Thứ 4, 24/07/2024, 10:16[GMT+7]

Dừng sản xuất bể biôga từ nhựa composite ở Đông Hưng

Thứ 6, 08/06/2012 | 16:00:10
918 lượt xem
Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của các cụm công nghiệp ở Đông Hưng còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là việc tự ý chuyển đổi chủ sở hữu và sản xuất các mặt hàng không đúng như đăng ký ban đầu gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong nhân dân.

Khu sản xuất bể biôga của Công ty TNHH Hưng Việt composite đã được tháo dỡ

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, tạo điều kiện giúp các hộ mở rộng sản xuất kinh doanh, những năm qua huyện Đông Hưng đã quan tâm đầu tư phát triển các cụm công nghiệp. Trong đó một số cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, giá trị sản xuất hàng năm lên tới hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm cho lao động nông thôn và đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng trăm triệu đồng/năm. Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của các cụm công nghiệp còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là việc tự ý chuyển đổi chủ sở hữu và sản xuất các mặt hàng không đúng như đăng ký ban đầu gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong nhân dân. Điển hình là 7/7 cơ sở sản xuất sản phẩm bể biôga từ vật liệu composite tại 3 cụm công nghiệp Đông Động, Nguyên Xá, Đông La mà UBND huyện Đông Hưng vừa xử phạt hành chính, yêu cầu dừng sản xuất.

 

Thời điểm chúng tôi đến các cơ sở sản xuất bể biôga từ nhựa composite, các đơn vị này đã nhận được thông báo của UBND huỵên Đông Hưng yêu cầu tạm dừng sản xuất được ít ngày. Tại cụm công nghiệp Đông La, Công ty TNHH Hưng Việt Composite đã dừng sản xuất trước khi có thông báo của UBND huyện hơn 1 tháng nay. Cơ sở sản xuất hoang tàn, nhà xưởng thu dỡ dở dang, không còn một bóng công nhân làm việc, đó là những gì chúng tôi được chứng kiến. Từ năm 2008 Công ty này đã được ông Lưu Văn Hạnh cho thuê lại đất từ dự án đăng ký mở rộng sản xuất kinh doanh cơ khí, sửa chữa trung đại tu ô tô xe máy, máy nông nghiệp, kinh doanh đồ gia dụng, vật liệu xây dựng.

 

Sau khi Công ty TNHH Hưng Việt đi vào sản xuất đã tạo việc làm thường xuyên cho 120 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/ người/ tháng. Trung bình mỗi tháng công ty nhập 4 côngtennơ nguyên liệu như keo, sợi và một số vật liệu khác, sản xuất ra 1.200 sản phẩm, doanh thu đạt 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty này lại chưa có hệ thống xử lý mùi vì để làm được hệ thống đó phải đầu tư số tiền lớn tới trên 10 tỷ đồng.

 

Cơ sở sản xuất Bắc Dâu, cụm công nghiệp Đông La được UBND huyện Đông Hưng cho thuê đất từ năm 2003 để đầu tư xây dựng nhà xưởng, tái chế đồ nhôm dân dụng. Nhưng hơn 2 tháng nay cơ sở này đã tự ý đầu tư thêm máy móc thiết bị để sản xuất bể biôga từ vật liệu composite mà chưa được cấp phép. Do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật trong sản xuất, đầu ra không ổn định nên cơ sở này mới chỉ bán được hơn 10 bể. Đến khi có thông báo của UBND huyện, cơ sở  đã chấp hành dừng sản xuất mặc dù nguyên vật liệu vẫn còn tới trên 1 tấn, đủ để sản xuất khoảng 30 bể chứa nữa.

 

Các cơ sở sản xuất bể biôga từ vật liệu composite khác như cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Văn Răm, Bùi Văn ánh ở cụm công nghịêp Đông La; Nguyễn Văn Thái, Đặng Văn Thịnh ở cụm công nghiệp Đông Động; Nguyễn Trọng Long cụm công nghịêp Nguyên Xá cũng chưa được cấp giấy phép hoạt động. Theo cán bộ Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Đông Hưng thì các dự án thuê đất nói trên đã sử dụng sai mục đích, có trường hợp chưa có quyết định cho thuê đất đã chuyển nhượng chủ sở hữu, các ngành nghề kinh doanh không có trong giấy phép đăng ký kinh doanh và không phù hợp với mục đích cho thuê đất, không có chứng nhận về môi trường.

 

Không phủ nhận những đóng góp của các cơ sở sản xuất trên đã làm ra những sản phẩm để hạn chế ô nhiễm môi trường nhưng trong quá trình sản xuất thì chính các cơ sở này lại làm ảnh hưởng xấu đến môi trường. Trên địa bàn huyện Đông Hưng hiện có tới 8.448 hộ chăn nuôi, đã có 3.682 hộ chăn nuôi hợp vệ sinh (chiếm 43,4%), trong đó sử dụng bể biôga từ nhựa composite là 1.955 chiếc, chiếm 23,1%. Để làm ra một bể biôga trung bình phải có 5kg gen cốt, 87kg polyeste, 16kg sợi thủy tinh mát, 22kg sợi thủy tinh thô, dầu chống dính... 

 

Quá trình sản xuất, các nguyên liệu này đã phát tán ra mùi khó chịu, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của các hộ sản xuất và nhân dân xung quanh. Do đó, các cơ sở sản xuất đã vấp phải sự phản đối của người dân cho rằng: hàng ngày họ phải hít thở không khí ô nhiễm nặng, đặc biệt là khoảng thời gian các mẻ ô xít ra lò gây ra mùi khó chịu nồng nặc hơn cả mùi thuốc trừ sâu, kể cả đóng cửa ở trong nhà nhưng vẫn ngửi thấy mùi khó chịu đó. 

 

Trước thực trạng trên,  UBND huyện Đông Hưng đã thành lập đoàn kiểm tra 7 cơ sở sản xuất. Lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, yêu cầu một số cơ sở dừng việc cho thuê đất khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, hoàn thiện hồ sơ xin thuê đất, thủ tục hành chính về môi trường theo quy định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời dừng sản xuất bể biôga từ vật liệu composite và phải thực hiện sản xuất theo đúng với ngành nghề đã đăng ký. Điều đáng mừng là sau khi có thông báo dừng sản xuất của UBND huyện Đông Hưng, 7/7 cơ sở đã thực hiện dừng sản xuất theo đúng yêu cầu của huyện và trong thời gian tới sẽ nghiên cứu chuyển sang sản xuất các các sản phẩm như đã đăng ký.

Bài, ảnh: Thu Thủy

                                                                 

  • Từ khóa