Thứ 4, 24/07/2024, 12:24[GMT+7]

Chiếc chổi nhỏ giúp nông dân Tam Quang thoát nghèo

Thứ 6, 06/04/2012 | 16:02:41
3,410 lượt xem
Gieo cấy, chăm sóc xong lúa xuân, nông dân xã Tam Quang huyện Vũ Thư lại mải miết quay về với công việc làm chổi đót. Những bàn tay tưởng như thô kệch, xù xì, nhưng khi cuốn chổi lại trở nên nhanh thoăn thoắt và mềm dẻo lạ kỳ. Bỗng chốc, những con đót rời rạc trở thành một chiếc chổi xinh xắn, vững chắc. Để rồi từ chính những chiếc chổi bé nhỏ này, người dân Tam Quang vươn lên thoát nghèo, thậm chí nhiều hộ năng động còn biết cách làm giàu.

Nghề làm chổi đót đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều chị em phụ nữ. Ảnh: Thu Hương

Nhà có 2 con nhỏ, còn đang theo học cấp 1 và cấp 2, chồng lại thường xuyên đi làm ăn xa, nên chị Trần Thị Chinh – Xóm 4 xã Tam Quang không thể đi làm trong các công ty, xí nghiệp ở thành phố. Tranh thủ lúc nông nhàn, chị sang cuốn chổi thuê ở mấy tổ sản xuất chổi đót ngay gần nhà. Vừa tận dụng được thời gian rỗi kiếm thêm thu nhập lo cho con cái ăn học, chị lại có điều kiện chăm sóc gia đình. Tay vặn chổi, chân giữ dây nilon, vừa làm chị vừa cho biết: “Tôi làm nghề này cũng được 4,5 năm nay rồi. Thu nhập trung bình hiện nay chỉ 50 – 60 ngàn đồng một ngày công, khoảng hơn 1,5 triệu một tháng. Tuy nhiên so với cấy lúa thì cũng hơn, vì cấy lúa bây giờ cũng nhiều bấp bênh, trừ chi phí đi thì cũng chẳng còn là bao, nói chung cấy lúa chỉ để lấy hạt thóc ăn thôi, còn phải làm thêm nghề này để chi tiêu sinh hoạt gia đình và lo cho con cái ăn học. Cũng may xã có nghề này, nên phụ nữ chúng tôi theo rất đông”

 

Chúng tôi tới thăm xưởng sản xuất chổi của gia đình anh Nguyễn Sỹ Hoạch thôn Nghĩa Khê. Đây là một trong những cơ sở sản xuất, kinh doanh chổi đót lớn nhất của xã Tam Quang. Tiếng ô tô nhập đót, máy cắt cuống hoạt động ù ù, chị em vừa nhặt đót, vặn chổi vừa chuyện trò rôm rả, không khí trong xưởng lúc nào cũng nhọn nhịp, sôi nổi. Anh Hoạch cho biết, trung bình mỗi tháng gia đình anh tiêu thụ khoảng 2 tấn đót nguyên liệu, thu hút 14 – 15 lao động tham gia thường xuyên. Để đầu tư mở xưởng làm chổi đót, ngoài lo các khâu nguyên liệu, thuê nhân công, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, gia đình anh khó khăn nhất trong khâu vốn đầu tư, bởi với lượng đót nhập và nhân công như thế, chi phí sản xuất lên đến ngót 1 tỷ đồng.

 

Bà chủ xưởng sản xuất, vợ anh Hoạch bày tỏ: “Do một số vướng mắc trong khâu thủ tục nên hiện tại như gia đình tôi chỉ được vay Ngân hàng 10 triệu đồng. Số tiền này không thấm vào đâu so với nguồn vốn chúng tôi cần để đầu tư sản xuất. Mà vay ngoài thì rất khó khăn, hơn nữa lãi suất cũng cao hơn nhiều. Do đó chúng tôi rất mong muốn chính quyền các cấp có cơ chế chính sách ưu đãi và tạo điều kiện để chúng tôi được tiếp cận với nguồn vốn nhiều hơn để phát triển nghề làm chổi, tạo thêm nhiều việc làm cho bà con nông dân địa phương chúng tôi.”

 

Hiện nay, xã Tam Quang có trên 200 hộ làm nghề sản xuất chổi đót, tập trung ở 2 thôn Nghĩa Khê và Hợp Tiến, thu hút gần 700 lao động địa phương tham gia. Trong đó, trên 30 hộ thành lập tổ sản xuất thường xuyên thu hút 5- 10 lao động làm chổi. Ngoài ra, nghề làm chổi còn thu hút gần 100 lao động tham gia các khau như dịch vụ, vận chuyển, bán chổi rong... Cái hay là nghề làm chổi không đòi hỏi nhiều sức khỏe nên chị em phụ nữ lúc nông nhàn, thậm chí nhiều em học sinh ngoài giờ học tập cũng có thể tranh thủ tham gia. Thu nhập nghề làm chổi không cao, trung bình từ 1,5-1,8 triệu đồng/người/tháng nhưng tính ra cũng bằng thu nhập của cả 1 sào lúa khi được mùa, hơn nữa lại luôn ổn định và không cần đầu tư chi phí sản xuất. Vì vậy nói là tranh thủ, nhưng hầu hết chị em khi đã tham gia làm chổi đều say mê, quanh năm theo nghề, chỉ ngày mùa bận mải các chị mới tạm nghỉ vài hôm về cấy, gặt.

 

Ngoài làm chổi đót truyền thống, hiện nay nhiều hộ gia đình ở xã Tam Quang còn sản xuất nhiều mặt hàng phong phú như chổi lông gà, rễ tre, cây lau nền... Thị trường tiêu thị sản phẩm cũng từng bước được mở rộng đến các tỉnh ngoài như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa... Thậm chí một số lô hàng chổi đót đầu tiên của Tam Quang đã được xuất sang thị trường Mỹ. Trung bình một năm, nghề làm chổi đem lại nguồn thu gần 20 tỷ đồng cho người dân nơi đây. Trong điều kiện địa phương là xã thuần nông, nhiều năm qua, cấp ủy chính quyền địa phương luôn xác định vai trò của nghề sản xuất, kinh doanh chổi đót gắn liền với việc nâng cao đời sống cho nông dân. Phấn đấu những năm tới nghề làm chổi đạt tỷ trọng 60 – 70% tổng giá trị sản xuất của xã, cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện phát triển ngành nghề TTCN này.

 

Đồng chí Đặng Văn Liêu – Phó chủ tịch UBND xã Tam Quang nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ hết sức tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục pháp lý kinh doanh, hay thủ tục vay vốn đầu tư sản xuất đối với các hộ làm chổi. Tất cả các hộ có nhu cầu vay vốn chúng tôi đều có sự quan tâm, kiến nghị với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT hoặc chỉ đạo các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tạo điều kiện tín chấp để họ có điều kiện tiếp cận nguồn vốn, thậm chí nguồn vốn lớn. Có một vấn đề là hiện nay, làng nghề sản xuất chổi đót của chúng tôi chưa được công nhận là làng nghề. Mà chưa được công nhận là làng nghề thì các hộ sản xuất kinh doanh chổi đót của chúng tôi sẽ không được hưởng các cơ chế, chính sách của Đảng – Nhà nước đối với làng nghề, như vậy sẽ khó phát triển làng nghề theo hướng bền vững. Vì vậy địa phương cũng rất mong các cấp, các ngành tạo điều kiện xem xét, công nhận làng nghề cho địa phương.”

 

Nguyện vọng của lãnh đạo xã Tam Quang cũng là mong mỏi của bà con nơi đây, bởi khi 2 thôn Nghĩa Khê và Hợp Tiến được công nhận là làng nghề thì nhiều cơ sở sản xuất chổi đót sẽ được tạo điều kiện thủ tục, vốn vay mở rộng sản xuất kinh doanh, giải quyết thêm nhiều lao động cho địa phương.  Đặc biệt thương hiệu chổi Đót Tam Quang, một ngày nào đó sẽ được người tiêu dùng xa gần biết đến như một trong những sản phẩm mang niềm tự hào của người con quê hương Thái Bình. Về Tam Quang hôm nay, đường làng ngõ xóm khang trang sạch đẹp, nhà cao tầng mọc lên san sát, những tổ sản xuất chổi đót ồn ào, nhộn nhịp. Chính sự cần cù chịu thương, chịu khó và đôi bàn tay tinh tế tài hoa của những người nông dân nơi đây đã tạo nên mảng màu tươi sáng cho bức tranh nông thôn ngày mới.

 

Quỳnh Lưu

(Đài Phát thanh Vũ Thư)

  • Từ khóa