tháng đầu năm 2012 chỉ đạt khoảng 2.661 tỷ đồng, tăng 5,79% so với cùng kỳ năm 2011. Đây cũng là một trong những quý mà tốc độ tăng trưởng thuộc hàng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Với giá trị sản lượng như trên hiện ngành công nghiệp mới đạt chưa đầy 20% kế hoạch của cả năm 2012.

 

Nếu phân theo loại hình kinh tế, thông thường những năm trước ngoại trừ khu vực kinh tế Nhà nước có tốc độ tăng trưởng chậm, các khu vực còn lại đều tăng ở mức hai con số, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có năm tăng tới 100%, nhiều năm tăng trưởng 40- 50%; nhưng năm nay cả 3 khu vực đều tăng trưởng chậm lại, trong đó khu vực kinh tế tư nhân chỉ tăng 6,34%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn thấp hơn, chỉ đạt 3,77% so với cùng kỳ năm trước. Hàng loạt sản phẩm sụt giảm sản xuất do thị trường đầu ra gặp khó khăn như: Xơ polyester giảm 10,85%, chiếu cói các loại giảm 3,76%, sợi đay giảm 2,81%, gạch đất nung giảm 6,04%, phôi thép giảm 4,17%, nhôm thỏi giảm 4,55%. Đặc biệt 4 sản phẩm công nghiệp chủ chốt mang lại giá trị lớn thì quý đầu năm nay đều giảm mạnh ở mức trên 20%, đó là xi măng các loại giảm 25,91%, khí đốt giảm 23,61%, gạch ốp lát các loại giảm 27,48% và bia các loại giảm sâu nhất tới gần 33%... Trong khi đó nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực khác có tăng nhưng tăng rất nhẹ so với cùng kỳ năm 2011 như: thuỷ hải sản tăng 7,21%, gạo xay sát tăng 9,78%, miến và bánh đa khô tăng 6,68%, sợi bông tăng 6,26%, khăn xuất khẩu tăng 8,85%, quần áo may sẵn tăng 6,01%...

 

Cũng giống như sản xuất công nghiệp tập trung, khu vực nghề và làng nghề mặc dù có tới hơn 200 làng nghề, song rất nhiều nơi đang phải thu hẹp sản xuất, thậm chí có làng nghề đứng trước nguy cơ mai một. Toàn tỉnh hiện có khoảng 80 làng nghề suy giảm sản xuất, nhiều nhất là các huyện Kiến Xương (10/ 39 làng nghề), Vũ Thư (18/ 24 làng nghề), Tiền Hải (24/ 27 làng nghề)... Các nghề bị sụt giảm chủ yếu là chế biến và đánh bắt thuỷ hải sản, đan lưới vó, dâu tằm, thêu ren, đan tre...

 

Nguyên nhân của những khó khăn trên chủ yếu là do tình hình kinh tế thế giới tiếp tục đà suy giảm dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm gây khó khăn cho thị trường xuất khẩu hàng hoá, nhất là nhóm các mặt hàng thủ công như mây tre đan, thêu, khăn dệt xuất khẩu, vật liệu xây dựng... Trong khi đó kinh tế trong nước cũng phải đối mặt với tình trạng lạm phát leo thang khiến chi phí đầu vào tăng, lãi suất tín dụng tăng liên tục và đứng ở mức cao khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn và độ rủi ro cao, đặc biệt là chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ làm cho sức mua của thị trường giảm, nhất là nhóm các mặt hàng VLXD. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết năm nay bất thuận, trời mưa nhiều, độ ẩm cao ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của một số sản phẩm như miến, bánh đa khô, chiếu cói, VLXD... do không được nắng để phơi.

 

Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, thời gian tới ngành Công thương sẽ tiếp tục tham mưu giúp UBND tỉnh bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về ưu đãi vốn, tiếp cận KH- CN, đào tạo nguồn lao động. Phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai các dự án theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2011- 2015 và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án REII mở rộng tại 34 xã nhằm cung cấp nguồn điện ổn định phục vụ sản xuất, nhất là vào thời kỳ cao điểm. Hỗ trợ kịp thời nguồn vốn khuyến công, khuyến thương của tỉnh và quốc gia giúp các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cải thiện ô nhiễm môi trường, đào tạo lao động, hiện đại hoá máy móc... Tổ chức hội nghị gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp làng nghề và doanh nghiệp chế biến NSTP để tháo gỡ những vướng mắc giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

 

Ngoài ra, ngành cũng sẽ tham mưu giúp UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với các tập đoàn, tổng công ty của Trung ương tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án nằm trong chương trình hợp tác như: Dự án Trung tâm điện lực Thái Bình, dự án xây dựng Nhà máy sản xuất Amôn nitrat, dự án dẫn khí từ thềm lục địa vào cung cấp cho KCN Tiền Hải... Đồng thời nghiên cứu, đề xuất các dự án hợp tác mới.

 

Bài, ảnh: Vũ Mạnh

  • Từ khóa