Chủ nhật, 28/07/2024, 01:34[GMT+7]

Cần lành mạnh hóa thị trường thương mại điện tử (Kỳ 3)

Thứ 6, 29/11/2019 | 08:09:31
1,101 lượt xem

Kỳ 3: Giải pháp nào cho thương mại điện tử phát triển

Thương mại điện tử liên quan đến rất nhiều ngành nên để phát triển TMĐT trước hết cần có sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong việc thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về TMĐT cho công chức, viên chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo mục tiêu phát triển TMĐT của ngành Công Thương, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 3.000 lượt cán bộ quản lý nhà nước, doanh nhân và 900 lượt sinh viên năm cuối được đào tạo, tập huấn về chuyên ngành TMĐT. Doanh nghiệp, thanh niên khởi nghiệp, sinh viên ngành kinh tế phải có nhận thức, kỹ năng ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 6.300 doanh nghiệp song phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên gặp không ít khó khăn trong ứng dụng TMĐT. Chính vì vậy, việc hỗ trợ họ xây dựng website quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tích hợp các tiện ích bán hàng, thanh toán trực tuyến, tham gia các sàn TMĐT để mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu là rất cần thiết. Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng: Cái yếu và thiếu của nhiều doanh nghiệp hiện nay là năng lực quản trị sản xuất, kinh doanh. Cho nên, hơn bao giờ hết, nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp các phần mềm quản lý, các giải pháp kinh doanh trực tuyến như quản lý tài chính, quản lý nhân sự, marketing, quản lý, chăm sóc khách hàng trực tuyến và các giải pháp trên nền tảng di động giúp họ có điều kiện tham gia sâu và lĩnh vực TMĐT. Thêm vào đó, việc xây dựng và nâng cao năng lực mạng lưới dịch vụ vận chuyển, hạ tầng kho bãi, giao nhận hàng hóa trong tỉnh và với các địa phương khác trong cả nước cũng cần được đầu tư thỏa đáng.

Theo bà Tô Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương: Giao dịch TMĐT dựa nhiều vào lòng tin giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng mã hình QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; ứng dụng mã hình QR in trên tem chống giả, tem xác thực, các loại tem tương tự nhằm chống gian lận thương mại và thuận lợi trong hoạt động thanh toán, khuyến mại trực tuyến, kê khai thuế điện tử...

TMĐT càng phát triển, đối tượng kinh doanh vi phạm sẽ gia tăng nên công tác quản lý thị trường, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực TMĐT là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách ngay từ bây giờ. Ông Nguyễn Văn Nghiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường chia sẻ: Do tính chất đặc thù và phức tạp của hoạt động TMĐT, để bảo đảm hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực TMĐT, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung huy động nhân lực, thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, đối tượng kinh doanh trên môi trường mạng, kịp thời xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Cục Quản lý thị trường sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình triển khai các biện pháp nghiệp vụ và thực hiện hoạt động kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Tổ chức tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng các quy định của pháp luật đối với hoạt động TMĐT để doanh nghiệp, người tiêu dùng hiểu được quyền, lợi ích của mình góp phần phòng ngừa vi phạm.

Để triển khai thành công và hiệu quả TMĐT đòi hỏi doanh nghiệp phải có một cơ sở hạng tầng thương mại thông tin vững chắc, có đội ngũ nhân sự công nghệ thông tin đủ mạnh đáp ứng khả năng vận hành, quản trị và phát triển hệ thống TMĐT. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nâng cao đạo đức kinh doanh làm cho nguời tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng hàng hóa bán online. Người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, lựa chọn cách thức mua hàng online, thực hiện giao dịch an toàn, mua bán có hóa đơn để có cơ sở phối hợp với cơ quan chức năng điều tra xử lý doanh nghiệp vi phạm và chống gian lận, trốn thuế.

Nhằm hạn chế tình trạng kinh doanh TMĐT tự phát, tạo một sân chơi công bằng hơn cho các tổ chức, cá nhân, nhà nước cần có cơ chế kiểm soát, sắp xếp và có những quy định chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp kinh doanh online. Chỉ có như vậy, TMĐT mới phát triển mạnh mẽ, bền vững trong thời gian tới, mang lại lợi ích, hiệu quả cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và cả nền kinh tế.

Đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có 70% trang thông tin điện tử của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và 30% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4; 70% doanh nghiệp có website riêng; 80% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua ứng dụng TMĐT; 100% siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh để phát triển TMĐT theo hình thức giao dịch doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và doanh nghiệp với khách hàng (B2C); 40% doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch TMĐT của tỉnh và các sàn cung cấp dịch vụ TMĐT khác.

(Mục tiêu phát triển TMĐT giai đoạn 2021 - 2025 của ngành Công Thương)


Khắc Duẩn

  • Từ khóa