Chủ nhật, 28/07/2024, 01:22[GMT+7]

Cần lành mạnh hóa thị trường thương mại điện tử (Kỳ 2)

Thứ 5, 28/11/2019 | 08:54:41
1,153 lượt xem
Thương mại điện tử (TMĐT) mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, TMĐT trên địa bàn tỉnh lại chậm phát triển và chưa phát huy hết giá trị của nó. Một trong những nguyên nhân là còn nhiều rào cản cần được tháo gỡ.

Lực lượng quản lý thị trường thu giữ sản phẩm đồng hồ có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Kỳ 2: Những bất cập của thương mại điện tử

Hiện nay, lượng người dùng internet như một kênh mua bán ngày càng tăng. Qua hình thức mua bán này, người tiêu dùng chỉ cần một cái chấm đầu ngón tay hay nhấp chuột là có thể mua vé máy bay, đặt khách sạn, gửi hoa cho bạn bè hoặc mua được các sản phẩm yêu thích... Tiện lợi là thế nhưng không ít người mua hàng qua mạng từng “dở khóc, dở cười”. Anh Nguyễn Thế Thành, lái xe taxi, quê xã Tự Tân (Vũ Thư) chia sẻ: Có nhu cầu mua đồng hồ đeo tay, vừa qua tôi đặt mua một chiếc hiệu Rolex trên mạng internet. Khi xem hình ảnh và báo giá của một doanh nghiệp ở tỉnh Nam Định thấy nó rất đẹp và giá cả cũng rẻ nên quyết định đặt mua. Thế nhưng, khi nhân viên vận chuyển đến giao hàng, bóc ra tôi thấy chiếc đồng hồ mình đặt mua không giống như hình ảnh quảng cáo, nó có dấu hiệu cũ nữa, không sử dụng được, đành để cho con làm đồ chơi. Khi liên hệ với bên bán để ý kiến thì không liên lạc được; vào trang bán hàng của họ trên facebook thì thấy quá nhiều comment tố doanh nghiệp này lừa đảo khách hàng giống trường hợp của tôi. Thực sự tôi rất bức xúc và không biết phải xử lý như thế nào.

Không riêng anh Thành, việc bị nhận hàng đã mua không giống với mô tả trên website hay mạng xã hội là tình trạng nhiều người mua hàng qua mạng gặp phải. Từ những chiếc túi hàng nhái được giả mạo là hàng hiệu cho đến những chiếc áo, đôi giày, điện thoại thông minh, sim điện thoại số đẹp... bị lỗi, cũ hoặc không đúng với những gì doanh nghiệp giới thiệu là hệ lụy khi mua hàng trực tuyến. Không chỉ có vậy, không ít người khi thanh toán tiền rồi mà người bán không chuyển hàng hoặc nhận được hàng không như mong muốn. Gặp tình cảnh ấy, nạn nhân không biết kêu ai, chỉ còn biết ấm ức.

Mọi giao dịch TMĐT được thực hiện trên cơ sở niềm tin, vì vậy, khi gặp người bán không có uy tín, người tiêu dùng sẽ có nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Thực tế, có không ít tổ chức, cá nhân thông qua TMĐT để “treo đầu dê, bán thịt chó” nhằm trục lợi, tiếp tay cho hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng website, sàn giao dịch thương mại có chức năng quảng cáo, kinh doanh hàng hóa nhưng không đăng ký, khai báo với Bộ Công Thương theo quy định, một phần do không am hiểu quy định của pháp luật, hoặc cố tình vi phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm, thực hiện các hành vi trốn thuế, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ. Thêm vào đó, gần đây, việc nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng mạng xã hội là một kênh quảng bá, bán hàng gây ra khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động thương mại, dẫn tới không ít rủi ro cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Thái Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết: Từ đầu tháng 6 đến ngày 20/10/2019, qua kiểm tra chuyên đề TMĐT đối với 28 doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh, Cục Quản lý thị trường đã phát hiện 6 vụ vi phạm, xử phạt và nộp ngân sách nhà nước 80 triệu đồng. Các lỗi vi phạm của doanh nghiệp và cá nhân chủ yếu gồm thiết lập website TMĐT bán hàng mà không khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với hàng hóa trong sản xuất, vi phạm về nhãn hàng hóa.

Ở một chiều hướng khác, không ít người bán hàng trên mạng internet trở thành nạn nhân khi rơi vào cảnh giao hàng rồi mà không được thanh toán, bị thanh toán bằng thẻ tín dụng giả, thậm chí còn bị bọn tội phạm công nghệ cao lừa chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Ông Đỗ Văn Vang (xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương) chia sẻ: Tôi có một số người bạn bán hàng qua mạng. Có lần họ phàn nàn không muốn tiếp tục công việc bán hàng online nữa vì bị thua lỗ. Nguyên nhân chính là do nhiều khách hàng đặt mua nhưng khi nhân viên bưu điện chuyển tới thì người mua lại không nhận khiến cho họ phải tốn chi phí vận chuyển hàng đi và về.

Điểm dễ nhận thấy của TMĐT là giao dịch qua internet và chủ yếu người mua là khách lẻ. Lợi dụng điều này, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bán hàng và chứng từ rất sơ sài, thậm chí không có; khi xảy ra sai phạm dễ dàng “xóa dấu vết” gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thu thập chứng cứ vi phạm để xử lý. Với những bất cập, thách thức của TMĐT như đã nêu, đây là lý do vì sao TMĐT dù có rất nhiều ích lợi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng nhưng vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng, cần một lời giải thỏa đáng từ nhiều phía.

(còn nữa)

Khắc Duẩn


  • Từ khóa