Chủ nhật, 28/07/2024, 01:20[GMT+7]

Cần lành mạnh hóa thị trường thương mại điện tử (Kỳ 1)

Thứ 4, 27/11/2019 | 15:21:20
1,483 lượt xem
Đang được phát triển ở nhiều cấp độ, thương mại điện tử (TMĐT) đã kích thích xã hội sản xuất ra nhiều hàng hóa hơn và mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự phát triển của TMĐT cũng đang đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước, đòi hỏi có sự vào cuộc từ nhiều phía.

Nhờ thương mại điện tử, Công ty TNHH Sản xuất, xuất nhập khẩu Phương Thanh (xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình) ký kết được nhiều hợp đồng xuất khẩu, tạo việc làm ổn định cho công nhân.

Kỳ 1: Lợi ích to lớn

Dù đã xuất hiện từ lâu song nhiều người vẫn chưa nhận thức đúng về TMĐT. Hiểu một cách đơn giản, TMĐT là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác. 

Ông Đào Đức Hưng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng (Vũ Thư) cho biết: TMĐT là một công cụ hỗ trợ thương mại cho doanh nghiệp rất hiệu quả. Trước hết, thông qua trang website, chúng tôi có thể cung cấp catalogue, thông tin, bảng báo giá cho đối tác khách hàng một cách nhanh chóng. Việc quảng bá thông tin và tiếp cận khách hàng rộng khắp giúp cho doanh nghiệp phát triển thị trường ở cả trong và ngoài nước dễ dàng mà chi phí lại thấp hơn nhiều so với cách maketing truyền thống do không phải chi phí in ấn, tiền đi lại và chi phí nhân công lao động. Đặc biệt, thông qua trang website có công cụ tương tác với khách hàng, chúng tôi kịp thời nắm bắt nhu cầu của họ để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, phát triển mặt hàng mũi nhọn đưa ra thị trường cũng như có những chính sách chăm sóc khách tốt nhất. 

Không riêng Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng, theo đánh giá của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, khi ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, TMĐT giúp doanh nghiệp tiếp cận với khách hàng không bị bó hẹp về mặt địa lý. Ngoài bán hàng cho cư dân trong địa phương, doanh nghiệp có thể bán hàng trên địa bàn toàn quốc, thậm chí bán ra toàn cầu. Thay vì doanh nghiệp ngồi chờ khách hàng tự tìm đến mình, TMĐT đã thúc đẩy doanh nghiệp tích cực, chủ động đi tìm khách hàng. Cũng chính vì thế, số lượng khách hàng của doanh nghiệp sẽ tăng lên đáng kể, việc chiếm lĩnh được thị trường đồng nghĩa với doanh thu của doanh nghiệp tăng lên. Từ những lợi ích to lớn đó, được sự hỗ trợ của Sở Công Thương trong hoạt động đào tạo, tập huấn kỹ năng TMĐT và hỗ trợ xây dựng website, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm doanh nghiệp thiết lập website, fanpage, Facebook để quảng bá, tiếp thị, kinh doanh. 

Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng sớm ứng dụng thương mại điện tử để phát triển thị trường.

TMĐT không chỉ mang tới nhiều lợi ích cho doanh nghiệp mà còn cho cả người tiêu dùng. Với TMĐT, khách hàng không còn giới hạn về địa lý, thời gian, họ có thể mua hàng mọi lúc, mọi nơi. Điều TMĐT hấp dẫn người tiêu dùng chính là cho phép họ lựa chọn giữa hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nhà cung cấp ở các vùng miền khác nhau để mua được sản phẩm ưng ý nhất về mẫu mã, chất lượng và giá cả hàng hóa. 

Chị Lê Thị Thùy, công nhân may ở khu công nghiệp Phúc Khánh (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Nhìn chung, các sản phẩm mà tôi mua hàng online đều ưng ý và giá cũng rẻ hơn so với các cửa hàng bày bán trực tiếp nơi tôi sinh sống. Chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng hay thiết bị có kết nối internet, mọi người đều có thể mua hàng trên mạng được. Chính từ tiện ích của TMĐT nên ngày càng có nhiều người, nhất là giới trẻ tham gia mua sắm online. Xu hướng đó đang kích thích các doanh nghiệp áp dụng TMĐT vào hoạt động kinh doanh của mình. 

Thực tế, sau gần 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển TMĐT (giai đoạn 2016 - 2020) trên địa bàn tỉnh, về hạ tầng TMĐT cơ bản đã đáp ứng nhu cầu; quy mô thị trường TMĐT đang phát triển mạnh. Năm 2018, Thái Bình xếp thứ 27/54 tỉnh, thành phố về chỉ số TMĐT; trong đó, chỉ số về giao dịch B2C xếp thứ 38, chỉ số giao dịch B2B xếp thứ 19, chỉ số giao dịch G2B xếp thứ 21. Việc ứng dụng TMĐT được các doanh nghiệp chú trọng. Đến nay, khoảng 40% doanh nghiệp có website; 80% doanh nghiệp đã sử dụng email để trao đổi, giao dịch với khách hàng và sử dụng các nền tảng hỗ trợ giao tiếp như Viber, 

Facebook, Messenger, Zalo. Các cơ quan nhà nước đã tích cực ứng dụng giao dịch điện tử. Hệ thống cổng thông tin điện tử được nâng cấp tạo nền tảng cho phép thiết lập các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên; đã xây dựng phần mềm hành chính công điện tử phục vụ việc tiếp nhận, theo dõi, giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân tại trung tâm hành chính công cấp tỉnh và huyện... Đây là những yếu tố quan trọng để phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh thời gian tới, góp phần giúp các doanh nghiệp hội nhập, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh và thúc đẩy thanh toán điện tử, không sử dụng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ. 


Bà Ngô Thị Liên, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu (Sở Công Thương)


Xác định TMĐT là xu hướng tất yếu của lĩnh vực thương mại trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian qua, Sở Công Thương đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn nghiệp vụ về TMĐT cho doanh nghiệp. Từ các nguồn kinh phí, mỗi năm Sở Công Thương hỗ trợ 5 doanh nghiệp đăng ký tên miền, xây dựng website và 1 năm tiền phí duy trì hoạt động của website. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá website, giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT của Sở Công Thương.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, thành phốThái Bình)

Công ty Đức Quân chuyên sản xuất mặt hàng sợi xuất khẩu. Chúng tôi đã thiết lập website, đăng tải nội dung với 3 ngôn ngữ (Việt Nam, Anh, Trung Quốc). Thông qua kênh TMĐT này, doanh nghiệp đã tiếp cận được một số đối tác nước ngoài và ký kết nhiều đơn hàng xuất khẩu. Tình hình sản xuất, thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp được quảng bá rộng rãi một cách nhanh chóng cho khách hàng và các cổ đông trên sàn chứng khoán theo dõi kịp thời. Nhờ đó, doanh nghiệp duy trì được dòng vốn đầu tư, đơn hàng sản xuất phong phú, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho người lao động.

Bà Phạm Thị Huệ, thôn Khả Cảnh, xã Hồng Tiến (Kiến Xương)


Tôi hay mua hàng trên mạng nhưng chủ yếu là mua ở một số trang bán hàng nổi tiếng như Lazada Việt Nam, Sendo; thỉnh thoảng mua hàng trên Facebook, Zalo của một số người quen. Do đặc thù công việc bận cả ngày nên ít có điều kiện đi chợ hay đến các cửa hàng, vì vậy tôi lựa chọn cách mua hàng qua mạng. Dẫu vậy, tôi cũng không khỏi lo lắng về chất lượng hàng hóa không được như các doanh nghiệp quảng cáo trên mạng.


(còn nữa)

Khắc Duẩn

  • Từ khóa